Báo chí thực hiện chuyển đổi số trước hết từ tư duy
Chuyển đổi số trong cơ quan báo chí là con đường phải đi, tuy nhiên không có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí. Đây cũng không phải một cuộc cách mạng quá lớn về công nghệ và thiết bị, mà trước tiên phải là sự thay đổi trong suy nghĩ và cách làm của người làm báo
Hội thảo "Chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện - Xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại" - Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Đây là ý kiến của nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí trong Hội thảo "Chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện - Xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại" do Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 14/10.
Theo TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường của VUSTA, trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, báo chí có vai trò quan trọng, mang sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Không đứng ngoài cuộc, báo chí thực hiện chuyển đổi số là quá trình tất yếu để tồn tại và phát triển. Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng đã có những chủ trương, chính sách để tạo điều kiện cho chuyển đổi số của báo chí. Thực tế, hiện nay nhiều tờ báo đã thực sự đổi mới, thay đổi phương thức làm báo, đưa tin, ứng dụng được công nghệ thông tin, bắt tay sớm vào chuyển đổi số.
Tuy nhiên, không thể có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí, có những quy trình có thể rất thành công với cơ quan này, nhưng khi áp dụng lại hoàn toàn không hiệu quả với cơ quan khác. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông cần có phương án để chỉ đạo xây dựng phù hợp trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, để từ đó làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội trở thành dòng chảy chính về thông tin, có vai trò định hướng dư luận trên không gian mạng.
Đồng tình với quan điểm chuyển đổi số trong báo chí là việc không thể không làm, nhà báo Đặng Đình Chấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập cho hay, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng là hoạt động mới và khó, thậm chí rất khó, do lĩnh vực truyền thông luôn biến động không ngừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, báo chí thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu.
"Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tất cả các cơ quan báo chí phải nhất nhất thực hiện chuyển đổi số như nhau. Mà trước hết vẫn phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí", ông Đặng Đình Chấn nêu quan điểm.
Do đó, điều đầu tiên, mỗi cơ quan báo chí cần thay đổi cách nhìn về chính mình trong chuyển đổi số. Cụ thể, trong thời đại công nghệ 4.0, báo chí không còn là một tờ báo đơn thuần mà phải hướng tới là một tổ hợp, một công ty tin tức đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, cho dù về quy mô có sự khác nhau đối với mỗi đơn vị báo chí.
Bên cạnh đó, báo chí thực hiện chuyển đổi số phải đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa nguồn thu và xây dựng tòa soạn hội tụ thực chất để không còn có sự giằng co giữa cũ và mới. Đó cũng chính là vấn đề tư duy.
Khi đã có tư duy đúng và thực sự muốn thực hiện chuyển đổi số thì người lãnh đạo cơ quan báo chí sẽ tìm tòi và biết cách tạo ra một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, gắn với đội ngũ làm chuyển đổi số được đào tạo, thậm chí tạo ra văn hoá trong toà soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Đây là nội lực quan trọng của cơ quan báo chí.
Cũng theo ông Đặng Đình Chấn, chuyển đổi số báo chí không chỉ là đầu tư thiết bị công nghệ mà còn cần tập trung làm nội dung cho tốt, vì không có nội dung tốt và gắn được với nhu cầu thực tiễn thì không có độc giả, cũng có nghĩa là không tạo được điều kiện để có nguồn thu cho tái đầu tư cho phát triển. Mà muốn có nội dung tốt thì yếu tố quyết định là "Con người".
Cho nên, cũng có thể nói, chuyển đổi số trong cơ quan báo chí không phải là một cuộc cách mạng quá lớn về công nghệ và thiết bị, mà trước tiên phải là sự thay đổi trong suy nghĩ và cách làm của người làm báo nói chung và của người đứng đầu cơ quan báo chí nói riêng. Hai yếu tố quan trọng nhất là thiết bị công nghệ và con người, phải được tạo dựng song hành và nâng cao trên cơ sở yêu cầu của quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Đồng quan điểm, ông Phạm Bích San (Khoa Truyền thông Đa phương tiện, Đại học Thăng Long) cho rằng, chuyển đổi là một quá trình hài hòa cân đối nhiều yếu tố. Nếu cố tình đột phá thật nhanh không tính tới đủ những yếu tố liên đới thì quá trình chuyển đổi có thể còn chậm hơn. Do vậy, để chuyển đổi thành công và nhanh cần tính tới những yếu tố cần tác động tới, thay vì chỉ kêu gọi đơn thuần cần chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện.
Ông Vũ Xuân Bân, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển cũng cho rằng, cần chú trọng đào tạo hoặc đào tạo lại để có một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo, tinh thông các công cụ số và cách tiếp cận mới mẽ, một cách nghĩ khác, làm khác, tạo ra một kết quả khác biệt, hiệu quả hơn.
Trên tinh thần đó, không chỉ cơ báo chí mà lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí cũng phải nâng cao trình độ, thấm nhuần tinh thần và sẵn sàng đối diện với những thách thức trong quá trình chuyển đổi số để đủ năng lực định hướng thông tin kịp thời, nhất là trong lĩnh vực đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, bảo vệ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.
Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng
Theo các đại biểu, Kế hoạch 156-KH/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương đề cập đến việc hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, khuyến khích sử dụng hạ tầng dùng chung, có khung giá cho nền tảng công nghệ; cơ quan chủ quản báo chí cần tăng cường đặt hàng thực hiện nhiệm vụ truyền thông, nhiệm vụ chính trị cho cơ quan chủ quản. Bộ TT&TT cũng đang chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030… Đây là những yếu tố thuận lợi cho chuyển đổi số báo chí.
Để các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công thì vai trò của Nhà nước mà trực tiếp là các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí rất quan trọng. Không chỉ là tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm các công nghệ mới mà còn hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số, bao gồm: Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.
Đây là những vấn đề quan trọng cả cho trước mắt và lâu dài đối với cơ quan báo chí khi thực hiện chuyển đổi số mà cơ quan quản lý cần đáp ứng.
(Theo chinhphu.vn)