Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh: Chủ động, không chủ quan trong phòng, chống thiên tai
(ABO) Chiều 26-9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cùng với các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh đến kiểm tra thực tế tình hình thực hiện công tác PCTT tại huyện Gò Công Đông.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang: Dự báo trong 24 giờ tới, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km có xu hưởng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134 - 149 km/giờ), giật cấp 16.
Các đại biểu nghe cập nhật tình hình và dự báo diễn biến của bão Noru. |
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,5 đến 20 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km và tiếp tục mạnh thêm.
Đến 10 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (103 - 133 km/giờ), giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12 đến 20 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 117 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 4.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km, đi sâu vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ).
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: Vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8 - 9, sau tăng lên cấp 10 - 11; vùng gần tâm bão cấp 12 - 14, giật cấp 16: Sóng biển cao từ 9 - 11 m; biển động dữ dội.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu trong buổi làm việc. |
Theo UBND huyện Gò Công Đông, thực hiện công văn của tỉnh về việc chủ động ứng phó bão Noru, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn trên địa bàn chủ động phối hợp với các lực lượng có liên quan khẩn trương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền hoạt động khai thác thủy sản, rà soát lại phương án sơ tán dân, thường xuyên cập nhật và thông báo tình hình cho người dân biết để chủ động ứng phó.
Theo đó, huyện dự kiến có 45 điểm tiếp nhận di dời khi bão có sức gió dưới cấp 10; 53 điểm tiếp nhận di dời khi bão mạnh có sức gió trên cấp 10 và 34 điểm tiếp nhận sơ tán tại TX. Gò Công.
Phát biểu trong buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Gò Công Đông chủ động và không chủ quan trong công tác phòng, chống bão, chuẩn bị phòng, chống bão với nhiều phương án cụ thể; tiếp tục rà soát các phương án, phương tiện phòng, chống lụt bão từ nay đến cuối năm; rà soát các tàu thuyền đang đánh bắt trên biển để kịp thời thông tin chặt chẽ cho ngư dân cũng như người dân nuôi trồng hải sản trên biển; rà soát các đoạn đê xung yếu để phối hợp với các ngành kịp thời xử lý, khắc phục; kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân chằng chống nhà ở…
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đến kiểm tra tại Cảng cá Vàm Láng. |
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh kiểm tra đê biển đoạn gần cửa Soài Rạp. |
Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đã đến kiểm tra tại Cảng cá Vàm Láng và đê biển khu vực gần cửa Soài Rạp.
CAO THẮNG