.

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và xã hội

Cập nhật: 18:17, 17/05/2022 (GMT+7)

(ABO) Ba tháng trước lúc đi xa, vào ngày 1-6-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu có viết bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân dân số 5526. Trong bài báo, Bác viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.

Thực hiện di huấn của Bác, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi, giải trí, đảm bảo các quyền cơ bản và được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm cấp ủy các cấp cần thực hiện tốt trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em thời gian tới.
Đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước, làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

NHIỀU THÀNH QUẢ KHẢ QUAN

Ngày 5-11-2012, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Ngày 25-3-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Chương trình hành động số 37-CTr/TU và Kế hoạch số 44-KH/TU để triển khai, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đến các cấp, các ngành và địa phương.

Theo đó, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành và các đoàn thể đều có chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả; trẻ em trên địa bàn tỉnh được quan tâm chăm lo, được đến trường, học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, luôn dành sự quan tâm đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em được sống, hòa nhập và phát triển; công tác bảo vệ, trợ giúp trẻ em được tăng cường; các lĩnh vực phòng, chống xâm hại trẻ em, giảm thiểu tình trạng lợi dụng lao động trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đạt được nhiều kết quả tích cực; nhất là thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em... Trong đó, có vai trò của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể luôn theo sát, chăm lo cho trẻ em nói chung, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gần đây nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Sau qua 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 20 của Bộ Chính trị, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Tiền Giang đã đạt được một số kết quả nổi bật. Số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Tiền Giang đã giảm từ 15,58% vào năm 2012 xuống còn 7,64% vào năm 2021; có 90,8% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 93% xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em; 99,68% trẻ dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh, 83,1% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; 72,7% trẻ em khuyết tật được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng.

Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non của tỉnh đạt 79,4%; tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt 100%; trẻ em hoàn thành cấp tiểu học và trung học cơ sở đạt trên 97%. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nghèo, trẻ em vùng khó khăn, trẻ khuyết tật được đặc biệt quan tâm. Trong 10 năm qua, hàng ngàn trẻ được khám bệnh, phát thuốc và phẫu thuật miễn phí; đặc biệt 459 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh đã được phẫu thuật với kinh phí hỗ trợ gần 23 tỷ đồng…

Tuy nhiên, thách thức trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em hiện nay là còn nhiều trẻ em khó khăn. Cụ thể, hiện tại toàn tỉnh còn trên 19.300 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; trong đó có 1.395 trẻ khuyết tật, 189 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 104 em bị bỏ rơi, 77 em không nơi nương tựa, 11 em bị nhiễm HIV/AIDS… Thời gian qua, trong tỉnh cũng có xảy ra một số vụ việc vi phạm quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại trẻ em, có nơi còn diễn biến phức tạp. Tình trạng trẻ em bị đuối nước, tai nạn thương tích, nhất là bị lạm dụng sức lao động... gây bức xúc.

Mặt khác, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế có những tác động tích cực và cả tiêu cực đến việc thực hiện các quyền trẻ em và bổn phận của trẻ em; thiên tai, dịch bệnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện và cuộc sống an toàn của trẻ; trẻ em trong các gia đình công nhân tại các khu - cụm công nghiệp khó tiếp cận đầy đủ chính sách, dịch vụ hỗ trợ, thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ; các giá trị đạo đức truyền thống dần thay đổi, lối sống thực dụng, thiếu gương mẫu của người lớn... Đây là những vấn đề bức xúc mà cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quan tâm, quyết liệt hơn trong công tác giáo dục và bảo vệ trẻ em hơn.

QUAN TÂM CÔNG TÁC TRẺ EM TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Ngày 7-1-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. 

Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã bàn hành Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đáp ứng sự phát triển toàn diện về giáo dục; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; vui chơi, giải trí; giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ thông qua việc mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ phúc lợi xã hội dành cho trẻ em; bảo đảm tất cả trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc, can thiệp, hỗ trợ và giáo dục kịp thời; kiện toàn và phát triển mạnh hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp và phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng
Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng.

Trong đó, một số chỉ tiêu Tiền Giang đặt ra cho giai đoạn mới là tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em đạt 92% vào năm 2025 và 94% vào năm 2030; tỷ lệ trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng còn 10,1% vào năm 2025 và 9% vào năm 2030; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 23,2% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030; giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên tổng số trẻ em xuống 1% vào năm 2025 và xuống dưới 1% vào năm 2030; tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99% vào năm 2025 và trên 99% vào năm 2030…

Để thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, các đoàn thể cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định quan điểm “Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước, làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.”

Đồng chí Võ Văn Bình yêu cầu các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20 của Bộ Chính trị, các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đồng thời, đưa mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào nghị quyết của các cấp ủy, kế hoạch nhà nước ở các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tốt nhất.

Cần đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp các cấp trong phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ trẻ em trong các vụ việc, vụ án bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em… tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết các vấn đề về trẻ em...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cần quan tâm rà soát, bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác trẻ em và bảo vệ trẻ em, trong đó đặc biệt ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cơ nhỡ, mồ côi… Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ đáp ứng việc thực hiện quyền trẻ em, ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Đồng chí Võ Văn Bình nhấn mạnh câu nói “Trẻ em như búp trên cành; biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” của Bác Hồ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Chúng ta cũng phải xem trọng, thực hiện tâm niệm của Người là làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục các em, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển thể lực, trí tuệ và nhân cách, tạo điều kiện tốt nhất để giúp trẻ em học tập, tu dưỡng và rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là “Cháu ngoan Bác Hồ”. Đây chính là nguồn nhân lực sẽ đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

THỦY HÀ

 

.
.
.