Thứ Hai, 04/04/2022, 16:24 (GMT+7)
.
NỖI LO VỚI TÌNH TRẠNG SẠT LỞ

BÀI 2: Chủ động "4 tại chỗ"

BÀI 1: Tốc độ nhanh, quy mô lớn

Không ít giải pháp đã được đưa ra trước tình trạng sạt lở các tuyến sông, kinh, rạch nhưng diễn biến vẫn còn phức tạp.

NGUYÊN NHÂN TỪ ĐÂU?

Câu hỏi đặt ra nguyên nhân vì sao tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, đến bao giờ mới dự báo được sạt lở và liệu nguy cơ sẽ xảy ra như thế nào khi mưa lũ đang về. Đánh giá về tình trạng này, theo TS. Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật xây dựng Trường Đại học Tiền Giang, tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông tại Tiền Giang từ năm 2016 đến nay diễn ra nhanh, nhiều về số điểm sạt và nghiêm trọng về mức độ so với thời gian trước đó. Nguyên nhân do lượng phù sa, bùn cát từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về giảm mạnh.

Người dân và lãnh đạo xã Hội Xuân khảo sát điểm sạt lở vừa kè bằng rọ đá đang chờ thi công tiếp.
Người dân và lãnh đạo xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang khảo sát điểm sạt lở vừa kè bằng rọ đá đang chờ thi công tiếp.

Số liệu đo đạc cho thấy, sau khi Trung Quốc xây dựng 6 đập thủy điện ở tỉnh Vân Nam, lượng phù sa về ĐBSCL từ 160 triệu tấn giảm xuống còn khoảng 85 triệu tấn/năm, tức có 50% phù sa bị giữ lại ở các đập thủy điện. Điều này ngoài việc làm giảm độ phì nhiêu của đất, còn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sạt lở mạnh ở ĐBSCL thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, mật độ sông, rạch dày đặc với nhiều đoạn sông cong, nhiều ngã ba, ngã tư là những vị trí dễ bị sạt lở do dòng chảy đạp thẳng vào bờ. Tình trạng xây dựng nhiều nhà ở, công trình hạ tầng quá gần bờ sông, đường giao thông, bãi vật liệu xây dựng… hoặc các công trình lấn chiếm lòng sông, kinh, rạch làm co hẹp, chuyển hướng dòng chảy, từ đó làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ.

Còn theo nghiên cứu của các chuyên gia khoa học, nguyên nhân do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển có xu thế ngày càng dâng cao. Trong 20 năm qua, trung bình nước biển dâng cao từ 2 đến 3 mm/năm. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là tình trạng khai thác nước ngầm quá mức để lấy nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản làm đất bị lún dần.

Nghiên cứu gần đây của Viện Địa chất Na Uy đã chỉ ra rằng mặt đất ở ĐBSCL bị lún trung bình 3 cm/năm trong 30 năm qua. Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh cho biết, ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều tuyến đê bao yếu, nhỏ, xuống cấp, chân đê bao sát mép sông, kinh, rạch, cao trình thấp, các công trình được đầu tư chưa đồng bộ nên khi có triều cường dâng cao hoặc lũ kết hợp với triều cường làm nước tràn qua đê, gây sạt lở, vỡ, nhất là ở các địa phương như: Huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy và huyện Châu Thành.

“Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều nơi tăng về số lượng, tính chất và quy mô. Một số địa phương chưa thật sự chủ động trong việc phân bổ nguồn dự phòng ngân sách để chủ động xử lý, vẫn còn tư tưởng trông chờ nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ mới xử lý nên dẫn đến các điểm sạt lở nhỏ tiếp tục phát triển thành các điểm sạt lở lớn.

