.

Tiền Giang: Triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022

Cập nhật: 09:21, 08/09/2022 (GMT+7)

Ngày 31-8-2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 268 về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. 

b

Lắng nghe ý kiến hộ nghèo về việc thực hiện các chính sách giảm nghèo và việc làm là việc làm thường xuyên của ngành LĐ-TB&XH, nhằm đảm bảo hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Ảnh: Hạnh Nga

Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm xác định và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đến thời điểm cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, để làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hằng của các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch yêu cầu việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải:

Đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng, có sự tham gia của người dân trong quá trình rà soát; xác định được số hộ thoát nghèo, tái nghèo, nghèo mới phát sinh trên địa bàn từng ấp, khu phố.

Kết thúc cuộc rà soát, từng địa phương phải xác định chính xác số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để theo dõi, quản lý, báo cáo cấp trên phê duyệt, công nhận.

Đảm bảo thời gian kết thúc việc rà soát để lập danh sách mua bảo hiểm y tế kịp thời, đúng đối tượng, tránh trùng hoặc bỏ sót.

Kế hoạch nêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác năm 2023.

Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định 07/2021 của Chính phủ như sau:

Chuẩn hộ nghèo: Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo: Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều: Tiêu chí thu nhập: Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng. Khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng. Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản: Các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ), gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; tiếp cận thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: Việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Thời gian thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo: Bắt đầu từ ngày 1-9-2022.

Thời gian báo cáo của UBND cấp huyện: Báo cáo kết quả rà soát trước ngày 10-11-2022, gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kết quả trước ngày 15-11-2022.

Kế hoạch nêu rõ quy trình rà soát 6 bước: Lập danh dách hộ gia đình cần rà soát; tổ chức rà soát phân loại hộ gia đình; tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát; niêm yết thông báo công khai, báo cáo xin ý kiến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo.

Ngoài ra, Kế hoạch còn nêu công tác tổ chức, chuẩn bị lực lượng gồm: Thành lập ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; công tác tuyên truyền; công tác tập huấn nghiệp vụ.

M.T

.
.
.