.

Bỏ các chứng chỉ không phù hợp với biên tập viên, phóng viên, đạo diễn truyền hình

Cập nhật: 20:26, 03/10/2022 (GMT+7)

Từ ngày 10/10, trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức phóng viên, biên tập viên ở cả ba hạng I, II, III sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

a
Phóng viên Truyền hình Thông tấn tác nghiệp trong thời gian cao điểm chống dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Bắt đầu từ ngày 10/10, Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông sẽ có hiệu lực, thay thế cho Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 7/4/2016.

Theo đó, thông tư áp dụng đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông tại các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thông tư được xây dựng nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý cho phù hợp, bảo đảm cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; ý kiến của Bộ Nội vụ về sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, các thông tư nêu trên của Bộ Thông tin và Truyền thông cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Một số quy định mới của Thông tư so với Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV là: Đối với phóng viên hạng I, II và III, Thông tư nêu rõ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đều là có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành phóng viên.

Đối với biên tập viên hạng I, II và III, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng đều là: Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành biên tập viên hoặc có chứng chỉ hành nghề biên tập viên (đối với biên tập viên lĩnh vực xuất bản).

Như vậy, so với quy định cũ, trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức phóng viên, biên tập viên ở cả ba hạng không còn quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học. Thay vào đó là cả biên tập viên và phóng viên phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Về yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II: So với quy định cũ, giảm yêu cầu về số lượng tác phẩm đạt giải thưởng từ 2 giải thưởng xuống còn 1 giải thưởng.

Cụ thể, theo quy định hiện hành tại Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV, biên tập viên, phóng viên hạng III khi thi thăng hạng lên hạng II cần đáp ứng yêu cầu: đã chủ trì biên tập ít nhất 2 tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành thừa nhận hoặc đạt giải thưởng; hoặc tham gia viết chuyên đề trong ít nhất 1 công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp Bộ hoặc tương đương).

Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia biên tập ít nhất 1 tác phẩm đạt giải thưởng cấp bộ, ngành, cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên hoặc giải thưởng do cơ quan Đảng ở Trung ương, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương, Hội nhà báo Việt Nam tổ chức; hoặc tham gia viết chuyên đề trong ít nhất 1 đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành từ cấp cơ sở trở lên đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.

Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng II là: Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III, phóng viên hạng III hoặc tương đương tối thiểu là 9 năm (đủ 108 tháng, không kể thời gian tập sự, thử việc).

Trường hợp có thời gian tương đương, phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng (quy định cũ ít nhất 3 năm).

Ngoài ra, Thông tư cũng bổ sung thêm quy định về mã số chức danh nghề nghiệp vì theo quy định hiện hành, Bộ quản lý ngành sẽ quy định mã số chức danh nghề nghiệp (không phải Bộ Nội vụ như trước đây).

Do chức danh nghề nghiệp viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình không có sự thay đổi về tên cũng như số lượng chức danh, hạng chức danh nên mã số được giữ nguyên như quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BNV ngày 9/5/20218.

Theo TTXVN


 

.
.
.