.

Tai nạn lao động giảm mạnh trong năm 2021

Cập nhật: 21:47, 06/04/2022 (GMT+7)
Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương họp báo thông tin về Lễ phát động Tháng hành động quốc gia An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2022.
Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương họp báo thông tin về Lễ phát động Tháng hành động quốc gia An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2022.
Năm 2021, tình hình tai nạn lao động giảm so với năm 2020 ở tất cả các chỉ số, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động nặng.
 
Sáng 6/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương họp báo thông tin về Lễ phát động Tháng hành động quốc gia An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2022.

Thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh xã hội) cho thấy, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, nhưng với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể người lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tình hình tai nạn lao động năm 2021 giảm ở tất cả các chỉ số, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động nặng. Trong đó, tai nạn lao động chết người giảm 18,5% số vụ (749 vụ, giảm 170 vụ), giảm 19,63% số người chết (786 người, giảm 180 người); giảm 21,71% số người bị tai nạn lao động nặng (1.485 người, giảm 412 người).

Đặc biệt, tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Số vụ có người chết giảm 39,7% (175 vụ, giảm 115 vụ), số người chết giảm 39,67% (184 người, giảm 121 người), số người bị thương nặng giảm 7,5% (259 người, giảm 21 người). Đây là năm thứ 3 liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm.

Đồng thời, điều kiện lao động tại các đơn vị cũng được cải thiện đáng kể; các phong trào thi đua bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động phát triển mạnh (đã có 16.998 công đoàn cơ sở tổ chức các phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động, tăng  112% so năm 2020 chỉ có 8.002 cơ sở).

Các hoạt động hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về 0% theo Nghị quyết 68/NQQ-CP và Quyết định số 23/2021/ QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 triển khai một cách có hiệu quả theo tinh thần cải cách hành chính.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động Chu Thị Hạnh cũng thẳng thắn đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số hạn chế, khi số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.

Năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động, làm 6.658 người bị nạn, 786 người chết, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 4 nghìn tỷ đồng và hơn 116 nghìn ngày công. Số người bị tai nạn đến các cơ sở khám, điều trị là 18.951 người, trong đó khám điều trị lần đầu là 12.884 người.

Về bệnh nghề nghiệp, năm 2021 khám, phát hiện 255 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,1% số người được khám. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2021 còn quá ít 26 người...

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thật sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang gặp những khó khăn do dịch bệnh, việc khôi phục, mở cửa bình thường lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động sẽ gia tăng hiện hữu, đòi hỏi các cấp chính quyền cần thật sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở, trong bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực không có quan hệ lao động. Người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Người lao động cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc trong doanh nghiệp, hộ gia đình.

Các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động cần tiếp tục được rà soát, cải thiện, đặc biệt để tăng tỷ lệ số người được giám định bệnh nghề nghiệp.

Tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho biết, để tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2022, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (từ ngày 1 đến 31/5) được chính thức phát động vào ngày 28/4/2022 cùng với Tháng Công nhân và cũng là Ngày Thế giới vì an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Chủ đề Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 là “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.

Trong Tháng hành động, sẽ diễn ra các hoạt động như đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động,  thăm nạn nhân tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động...

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.