Bên cạnh đó, một số công trình tỉnh đã cho chủ trương xử lý khẩn cấp nhưng một số địa phương hoàn thiện các thủ tục còn rất chậm nên khi triển khai thi công không còn mang tính khẩn cấp” - đồng chí Nguyễn Đức Thịnh cho biết thêm.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng khai thác nước ngầm quá mức để lấy nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản làm đất bị lún dần. Nghiên cứu gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, sụt lún là một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển. Sụt lún làm cho kết cấu của đất rời ra, khi có tác động thêm của dòng chảy sẽ làm sạt lở. Một nguyên nhân khác của tình trạng sạt lở ở ĐBSCL là do suy giảm phù sa và bùn cát.

Ngày xưa bùn cát về ĐBSCL đạt 160 triệu tấn/năm, giờ đây chỉ còn phân nửa. Trước đây, hoạt động sạt lở và bồi lắng đan xen nhau trong đó, bồi lắng nhiều hơn sạt lở nên ĐBSCL được nâng cao và lấn dần ra biển. Còn bây giờ, phù sa giảm, bồi lắng giảm nên sạt lở gia tăng.

ỨNG PHÓ RA SAO?

Tình trạng diễn biến phức tạp của sạt lở không chỉ riêng đối với Tiền Giang, mà còn đối với nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL, chuyên gia nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu Nguyễn Hữu Thiện khuyến cáo, nếu tiếp tục khai thác cát thì phải “hy sinh” ĐBSCL. Tất cả hành động ứng phó ở ĐBSCL hiện nay đều không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ là thiếu cát, phù sa, tức mọi hành động chỉ là chống đỡ tạm thời, còn sạt lở vẫn sẽ tiếp diễn.

Ngăn chặn sạt lở chỗ này, sẽ sạt lở chỗ khác. “Khi gây sạt lở ở điểm nào đó tức là dòng sông đã chọn điểm phù hợp nhất với nó để giải quyết vấn đề năng lượng dòng chảy. Khi đã sạt lở rồi, dòng sông không còn “tức nước nữa”, nhưng nếu ta trám hoặc lấp lại tức là ta lại đưa nó về trạng thái “tức nước” như trước khi sạt lở. Dòng sông sẽ phải tự tìm cách giải quyết năng lượng của nó” - chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phân tích.

Xoay quanh các giải pháp căn cơ và lâu dài, Bí thư Huyện ủy Cai Lậy Nguyễn Văn Bằng có ý kiến chia sẻ, cần chủ động trong xử lý ban đầu, xử lý ngay là điều quan trọng nhất trong công tác xử lý sạt lở. Sau đó, từng địa phương phải xác định và phân loại theo từng nguy cơ các điểm sạt từ cao đến thấp để xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác xử lý các điểm sạt lở cần thực hiện theo phương pháp vừa thiết kế, vừa thi công.

Tình trạng sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới nên cần nhiều giải pháp đồng bộ. Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh cho biết, trong thời gian tới, các địa phương phải tích cực xây dựng phương án để kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả do sạt lở bờ sông, giảm thiểu thiệt hại theo phương châm “4 tại chỗ” là “chỉ huy, lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần tại chỗ” nhằm góp phần làm giảm thiểu thiệt hại thiên tai, tổ chức phòng, tránh kịp thời, an toàn và khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất.

Còn đối với kỹ thuật các điểm kè sạt lở hoàn thành đưa vào sử dụng, TS. Nguyễn Ngọc Thắng cũng cho biết, các địa phương và đơn vị thi công phải tính toán ổn định cho tuyến sông, xác định ảnh hưởng của dòng chảy và sóng tới tuyến sông bằng việc xác định kích thước và trọng lượng của vật liệu công trình kè bảo vệ bờ sông để chống lại các tác động do dòng chảy và sóng gây ra. Thông qua đó đánh giá ổn định của mái dốc bờ sông.

Đặc biệt, đối với chân kè phải chống được sự kéo trôi của dòng chảy và dòng bùn cát đáy, thích ứng với sự biến hình của lòng sông, chống được xâm thực của nước và thuận lợi cho việc thi công trong nước. Ngoài ra, đối với thân kè phải chống được xói ngầm bờ sông do dòng thấm, chống được sự phá hoại do các vật trôi.

THÁI AN - HOÀNG LONG

 

.
.
.