Thứ Sáu, 29/07/2022, 09:08 (GMT+7)
.

Phụ nữ Tiền Giang ngày càng tự tin, năng động

Những năm qua, công tác bình đẳng giới (BĐG) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, không ngừng tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trong học tập, lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội...

VỊ THẾ NÂNG CAO

Trên thực tế, chủ trương BĐG những năm gần đây đã được quán triệt mạnh mẽ ở từng cấp, từng ngành. Chỉ riêng trong lĩnh vực trao quyền cho phụ nữ, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và các cấp ủy địa phương, ngành đều đưa ra quy định về tỷ lệ “không dưới” và tinh thần “nhất thiết có” thành phần phụ nữ trong mỗi tổ chức thuộc hệ thống chính trị.

Lực lượng lao động nữ  tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng  (ảnh chụp tại một doanh nghiệp trong  Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành).
Lực lượng lao động nữ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng (ảnh chụp tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành).

Gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với việc nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và BĐG trên mọi lĩnh vực, những nỗ lực thực hiện bình đẳng trong lĩnh vực chính trị ở Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong chỉ đạo, sự thống nhất quan điểm từ tỉnh đến cơ sở về định hướng mục tiêu bảo đảm cơ cấu nữ đã mang lại cơ hội cho cán bộ nữ tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị. Trong tổ chức thực hiện, ngoài bảo vệ quyền BĐG, các chính sách ưu tiên được vận dụng, góp phần động viên, tạo điều kiện cho cán bộ nữ phấn đấu, trưởng thành.

Đa số các địa phương khi bố trí, phân công nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ nữ được ưu tiên ở những vị trí phù hợp với sở trường, sức khỏe. Khi đào tạo chuẩn hóa chức danh quy hoạch cán bộ nữ (nhất là những người đang nuôi con nhỏ), cán bộ nữ được đề đạt nguyện vọng, chủ động lựa chọn thời điểm đi đào tạo, được hỗ trợ thêm kinh phí so với chế độ chung.

Từ đó, BĐG đã tạo đòn bẩy để phụ nữ Tiền Giang thể hiện vai trò, vị thế của mình trên mọi lĩnh vực. Về cơ bản đã bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Kết quả thể hiện rõ qua việc Tiền Giang có nữ trúng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, như sau: Đại biểu Quốc hội: Nữ 3/8 đại biểu, chiếm tỷ lệ 37,5%; HĐND cấp tỉnh: Nữ 17/61 đại biểu, chiếm tỷ lệ 27,87%; HĐND cấp huyện, thành, thị: Nữ có 114/365 đại biểu, chiếm tỷ lệ 31,23%; HĐND cấp xã, phường, thị trấn: Nữ có 1.300/4.468 đại biểu, chiếm tỷ lệ 29,10%.

Bên cạnh đó, mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm và tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động được quan tâm đúng mức. Cùng nhiều chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề được tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận bình đẳng.

Hiện Tiền Giang có hơn 76 ngàn nữ công nhân, viên chức, lao động. Riêng khu vực ngoài nhà nước, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 73% trong tổng số lao động đang làm việc ở khu vực này. Mỗi năm, các ngành chức năng của tỉnh đều thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra việc doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động, nhất là lao động nữ.

Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, quan tâm đến lao động nữ; thực hiện đầy đủ chính sách về thai sản, nuôi con nhỏ, bố trí công việc phù hợp, xây dựng môi trường làm việc an toàn…

Về BĐG trong đời sống gia đình, đã từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, ý thức nam giới chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái ngày càng thể hiện rõ nét, tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội cống hiến năng lực cho công tác xã hội. Số vụ bạo lực gia đình trong tỉnh đã giảm đáng kể, các vụ bạo lực gia đình được hòa giải ngay tại cơ sở và giải quyết kịp thời.

TỰ TIN ĐỂ CỐNG HIẾN

Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và của từng gia đình. Chính vì thế, các cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị cần quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu BĐG, tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị, đặc biệt nên có chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực và hiệu quả để xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi và có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công việc.

UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn 5 năm tới, tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để đạt mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng tiến tới BĐG. Đồng thời, thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực đời sống gia đình, xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững tỉnh nhà.

Để từ đó, lựa chọn, giới thiệu những cán bộ có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy, tham gia lãnh đạo, quản lý, tạo điều kiện cho họ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang việc triển khai mục tiêu của chiến lược quốc gia về bđg được các cấp, ngành, địa phương thực hiện đạt kết quả quan trọng. Trong đó, mục tiêu tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ nữ ngày càng được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được chuẩn hóa, năng động, nhiệt tình, trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Về phần mình, bản thân cán bộ nữ cũng cần nhìn nhận lại, thay đổi định kiến giới, tích cực hơn nữa tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý, tự tin, năng động, chung tay đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng bày tỏ quan điểm: “Các chị em cần chủ động trong việc trang bị kiến thức, trình độ chuyên môn, sẵn sàng vượt qua khó khăn để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đơn vị, trong hoạt động chuyên môn, công tác đoàn thể và trên hết là phải có những hoạt động cống hiến cho sự nghiệp của tỉnh. Khi đã được tạo điều kiện, cơ hội để phát triển, thì bản thân chị em cũng biết tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng và cần có khát vọng cống hiến cho quê hương”.

HỮU NGHỊ

.
.
.