Thứ Ba, 12/04/2022, 11:07 (GMT+7)
.

Siết kỷ cương, lành mạnh hóa môi trường mạng: "Hoa mắt" với thông tin giật gân, câu view

Mỗi ngày, lượng thông tin được hàng triệu người dùng đưa lên mạng xã hội là con số khổng lồ. Trong số đó, không ít thông tin giật gân, câu view (lượt xem) phản cảm. Tác động của những thông tin này với xã hội không nhỏ, khi thu hút một lượng người xem đông đảo là trẻ em, thanh niên.

LTS: Hai năm dịch bệnh căng thẳng với những đợt phong tỏa, giãn cách khiến mọi người lên mạng xã hội nhiều hơn. Môi trường mạng vốn đã trăm hoa đua nở, nay càng tràn ngập thông tin thượng vàng hạ cám khiến người dùng hoa mắt, chóng mặt. Và cũng vì thế, làm sạch môi trường mạng càng trở nên cần kíp hơn bao giờ hết.

a
 

 

a
Cơ quan chức năng cảnh báo một số thông tin thất thiệt trên mạng

Nhan nhản tin “rác”

Mới đây, sau khi Bộ Công an khởi tố, điều tra một số vụ án liên quan Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh... thì lập tức một số cá nhân đăng tải thông tin thất thiệt trên mạng xã hội gây tác động xấu đến thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam, gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Vì vậy, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, phải minh định lại thông tin và nhấn mạnh, Bộ Công an đang chỉ đạo các lực lượng chức năng củng cố tài liệu chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng.

Tình trạng “ăn theo” những vấn đề được dư luận quan tâm, rồi đăng phát thông tin trên mạng để câu view, tạo tác động xấu đang diễn ra khá phổ biến. Trước đó, sau khi bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, bị Công an TPHCM khởi tố, bắt tạm giam thì Lê Văn Phụng (ngụ phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đăng video trên TikTok kêu gọi biểu tình. Công an TPHCM phối hợp Công an tỉnh Bình Dương mời làm việc thì Phụng thừa nhận hành vi vi phạm và cho biết việc này nhằm câu view, tạo tương tác cho tài khoản mạng xã hội của mình.

Các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, xử lý vi phạm trên môi trường mạng. Giữa năm 2021, Sở TT-TT TPHCM xử phạt chủ kênh YouTube Timmy TV 15 triệu đồng, kèm yêu cầu đóng kênh. Đây là kênh hướng tới trẻ em, nhưng đăng những thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ, do có nội dung hãi hùng, gây ám ảnh. Trước đó, kênh YouTube với gần 9 triệu lượt người theo dõi Thơ Nguyễn cũng bị Sở TT-TT tỉnh Bình Dương xử phạt vì đăng tải nội dung mê tín dị đoan.

Trong đợt cao điểm dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, trong khi cả nước gồng mình chống dịch thì rất nhiều người tung tin thất thiệt câu view. Ngày 23 và 24-9-2021, tỉnh Khánh Hòa xử phạt 4 trường hợp, trong đó có trường hợp đăng tin bịa đặt về tổ chức ăn nhậu trong trụ sở UBND xã. Lúc dịch bệnh căng thẳng, TPHCM cũng phạt 15 trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc và chia sẻ thông tin gây hiểu lầm, hoang mang, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

a
Ngay khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, lập tức xuất hiện tin đồn thất thiệt bà Hằng được thả về. Ảnh: CHÍ THẠCH

Trăn trở của thanh niên

Đối với các trang mạng xã hội, nhất là những trang có lượng người theo dõi lớn, việc hành vi vi phạm xảy ra trong thời gian dài mới bị xử lý đã làm nội dung “rác” phán tán rộng hơn. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, đã bỏ thời gian để theo dõi nhất cử nhất động “thần tượng” của mình.

Ngoài ra, người dùng mạng dễ dàng lập kênh YouTube riêng của mình, tự sản xuất nội dung và có thể kiếm tiền nếu lượt view cao, khiến nhiều chủ kênh bất chấp để câu view. Từ đám tang nghệ sĩ đến các vụ xô xát, tai nạn, cháy nhà… cũng được các YouTuber khai thác triệt để. Đơn cử, chỉ với từ khóa “livestream đám tang nghệ sĩ”, chỉ trong 0,66 giây cho hơn 22,7 triệu kết quả; hay có lúc từ khóa “bà Nguyễn Phương Hằng livestream”, trong 0,57 giây cho hơn 14,2 triệu kết quả. Điều đó cho thấy sự bao phủ, sức ảnh hưởng của những thông tin chưa lành mạnh rất lớn.

