Tiền Giang: Báo chí tỉnh nhà dấn thân vào "cuộc chiến" chống giặc Covid-19
Đồng hành cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ những người làm báo của các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đã dũng cảm xông pha, dấn thân vào “cuộc chiến” chống giặc Covid-19. Qua đó, kịp thời cung cấp thông tin, hình ảnh, những thước phim chân thật nhất trong cuộc chiến “không tiếng súng” này đến độc giả, khán thính giả...
Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 tỉnh, thực hiện loạt phóng sự “Nhịp đập giữa mùa dịch”, đoạt giải B loại hình Truyền hình - Giải Báo chí Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn lần thứ XIV, năm 2021 - 2022. Ảnh. MINH THÀNH |
ĐẢM BẢO THÔNG TIN NHANH, CHÍNH XÁC
Thời quan qua, cùng với cả hệ thống chính trị và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đã phát huy sức mạnh tuyên truyền trong phòng, chống dịch. Với tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan thông tấn, báo chí đã bám sát diễn biến tình hình, phản ánh, cập nhật thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, góp phần cổ vũ, động viên lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch và nâng cao trách nhiệm, ý thức của cộng đồng trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, báo chí đã tuyên truyền đậm nét những thông tin, số liệu tích cực, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, những điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn...
Phó Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc Nguyễn Trọng Tấn cho biết, khi xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh, báo in và báo điện tử Ấp Bắc đã cập nhật liên tục về việc các cấp, các ngành tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, qua đó giúp nhân dân tin tưởng, ủng hộ, không lơ là, chủ quan, cũng không hoang mang, dao động, tích cực hưởng ứng phòng, chống dịch.
Theo đó, Báo Ấp Bắc đã tăng cường lực lượng tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch qua việc thành lập Tổ phóng viên tác chiến và Tổ phóng viên dự phòng, để khi các thành viên Tổ phóng viên tác chiến bị nghi nhiễm và nhiễm Covid-19 sẽ có lực lượng thay thế. Tổ phóng viên tác chiến có phóng viên chuyên trách, am hiểu lĩnh vực Y tế, đảm bảo thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 được chính xác và có góc nhìn đa chiều về công tác phòng, chống dịch.
Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 tỉnh. |
Khoác lên mình phương tiện phòng hộ cá nhân, đội ngũ những người làm báo trong tỉnh đã lao vào tâm dịch, khu điều trị, khu cách ly, tiếp xúc phỏng vấn y, bác sĩ, các ca F0, F1. Xác định lao vào tâm dịch đồng nghĩa với việc chấp nhận nguy cơ cao bị nhiễm Covid-19. Trong quá trình tác nghiệp, không ít phóng viên phải đi cách ly tập trung, điều trị F0. Sau khi cách ly và điều trị khỏi, các phóng viên lại tiếp tục xông pha vào cuộc chiến này.
Đánh giá công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, khi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, các phóng viên đã không ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, luôn có mặt ở tuyến đầu để nắm thông tin về tình hình dịch bệnh, thông tin những kiến thức phòng ngừa hữu ích nhất đến người dân. Và khi có những thông tin phiến diện, không đúng về diễn biến của dịch bệnh, báo chí đã kịp thời thông tin phản bác những thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các hoạt động phòng, chống dịch của địa phương. Qua đó, báo chí tỉnh nhà đã khơi dậy được tình cảm, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch.
VƯỢT QUA KHÓ KHĂN, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ
Thời điểm phong tỏa, người dân không được ra khỏi nhà, các hoạt động sản xuất, kinh doanh buộc phải tạm dừng. Thế nhưng, các cơ quan báo chí, phóng viên không thể ngừng hoạt động, giữ cho dòng thông tin không ngừng chảy.
Nhân viên y tế kiểm tra phương tiện phòng hộ cá nhân của phóng viên trước khi vào Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 tỉnh tác nghiệp. |
Đồng chí CHÂU THỊ MỸ PHƯƠNG
|
Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nguyễn Sĩ Hùng cho biết, thời điểm đỉnh dịch năm 2021, thực hiện theo yêu cầu “3 tại chỗ”, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã thành lập Tổ phản ứng nhanh “3 tại chỗ”, bao gồm: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… để thực hiện chương trình hoàn chỉnh, phục vụ cho công tác phát thanh, truyền hình. Tổ phản ứng nhanh trực tại đơn vị 24/24 giờ, trong thời gian 1 tháng; tháng tiếp theo sẽ thay đổi ca để vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ và vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Trong thời khắc hết sức khó khăn như vậy, lực lượng “3 tại chỗ” đã phản ánh trung thực, đúng, chính xác và kịp thời đến người dân theo hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương và lãnh đạo tỉnh.
Ngoài ra, Đài đã thông tin đến cộng tác viên các huyện, thành, thị để cập nhật và đưa tin, bài hằng ngày trên sóng phát thanh, truyền hình, qua đó kịp thời thông tin đến quý khán, thính giả. Đặc biệt, các thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 được phát sóng rộng rãi trên các hạ tầng mạng hiện có của Đài. Ngoài các chương trình phát thanh, truyền hình, Đài còn tuyên truyền trên sóng vệ tinh Vinasat-1, truyền hình cáp HTVC… mà Đài đang sở hữu.
Tác nghiệp trong mùa dịch, phóng viên phải tự trang bị cho mình phương tiện phòng hộ cá nhân, nước sát khuẩn và cả kiến thức về phòng, chống dịch để tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Khu cách ly, Phòng Xét nghiệm SARS-CoV-2, bệnh viện dã chiến, Trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid-19… là những khu vực nhạy cảm về dịch bệnh, ngoài lực lượng làm nhiệm vụ, không ai muốn tiếp xúc gần, vậy mà phóng viên đã “xông vào”.
Sau mỗi lần tác nghiệp, phóng viên phải tự khử khuẩn bản thân và thiết bị tác nghiệp. Bởi, chỉ cần một sơ suất nhỏ, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của phóng viên, mà còn nguy hiểm cho cộng đồng.
Phóng viên tác nghiệp trong tâm dịch - khu vực phong tỏa xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy. |
Thời điểm nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, những chuyến công tác về cơ sở dường như khó khăn hơn, nhất là các quán ăn phải tạm dừng hoạt động. Vượt qua những khó khăn và trở ngại, những bước chân của phóng viên đã len lỏi đến nhiều con ngõ, từng phòng điều trị bệnh nhân Covid-19, các điểm lấy mẫu tầm soát cộng đồng, điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19, các chốt kiểm soát dịch…; cho đến bếp ăn từ thiện, hay có mặt trên những chuyến xe nghĩa tình chở lương thực, thực phẩm đến các khu vực phong tỏa. Đằng sau những tin, bài được đăng tải, phát sóng là những câu chuyện về nguy cơ và những ánh mắt e dè, ái ngại của những người xung quanh khi biết phóng viên đi vào vùng dịch.
Đồng chí Nguyễn Trọng Tấn cho biết, việc phóng viên tác nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã gặp không ít khó khăn, hạn chế nhưng đây cũng chính là thách thức để đội ngũ những người làm báo không ngừng nỗ lực phấn đấu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp để có những tác phẩm báo chí đa dạng về hình thức, hấp dẫn về nội dung, phục vụ nhu cầu đa dạng của bạn đọc.
VĂN THẢO