.

Huyện Gò Công Tây: Chuyển biến trong thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn

Cập nhật: 08:54, 27/08/2022 (GMT+7)

(ABO) Sáng 26-8, UBND huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện Kế hoạch 102 ngày 7-6-2022 về phối hợp thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện Gò Công Tây giai đoạn 2022 - 2025 (gọi tắt Kế hoạch 102).

Tham dự hội nghị có đồng chí Đinh Tấn Hoàng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gò Công Tây; đồng chí Huỳnh Thanh Bình, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây; lãnh đạo Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể; lãnh đạo 13 xã, thị trấn, trưởng khu phố, ấp, các trường học của huyện Gò Công Tây.

Đồng chí Đinh Tấn Hoàng
Đồng chí Đinh Tấn Hoàng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đánh giá tại hội nghị cho thấy, huyện Gò Công Tây đã và đang tập trung hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, trong đó có tiêu chí về thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đạt tối thiểu 95%. Do đó, UBND huyện Gò Công Tây phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện ban hành và triển khai thực hiện trong toàn huyện Kế hoạch 102 về thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025.

Đồng chí Huỳnh Thanh Bình trao Kỷ niệm chương cho các cá nhân tại hội nghị
Đồng chí Huỳnh Thanh Bình phát biểu tại hội nghị.

Sau thời gian phát động, đến nay, các cơ quan, ban, ngành, các xã, thị trấn đều nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch 102 trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân. Tại UBND 13 xã, thị trấn đều thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại nguồn trên địa bàn quản lý; phân công các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách các ấp, thành lập tổ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện và cho ký cam kết thực hiện phân loại, xử lý rác tại nguồn.

Toàn huyện hiện có 25.911 hộ dân ký cam kết thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn; 11.470 hộ đăng ký xe lấy rác của huyện và xe thu gom rác của xã; 27.782 hộ có đất để đào hố chôn rác hữu cơ làm phân bón cho cây, kiểng trong nhà và hiện đã có 1.581 hộ đã đào hố chôn để ủ rác hữu cơ làm phân bón cây trồng. Cụ thể, chất thải sinh hoạt tại nhà về cơ bản được phân làm 3 loại: Rác tái chế hay tái sử dụng thì thu gom bán cho các cơ sở phế liệu; rác hữu cơ (vỏ rau, củ, quả, trái cây, vỏ trứng, thức ăn thừa…), người dân đào hố có nắp đậy chôn lấp tại chỗ trong vườn nhà để làm phân bón cây trồng; rác vô cơ không tái chế thì người dân đem ra trước nhà để theo lịch thông báo có tổ thu gom rác đến lấy.

Nhìn chung, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nên việc triển khai, tuyên truyền vận động người dân phân loại và thu gom rác thải đã đạt được kết quả ban đầu. Công tác vệ sinh môi trường, phân loại, thu gom rác là một công việc khó nhưng chính nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND huyện, MTTQ huyện và các đoàn thể, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, nên việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn đã làm giảm đáng kể lượng rác thải tập trung về các bãi rác không còn khả năng thu nhận rác, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý môi trường. Hoạt động phân loại và xử lý rác thải tại nhà, cơ quan, đơn vị, trường học dần trở thành một nền nếp.

Qua triển khai thực hiện Kế hoạch 102 cho thấy, dần đã nâng cao ý thức chấp hành thực hiện phân loại, xử lý rác thải trong nhiều tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, đảng viên, học sinh, giáo viên các trường học, đặc biệt là mọi người đã thấy được lợi ích của việc phân loại và xử lý rác thải, từ đó cam kết tự nguyện tham gia thực hiện.

Tại hội nghị, đại diện các xã, thị trấn, cơ quan, trường học cũng đã trình bày các khó khăn, kiến nghị về tình hình, phương hướng thực hiện Kế hoạch 102 của địa phương mình quản lý, phụ trách.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đinh Tấn Hoàng nhấn mạnh các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong toàn huyện tiếp tục thực hiện tuyên truyền cụ thể, thiết thực hơn, chỉ dẫn cụ thể hơn cho người dân cách thức phân loại, xử lý rác thải tại nguồn cũng như các lợi ích của việc phân loại rác thải. Từ đó, tích cực hơn nữa trong việc vận động, kiểm tra tình hình thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại nguồn trong nhân dân, các cơ quan, đơn vị toàn huyện.

Quá trình thực hiện cần biểu dương, nhân rộng những gương điển hình sáng tạo trong thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại nguồn để đảm bảo mô hình xử lý rác thải này được thực hiện dài lâu, không gây ô nhiễm, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp...

KIM LAN - QUẾ ANH

.
.
.