Tình trạng “rác” mạng nhan nhản gây lo lắng cho nhiều người. Đặc biệt, các bạn thanh thiếu niên dễ bị lôi cuốn và chìm đắm trong các nội dung này và bị ảnh hưởng đến nhận thức cũng như sự phát triển bình thường. Trong các buổi tiếp xúc cử tri thanh niên tại TPHCM mới đây, các bạn đoàn viên, thanh niên đã bày tỏ quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. “Các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều video phản cảm, trong khi nhiều bạn trẻ chưa có bộ lọc cần thiết để đề kháng trước những thông tin như vậy”, anh Ngô Lê Trí Mẫn, một thanh niên ở phường 11 (quận Phú Nhuận) nêu ý kiến.

Đó cũng là trăn trở chung của nhiều thanh niên khác. Ở lứa tuổi học sinh, bạn Nguyễn Ngọc Huỳnh Hân, học sinh Trường Trung học Thực hành - Đại học Sư phạm TPHCM, chia sẻ, các bạn cùng trang lứa với mình dành nhiều thời gian ở trên mạng xã hội. Các kênh tự đề xuất những video, hình ảnh cho người dùng dựa theo thói quen của họ. Chỉ cần một lần bấm vào link “rác”, thì các sản phẩm tương tự sẽ được đẩy lên trước mắt, tự động chạy cho xem. Chị Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Bí thư Đoàn phường Thới An (quận 12, TPHCM), thì lo lắng, khi các bạn trẻ không những “cuồng” các nội dung giật gân, câu khách mà còn hồn nhiên bình luận, chia sẻ cho bạn bè, trên các hội nhóm để cùng xem.

Theo thống kê của Tổ chức We are social và Hootsuite, vào tháng 1-2020, tại Việt Nam có 68,17 triệu người sử dụng Internet với trung bình 6 giờ

30 phút (trên tất cả nền tảng thiết bị), 65 triệu người dùng mạng xã hội, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Tiến sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam, nhận xét, mạng xã hội thực chất là một công cụ, sử dụng đúng cách sẽ là nơi lan tỏa những giá trị yêu thương, tích cực, kết nối mọi người. Ngược lại, nó cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho thông tin xuyên tạc, sai lệch, vô tình gây hại đến bản thân và những người xung quanh.

Hiện nay, mạng xã hội đang trở thành một nơi giao lưu chính của người Việt, đặc biệt là người trẻ. Đối tượng thanh thiếu niên chủ yếu là GenZ (sinh từ năm 1997-2010), sinh ra trong giai đoạn nở rộ của Internet và thiết bị điện tử. “Các bạn GenZ nhanh nắm bắt xu hướng, nhạy với sự thay đổi. Do vậy, nếu không hành động đủ quyết liệt, những thông tin sai lệch trên mạng xã hội sẽ tác động tiêu cực khó lường đến tâm lý, sự phát triển của thanh thiếu niên”, TS Hòa An nhận xét.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, xử lý nhiều trường hợp thông tin sai sự thật trên mạng. Cụ thể, năm 2021, Sở TT-TT Hà Nội đã phối hợp cơ quan chức năng rà soát 90 trang thông tin điện tử, 150 tài khoản mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật trên môi trường mạng. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 69 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt hơn 965 triệu đồng; đề nghị Trung tâm Internet Việt Nam thu hồi 2 tên miền, tạm ngừng hoạt động 50 tên miền...

Cũng trong năm 2021, các cơ quan chức năng của TPHCM đã phối hợp các đơn vị thuộc Bộ TT-TT rà soát và ngăn chặn, gỡ bỏ 330 bài viết trên Facebook, gần 440 video trên YouTube và hơn 570 video trên TikTok. Cơ quan chức năng của thành phố cũng xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng đối với các hành vi: phát tán, truyền đưa, lưu trữ những thông tin có nội dung chống Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, gây ảnh hưởng đến an toàn trật tự - xã hội và an ninh thông tin; thông tin sai sự thật, vu khống… Sở TT-TT TPHCM cũng phối hợp với cơ quan công an thẩm định, đánh giá, giám định nội dung vi phạm trên không gian mạng để phục vụ điều tra, khởi tố và xử lý hình sự hàng chục trường hợp có hành vi vi phạm Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự.

Theo sggp.org.vn
 





 

.
.
.