Thứ Bảy, 25/06/2022, 10:19 (GMT+7)
.

Phụ nữ Tiền Giang tự tin khởi nghiệp

Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt là Đề án 939) tiếp tục được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang “khơi nguồn” cho hội viên, phụ nữ (HV-PN) khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế. Việc triển khai thực hiện Đề án 939 đã giúp nhiều HV-PN Tiền Giang mạnh dạn, tự tin, góp phần nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội.

Để vận động, tạo điều kiện cho HV-PN khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế, các cấp Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của HV-PN đang có ý tưởng khởi nghiệp.

TIẾP SỨC PHỤ NỮ KHỞI NGHIỆP

Sau khi Đề án 939 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh với mục tiêu thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng và sức sáng tạo của phụ nữ. Đồng thời, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của phụ nữ thông qua chuỗi các dịch vụ hỗ trợ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Ý nghĩa hơn, nhiều HV-PN đã và đang dần vượt qua tư duy nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm.

Trao giải Nhất cho ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo với sản phẩm bánh quy dừa của chị Huỳnh Thị Thy Thy (huyện Gò Công Tây).
Trao giải Nhất cho ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo với sản phẩm bánh quy dừa của chị Huỳnh Thị Thy Thy (huyện Gò Công Tây).

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Ngọc Điệp, thực hiện Đề án 939 bước đầu tạo thay đổi trong tư duy và phương pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ HV-PN phát triển kinh doanh. Đề án đã thể hiện được vai trò kết nối các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng nhiều chương trình để đồng hành, hỗ trợ phụ nữ phát triển. Hoạt động hỗ trợ hướng đến các đối tượng phụ nữ nông thôn, thành thị; quan tâm phụ nữ yếu thế, khuyết tật, vùng sâu, vùng xa. Huy động các nguồn lực từ xã hội, các tổ chức quốc tế. Nhiều ý tưởng, đề án được hiện thực hóa và tăng trưởng về quy mô sản xuất, kinh doanh, vươn ra thị trường ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm khẳng định thương hiệu và trở thành sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, điều kiện, nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án 939 còn thiếu, nhất là về kinh phí vẫn gặp khó khăn. Trình độ, năng lực của một bộ phận phụ nữ còn hạn chế, đặc biệt là phụ nữ nông thôn không biết ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường; chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa quan trọng của bảo hộ trí tuệ, đăng ký thương hiệu và các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm nên khả năng cạnh tranh không cao; thiếu yếu tố sáng tạo trong sản phẩm và mô hình kinh doanh; còn e ngại, sớm hài lòng, chưa vươn xa…

Vì thế, để khắc phục khó khăn, Hội LHPN tỉnh xác định, lựa chọn những ý tưởng, đề án khởi nghiệp có tiềm năng để tập trung đầu tư, từng bước hỗ trợ HV-PN phát triển thành doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp do nữ làm chủ.

ĐỔI MỚI TỪ HỘI THI “Ý TƯỞNG PHỤ NỮ KHỞI NGHIỆP”

Hằng năm, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đều tổ chức Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp” gắn với chủ đề phù hợp cho từng năm. Năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp” với chủ đề “Khởi nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, kinh doanh an toàn, thành công năm 2022” với nhiều hoạt động sôi nổi. Theo đó, tổ chức trưng bày, giới thiệu hàng trăm sản phẩm tiêu biểu trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống, những sản phẩm được chứng nhận OCOP của HV-PN trên địa bàn tỉnh. Tại ngày hội còn diễn ra “Phiên chợ 0 đồng”, trao tặng hàng trăm phần quà gồm gạo và nhu yếu phẩm cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn…

Với sự quan tâm từ các ban, ngành và các cấp Hội LHPN của tỉnh đã có hàng trăm HV-PN được hỗ trợ, giúp đỡ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ HV-PN khởi nghiệp, các cấp Hội LHPN còn tổ chức dạy nghề ngắn hạn; kết nối cùng Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang trợ vốn ưu đãi gần 27 tỷ đồng cho 1.479 HV-PN khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với các ngành nghề bán thức ăn, mở rộng kinh doanh… Các cấp Hội còn trao phương tiện sinh kế, với tổng trị giá 250 triệu đồng cho 55 lượt HV-PN có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vốn nhàn rỗi không tính lãi với tổng số tiền gần 44 tỷ đồng cho 5.820 lượt HV-PN có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, Hội thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022 do Hội LHPN tỉnh tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều HV-PN trên địa bàn tỉnh, với trên 187 ý tưởng. Trong đó, có 30 ý tưởng được Hội LHPN tỉnh chọn vào vòng chung kết, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh; đồng thời, trao 11 giải thưởng cho các ý tưởng khởi nghiệp của HV-PN đoạt giải. Trong đó, giải Nhất được trao cho ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo với sản phẩm bánh quy dừa của chị Huỳnh Thị Thy Thy (huyện Gò Công Tây).

