Tiền Giang tập trung giải quyết toàn diện các vấn đề về dân số
Dân số Việt Nam đang đứng trước một thực trạng mới, đó là mức sinh giảm và già hóa dân số nhanh. Từ thực tế đó, trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (với mục tiêu chủ yếu là giảm sinh) sang dân số và phát triển. Chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.
Tiền Giang quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. |
CÔNG TÁC DÂN SỐ ĐƯỢC QUAN TÂM
Năm 2021 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới; với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đoàn thể các cấp và toàn dân, công tác dân số tỉnh Tiền Giang đã đạt được một số mục tiêu quan trọng. Sinh con ở tuổi vị thành niên giảm từ 510 người vào năm 2015 còn 171 người vào năm 2021. Tỷ số giới tính khi sinh đạt 107,83 bé trai/100 bé gái sinh ra sống…
Các mục tiêu tỉnh Tiền Giang làm tốt, đã hoặc sẽ đạt và vượt đến năm 2030, đó là sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh phát hiện và xử trí sớm các dị dạng, dị tật bất thường trong thời kỳ mang thai và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số từ đầu đời; giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; chiều cao trung bình nam, nữ 18 tuổi cải thiện; tuổi thọ trung bình đạt trên 75 tuổi…
Bên cạch đó, vẫn có một số mục tiêu cần phấn đấu thực hiện trong những năm tiếp theo, đó là: Mức sinh dưới mức sinh thay thế (hiện nay 1,82 con); nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn còn ít; tình trạng tảo hôn chưa giảm nhiều; người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng… còn hạn chế do nhân lực y tế tập trung phòng, chống đại dịch Covid-19.
Có được kết quả quan trọng như trên là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp và toàn dân; trong đó có các nghị quyết để đầu tư cho công tác dân số và phát triển của HĐND tỉnh, như: Nghị quyết 34 về quy định chính sách hỗ trợ cho người tự nguyện đình sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết 18 về quy định chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện mục tiêu y tế - dân số của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025...
Cùng với đó là các kế hoạch của UBND tỉnh, như: Kế hoạch 219 về thực hiện Chiến lược Dân số giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Kế hoạch 343 về Chương trình truyền thông về dân số tỉnh Tiền Giang đến năm 2030; Kế hoạch 356 thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2030; Công văn 6308 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Xã hội hóa sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch thực hiện tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển trên địa bàn Tiền Giang…
ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Sang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tiền Giang, từ năm 2022 đến 2030, Tiền Giang sẽ tập trung thực hiện mục tiêu chung giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu “dân số vàng”, thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Để đạt được mục tiêu về dân số đề ra, tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện các giải pháp: Thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh về các chương trình, dự án, kế hoạch… theo hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về công tác dân số. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số các cấp… |
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Sang nhấn mạnh, các chỉ tiêu quan trọng đến năm 2030 của tỉnh Tiền Giang là duy trì mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu đều được tiếp cận thuận tiện các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn (so với năm 2019). Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn so với năm 2019.
Phấn đấu ít nhất 90% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; ít nhất 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; chiều cao thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm và nữ đạt 157,5 cm; ít nhất 75% phụ nữ từ 30 đến 54 tuổi được sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung 1 năm/1 lần; tuổi thọ bình quân ≥ 76 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 69 năm...
THỦY HÀ