.

Bình đẳng giới "Chìa khóa vàng" của hạnh phúc

Cập nhật: 08:19, 24/05/2022 (GMT+7)

Trước hết, cần hiểu rõ Bình đẳng giới (BĐG) không phải là hoán đổi vai trò, vị trí của phụ nữ sang nam giới, hay là tỷ lệ 50/50 trong mọi lĩnh vực. BĐG là tạo cơ hội như nhau cho nam giới và nữ giới, tạo điều kiện cho phụ nữ bù đắp những khoảng trống, những bất lợi do đặc điểm giới tính và quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ trong thực tế.

 Vợ chồng  thương yêu,  tôn trọng nhau, chia sẻ công việc với nhau để  xây dựng gia đình hạnh phúc.
Vợ chồng thương yêu, tôn trọng nhau, chia sẻ công việc với nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, vai trò và vị trí của người phụ nữ ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại ở trong nhiều gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Thực tế hiện nay, có không ít người phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp, không thua kém gì ở nam giới.

Tuy nhiên, công việc cơ quan hoặc kinh doanh đã kéo họ vào guồng máy không dễ dứt ra, nên thời gian dành cho gia đình cũng ít đi. Sau giờ tan sở, phụ nữ cũng muốn nghỉ ngơi nhưng về đến nhà lại lao vào việc nhà nên chị em sinh ra bực bội và cáu gắt với người thân của mình. Tâm lý phát sinh này là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến rạn nứt tình cảm vợ chồng. Chính vì thế, BĐG trong gia đình rất cần được lan truyền để cân bằng giữa việc nước - việc nhà cho mỗi phụ nữ.

Thiết nghĩ, việc nhà đâu chỉ của riêng nữ giới, chỉ càng phức tạp lên nếu cứ phân biệt rạch ròi đâu là việc của nữ, đâu là việc của nam. Sẽ đơn giản hơn nhiều nếu cùng thống nhất mọi việc trong gia đình đều là việc chung, nên phải cùng nhau chia sẻ, đồng cam cộng khổ. Vợ chồng thương yêu, tôn trọng nhau, chia sẻ công việc với nhau thì con cái mới được chăm sóc đầy đủ và cảm nhận được sự ấm êm, hạnh phúc. Giáo dục BĐG trong gia đình bắt đầu từ trẻ thơ sẽ là nền tảng vững chắc để thực hiện tốt BĐG trong tương lai.

Có thế nhận thấy, định kiến giới và tư tưởng trọng nam giới hơn phụ nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội với các biểu hiện như: Thích sinh con trai hơn con gái; coi việc nội trợ, chăm sóc con cái là của phụ nữ; khi chia tài sản thừa kế thường dành cho con trai nhiều hơn; quan niệm nam giới là người trụ cột… Bên cạnh đó, thời gian làm việc của phụ nữ thường dài hơn nam giới. Mặc dù pháp luật quy định trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi vấn đề chung, cùng chia sẻ mọi công việc cũng như chăm lo cho con cái, cha mẹ.

Tuy nhiên, trên thực tế, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ. Tính chất bảo thủ của sự phân công lao động truyền thống theo giới ở mức độ khác nhau vẫn còn được bảo lưu trong một bộ phận gia đình Việt Nam đã làm hạn chế các cơ hội học hành của trẻ em gái, cản trở phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội và có địa vị, thu nhập bình đẳng như nam giới.

Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã và đang tạo cho gia đình những điều kiện tiếp thu những giá trị văn hóa mới của xã hội hiện đại. Thế nên trong những năm gần đây, nhận thức về tình yêu, hôn nhân có nhiều biến đổi. Tỷ lệ phụ nữ được thực hiện quyền bình đẳng về kinh tế, việc làm và được thụ hưởng thành quả lao động ngày càng cao. Tự do trong tình yêu và hôn nhân được tôn trọng trên cơ sở BĐG và được pháp luật bảo vệ, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

BĐG trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là ở cuộc sống hiện đại. BĐG trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục và được hành động bình đẳng. BĐG trong gia đình cũng là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, giải phóng phụ nữ và xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững.

KIỀU LOAN

 

.
.
.