Theo đồng chí Đặng Thị Ngọc Điệp, thông qua các gian hàng trưng bày, Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022 đã tạo môi trường thuận lợi để HV-PN trong tỉnh giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình; đồng thời, cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm an toàn do chị em phụ nữ trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Ý tưởng dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên của phụ nữ. Tinh thần khởi nghiệp càng được vun đắp, phát triển, mở rộng và khi khởi nghiệp thành công sẽ tạo nên của cải mới cho xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng.

Bên cạnh đó, Hội thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” vừa tạo cơ hội cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng tiến những bước xa hơn, vừa giúp các cấp Hội LHPN của tỉnh có thêm kinh nghiệm trong thực hiện phong trào khởi nghiệp. Hội LHPN không chỉ tạo điều kiện cho các HV-PN tiếp cận tín dụng, mà còn chú trọng xây dựng năng lực khởi nghiệp cho phụ nữ từ kiến thức, kỹ năng, kết nối các nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm, đăng ký thương hiệu… nhằm tạo giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất, kinh doanh của HV-PN.

HIỆN THỰC HÓA CÁC Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP

Chị Phạm Thị Kiều Trang, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây tham gia Hội thi “Phụ nữ ý tưởng khởi nghiệp” năm 2022 do Hội LHPN tỉnh tổ chức và đã đoạt giải Nhì với các sản phẩm chế biến từ nấm linh chi, như: nấm linh chi nguyên tai, trà túi lọc linh chi, rượu linh chi… Nhờ được hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp, chị Kiều Trang hiện đang triển khai các kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, vừa nuôi trồng, vừa chế biến các sản phẩm từ nấm linh chi.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm do HV-PN sản xuất làm ra tại Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022.
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm do HV-PN sản xuất làm ra tại Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022.

Hay như chị Trần Thị Bé, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè đã hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình từ sản xuất bánh rế. “Trước đây, tôi làm vườn và đưa đò, cuộc sống khá chật vật. Sau này, nông thôn mới ngày càng phát triển, cầu đường được bê tông hóa, tôi phải nghỉ đưa đò và được chị em động viên, hỗ trợ tôi đã bắt tay vào sản xuất bánh rế. Lúc đầu, tôi chỉ sản xuất thủ công, sản phẩm bánh rế làm ra không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cũng như thị trường. Thế là tôi quyết định vay vốn, đầu tư máy làm bánh; tham gia lớp khởi sự kinh doanh do Hội LHPN tổ chức. Hiện tại cơ sở sản xuất bánh rế của tôi dần đi vào hoạt động ổn định và giải quyết việc làm cho hơn 10 chị em trong xóm” - chị Bé chia sẻ.

Nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, chị Diệp Thu Dẻo, xã Điềm Hy, huyện Châu Thành đã hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình bằng việc bắt tay vào trồng nấm bào ngư xám mang lại hiệu quả. Chị Dẻo cho biết: “Tận dụng thời gian nhàn rỗi và diện tích đất sản xuất hạn hẹp của gia đình, tôi đã trồng nấm bào ngư xám để phát triển kinh tế gia đình. Qua thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư trại, mua phôi nấm. Hiệu quả rõ nét nhất trong năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhưng tôi vẫn cung cấp nấm ra thị trường qua mạng xã hội, thu nhập khoảng 7 - 9 triệu đồng/tháng. Năm 2022, tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và tìm kiếm thị trường rộng hơn…”.

Còn rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp của HV-PN đã được hiện thực hóa. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị em phụ nữ đã góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho thu nhập cao, từng bước đưa các sản phẩm do phụ nữ làm ra có chỗ đứng không chỉ ở thị trường trong tỉnh, mà còn phổ biến rộng rãi đến các tỉnh, thành của cả nước. Đặc biệt, nhiều sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ còn được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Có thể khẳng định, thông qua hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, nhiều HV-PN đã vượt khó vươn lên, tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, kinh doanh, khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình và xã hội.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.