Thứ Tư, 11/05/2022, 15:00 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm, để lại những nỗi đau, mất mát to lớn cho gia đình, nhà trường cũng như toàn xã hội. Riêng đối với Tiền Giang là một trong những tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt. Hầu như năm nào, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra tình trạng trẻ em bị đuối nước.

Vì vậy, việc triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các bộ, ngành liên quan và các địa phương, trong đó ngành Giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng.

THỰC TRẠNG ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), giai đoạn 2015 - 2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù trong những năm gần đây có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ đuối nước trẻ em ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước có thu nhập cao. Bên cạnh đó, số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ đầu tháng 5 đến ngày 20-9-2021 trên toàn quốc đã xảy ra 54 vụ đuối nước, làm tử vong 89 trẻ em, học sinh.

Dạy bơi cho trẻ em ở tỉnh Tiền Giang.                                                                                                                                                                Ảnh: lập đức
Dạy bơi cho trẻ em ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Lập Đức

Riêng tại tỉnh Tiền Giang, dù đã hơn một năm trôi qua, thế nhưng khi nhắc lại, nhiều người dân ở huyện Gò Công Đông vẫn chưa hết bàng hoàng với vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn xã Phước Trung, làm 3 học sinh thiệt mạng vào trưa ngày 24-4-2021, gồm: Đ.L.T.V. (10 tuổi), Đ.L.T.T. (8 tuổi) và L.T.N.V. (10 tuổi), cùng ngụ ấp Nghĩa Chí, xã Phước Trung. Vào buổi trưa, các em xin phép gia đình đi chơi, đến tận chiều cùng ngày không thấy các em trở về, gia đình tức tốc đi tìm thì phát hiện cả 3 em đã tử vong dưới ao nước trên phần ruộng của một người dân trong xã.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã gửi công điện đến các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trước đó về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Trước đó, vào cuối tháng 10-2020, cũng trên địa bàn xã Phước Trung xảy ra vụ đuối nước, làm 2 học sinh của Trường THCS Võ Văn Dánh tử vong thương tâm.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Gò Công Đông, trong 2 năm liên tục (2020 - 2021), trên địa bàn huyện xảy ra tình trạng học sinh bị đuối nước rất thương tâm. Đa số các em bị đuối nước từ 6 đến 10 tuổi. Ở lứa tuổi này, các em còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tình huống bị đuối nước...

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, thực trạng tai nạn thương tích do đuối nước nói chung và đuối nước ở trẻ em nói riêng trên địa bàn tỉnh hầu như năm nào cũng có. Từ năm 2013 đến 2021, toàn tỉnh có gần 100 học sinh đuối nước. Còn theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 trường hợp đuối nước ở trẻ em.

ĐỂ KHÔNG CÒN NHỮNG CHUYỆN THƯƠNG TÂM

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng nguyên nhân chính chủ yếu do trẻ không biết bơi hoặc thiếu các kỹ năng, kiến thức về phòng tránh tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó là do thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội. Các em cũng chưa thực sự ý thức về sự nguy hiểm của việc tắm biển, tắm sông, kinh rạch, ao hồ... khi không có người lớn giám sát, trong khi phần lớn các em thiếu kỹ năng bơi lội, kỹ năng xử lý tình huống khi bơi lội.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân quan trọng cũng cần được đánh giá, phân tích cụ thể. Đó là nhiều trẻ em, học sinh bị đuối nước do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Điều này cho thấy ngành Giáo dục có trách nhiệm rất lớn trong công tác tuyên truyền, giáo dục, trang bị, hướng dẫn cho các em những kiến thức, kỹ năng để các em biết và chủ động trong việc tự phòng tránh đảm bảo an toàn cho bản thân. Đây cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm đối với các nhà trường, cơ sở giáo dục để góp phần giảm thiểu đuối nước xảy ra đối với trẻ em, học sinh.

Để phòng, chống đuối nước ở trẻ em, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, chương trình đề ra mục tiêu cụ thể như sau: Các xã, phường, thị trấn phấn đấu đạt 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

70% học sinh lớp 3 bậc tiểu học, lớp 7 bậc THCS và lớp 10 bậc THPT được phổ cập bơi vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. 50% học sinh tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được phổ cập bơi vào năm 2025 và 60% vào năm 2030. Giảm 10% số trẻ em đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030 so với năm 2020.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tỷ lệ trường học tổ chức dạy bơi cho học sinh còn rất thấp do thiếu bể bơi, thiếu thiết bị, điều kiện để tổ chức giảng dạy.

Đối tượng được học bơi chủ yếu là học sinh gia đình có điều kiện, học sinh ở thị trấn, thị xã, thành phố. Học sinh ở các vùng nông thôn, vùng  quê ít có cơ hội được học bơi an toàn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phòng, chống tai nạn, thương tích đuối nước trong nhà trường chủ yếu là kiêm nhiệm, còn yếu và thiếu về kiến thức, kỹ năng, khó khăn về phương tiện triển khai thực hiện.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đã đặc biệt quan tâm đến công tác phổ cập bơi cho trẻ em, học sinh. Theo đó, toàn ngành đang đầu tư xây dựng bể bơi ở các trường học, với mục tiêu hướng đến là làm sao tất cả học sinh đều biết bơi, biết xử lý các tình huống phòng tránh đuối nước một cách cơ bản nhất. Toàn tỉnh hiện có khoảng 52 hồ bơi quy mô nhỏ, trong đó có 16 hồ bơi cố định trong các trường tiểu học, THCS; 36 hồ bơi di động đáp ứng yêu cầu phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho học sinh trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 14 trường THPT có bể bơi. Tuy còn một số khó khăn trong việc khai thác, sử dụng, nhưng các hồ bơi đã đáp ứng nhu cầu học bơi của học sinh.

Đồng thời, các sở, ban, ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ, đặc biệt trong mùa mưa bão, mùa hè; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho người dân và trẻ em. Chủ động đưa trẻ đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước; rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ như làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ, ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm.

HỮU NGHỊ

.
.
Liên kết hữu ích
  • Giá đồ chơi robot Mykingdom
.