.

Cha đi trước, con tiếp bước theo sau

Cập nhật: 10:24, 27/07/2022 (GMT+7)

Trong đoàn người có công, thân nhân gia đình chính sách tiêu biểu của Tiền Giang (gồm 6 người) dự Hội nghị gặp gỡ người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội, diễn ra vào chiều 23-7 vừa qua, có một người là con liệt sĩ đã dành cả thanh xuân để tiếp bước cha chăm lo cho người có công. Đó là chị Nguyễn Thanh Thủy, nguyên Trưởng phòng Chính sách - Người có công thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Tiền Giang.

TỰ HÀO VỀ ĐẤNG SINH THÀNH

Chị Thủy đã trải qua một quãng thời gian dài nỗ lực vươn lên trong bom đạn chiến tranh và thiếu vắng tình thương, sự che chở của cha. Điều đó không làm chị tủi thân, mà càng thôi thúc chị phải mạnh mẽ. Với chị, hai đấng sinh thành là niềm tự hào to lớn. Đó là, người cha đã dành cả tuổi thanh xuân cho quốc gia dân tộc; và người mẹ tảo tần một mình nuôi lớn khôn 4 con thơ dại trong lửa đạn gian nan.

Người phụ nữ nằm bên kia “con dốc cuộc đời” đã nghèn nghẹn khi kể về cha mẹ: Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại Sài Gòn, cha mẹ chị đã yêu và đến với nhau. Mái ấm hạnh phúc của gia đình nhỏ với 2 con thơ và tiệm may đắt khách phút chốc đã tan. Vào một đêm khuya, cha chị hối hả trở về nhà và đùm túm vợ con rời bỏ ngôi nhà với toàn bộ tài sản, cơ ngơi đã gầy dựng. Trên chiếc xe đạp, ông chở vợ và 2 con về quê vợ tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Lúc này, mẹ chị mới biết chồng là cán bộ cách mạng, hoạt động nội thành Sài Gòn, chẳng may bị bại lộ, đồng đội trong nhóm của chồng đã bị địch bắt hết.

Chị Thủy là 1 trong 6 cá nhân tiêu biểu dự Hội nghị gặp gỡ người có công và thân nhân liệt sĩ  tiêu biểu tại Hà Nội dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 năm nay.
Chị Thủy là 1 trong 6 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang dự Hội nghị gặp gỡ người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu tại Hà Nội dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 năm nay.

Về Kim Sơn, lúc bấy giờ sống trong vùng “tranh sáng tranh tối”, sau một thời gian cha chị bắt liên lạc được với tổ chức và rời gia đình vào chiến khu, lúc đó chị vừa tròn 6 tháng tuổi. Kể từ đó chị không còn được gặp cha cho đến ngày cha hy sinh vào năm 1969. Thời điểm cha mất là lúc mẹ vừa hạ sinh em gái út - đứa con mà cha mẹ có được lúc mẹ vào chiến khu thăm cha. Gánh nặng cuộc đời với 4 con thơ dại đổ dồn trên vai gầy của mẹ. Nhớ lời chồng dặn, dù khó khăn cách mấy mẹ chị cũng không để các con thất học, vì chồng là con trong một gia đình truyền thống trí thức ở Bình Dương.

“Sức chịu đựng của con người có giới hạn. Lúc cha chị hy sinh, sợ mẹ chị không vượt qua được cú sốc lớn nên gia đình không cho mẹ chị hay. Ngày giải phóng, nhìn nhà nhà đoàn tụ mà cha vẫn biệt tăm. Lúc này mẹ mới được tin chồng đã mất từ 6 năm trước. Đau khổ tột cùng, mẹ chị hóa thành điên dại. Rất may sau một thời gian quẫn trí, mẹ chị đã dần tĩnh tâm. Và khi hồi tỉnh, mẹ đã giúp anh em chị tìm được nhà nội, được hưởng tình thân của đầy đủ đội bên nội ngoại. Là con, anh em chị hạnh phúc vì hiện nay mẹ có cuộc sống an lành nơi chốn thiền môn” - chị Thủy tâm sự.

TIẾP BƯỚC CHA PHỤC VỤ NGƯỜI CÓ CÔNG

Chia sẻ về việc chọn cống hiến trong ngành LĐ-TB&XH, chị Thủy cho rằng, đó như là một cái duyên. Ngày vào chiến khu, cha chị được giao nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho thương binh. Sau giải phóng, chị lại tiếp tục công việc của cha, nhưng là chăm sóc tinh thần, chăm lo các chế độ, chính sách cho những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Thấm thoát đã hơn 30 năm trôi qua từ lúc chị bước chân vào công tác trong ngành LĐ-TB&XH (năm 1986), với chị, đó là khoảng thời gian đầy hạnh phúc do được dành trọn tuổi thanh xuân phục vụ các đối tượng chính sách.

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhiệm vụ giải quyết các chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách vẫn còn rất nhiều việc phải làm, là nhiệm vụ, trách nhiệm của thế hệ chúng ta. Chị có thâm niên nhiều nhất ở Phòng Chính sách -  Người có công của Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang, hầu như nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc về công việc này. Cuộc chiến tranh trường kỳ, khốc liệt bao nhiêu thì sự mất mát, hy sinh hết sức to lớn của các đối tượng chính sách bấy nhiêu.

Xác định công tác chính sách đối với người có công là công việc hệ trọng, phức tạp và nhạy cảm, vì nó liên quan đến lợi ích, tác động đến từng đối tượng chính sách. Với chị, làm công tác chính sách phải đặt cái tâm lên hàng đầu thì mới làm tốt được. Điều ấy không phải là khẩu hiệu, mà nó phải được thể hiện trong suốt quá trình nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện chính sách, trong suy nghĩ và hành động của mỗi cán bộ.

Người làm công tác chính sách phải luôn chia sẻ, cảm thông với những mất mát, hy sinh của đối tượng chính sách, trân trọng công lao cống hiến của họ, quý trọng họ như những người thân yêu nhất của mình. Phục vụ đối tượng chính sách tận tụy, chu đáo, với tấm lòng nhiệt huyết và cái tâm trong sáng là cơ sở để khắc phục sự phiền hà, ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu đối tượng chính sách... Và suốt hơn 30 năm công tác, bản thân chị Thủy đã làm việc với tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương như thế!

THỦY HÀ

.
.
.