Bảo vệ trẻ an toàn trên không gian mạng
Do dịch bệnh Covid-19, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh, thiếu niên sử dụng Internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ. Điều này làm gia tăng rủi ro trực tuyến đối với trẻ em và thanh, thiếu niên, bao gồm bắt nạt, bạo lực trên không gian mạng…
KHO KIẾN THỨC KHỔNG LỒ VÀ NGUY CƠ TIỀM ẨN
Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã hỗ trợ đắc lực cho nhu cầu truyền tin và khai thác thông tin dữ liệu của con người. Trong đó, hệ thống thông tin điện tử Internet được mọi người quan tâm sử dụng nhiều nhất nhờ tính thông dụng trong việc giao tiếp, tìm kiếm và đọc thông tin bằng tính năng ưu việt của các phần mềm ứng dụng về quản lý, số hóa tài liệu.
Internet đã trở thành phương tiện giúp truyền đạt, trao đổi thông tin, hợp tác, giao lưu… giữa mọi người trong xã hội. Đặc biệt, Internet có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm tài liệu lưu trữ để phục vụ đắc lực về việc học tập, nghiên cứu... Do vậy, Internet trở thành một công cụ hữu dụng cho việc khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ. Tính đến tháng 2-2021, Việt Nam có 72 triệu tài khoản mạng xã hội và 68,72 triệu người dùng Internet (chiếm 70,3% dân số).
Trẻ được trang bị kiến thức, kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin an toàn, hiệu quả thông qua hình thức giáo dục cũng như hội thi tin học dành cho học sinh do tỉnh tổ chức hằng năm. Ảnh: P. CÔNG |
Thời gian qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trẻ chưa thể quay trở lại trường học và hạn chế ra khỏi nhà, không tiếp xúc trực tiếp với người khác ngoài các thành viên gia đình. Trong khoảng thời gian đó, không gian mạng đã giúp các em duy trì việc học tập, giải trí và giữ liên hệ với thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, không gian mạng cũng có nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn.
Khảo sát do tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện cho thấy chỉ có 10% trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng Internet. Các nguy cơ đối với trẻ thường thấy là trẻ em có thể bắt gặp nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi như bạo lực, khiêu dâm; xâm phạm đời tư; các em có thể bị cư dân mạng chế giễu, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý.
Thậm chí trẻ em có thể bị công kích, đe dọa hoặc xuyên tạc các thông tin hình ảnh có liên quan đến các em, trong đó xâm hại tình dục cũng là hiểm họa đáng lưu ý. Một số kẻ xấu tiếp cận, làm quen và gạ gẫm trẻ tham gia vào các hành vi như gửi tin nhắn đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, đoạn video nhạy cảm; đồng thời, có thể dùng những hình ảnh và tin nhắn này để ép buộc, đe dọa khiến các em phải vâng lời làm theo các yêu cầu khác.
ĐỂ TRẺ AN TOÀN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Để tránh gặp phải những rắc rối khi sử dụng không gian mạng, phụ huynh dạy các em tuân thủ 4 nguyên tắc. Một là nói không, gồm không làm quen và trò chuyện với người lạ. Nếu đã lỡ kết bạn thì bỏ chế độ kết bạn và chặn người mà mình không quen biết ngoài đời thực. Không chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin, hình ảnh nhạy cảm, tâm trạng riêng tư.
Nguyên tắc thức hai là kiểm soát. Dạy trẻ thoát khỏi chương trình, trang thông tin, phòng chat, xóa phần mềm ứng dụng, tắt máy tính hay điện thoại. Không chia sẻ vị trí định vị của bạn khi sử dụng các ứng dụng trên mạng.
Nguyên tắc thứ ba là thông báo. Dạy trẻ chia sẻ với bố mẹ, thầy cô - người mà các em tin tưởng, gọi cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để báo về những rắc rối mà các em gặp phải để được tư vấn, trợ giúp, tuyệt đối không giấu kín rắc rối.
Nguyên tắc thứ tư là kiềm chế. Hướng dẫn trẻ cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ, bình luận một nội dung, hình ảnh của người khác. Không nên a dua, có những bình luận ác ý hay hành vi khiếm nhã khi tương tác trên không gian mạng, vì các hành động của các em có thể ảnh hưởng xấu, gây đau khổ cho bạn bè và những người khác.
Để hỗ trợ con em mình tránh gặp phải những rắc rối khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần trao đổi với trẻ để cùng đưa ra nguyên tắc khi sử dụng Internet và điện thoại di động như không sử dụng điện thoại di động trong phòng ngủ; kiểm soát thời gian các em sử dụng mạng cho mục đích giải trí; đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình.
Bên cạnh đó, có thể sử dụng giải pháp công nghệ như cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn lọc nội dung người xấu, độc hại, không phù hợp với trẻ em. Theo dõi lịch sử truy cập mạng hoặc sử dụng ứng dụng của con em để kịp thời nhắc nhở, chỉ dẫn phù hợp.
Phụ huynh cần lưu ý rằng việc sử dụng các giải pháp công nghệ để khống chế, theo dõi hoạt động của con em trên không gian mạng nếu không khéo léo hoặc dựa trên sự đồng thuận thì sẽ dễ dẫn đến sự ngăn cách, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Cung cấp cho con địa chỉ các trang web hữu ích phù hợp với lứa tuổi. Hướng dẫn con cách kết hạn, giao tiếp đồng thời hướng dẫn con cần chia sẻ với cha mẹ, giáo viên khi gặp rắc rối trên mạng…
MAI HÀ