Chung tay hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới
Trong những năm qua, với nỗ lực không ngừng, Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt, công tác bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, y tế, giáo dục đều có chuyển biến tích cực.
NỖ LỰC THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI
Đáng chú ý, các cấp, ngành, địa phương luôn nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Nổi bật là trong đại dịch Covid-19, có nhiều chính sách ưu tiên cho phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ bị nhiễm Covid-19, trẻ em mồ côi do cha mẹ tử vong vì dịch...
Tôn vinh trẻ em gái là một trong những hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở Tiền Giang. |
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh xây dựng 398 Địa chỉ tin cậy cộng đồng với 1.626 thành viên; 47 tổ/nhóm “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” với 2.162 thành viên thường xuyên hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em yếu thế…
Thông qua các mô hình trợ giúp xã hội đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho phụ nữ, trẻ em gái trong cuộc sống thường ngày. Sự quan tâm kịp thời này góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, giúp nhiều người, gia đình có cuộc sống bình yên trở lại.
Đặc biệt, tỉnh đã tạo môi trường bình đẳng để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào vị trí lãnh đạo và quản lý. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, nữ trúng cử đại biểu Quốc hội của tỉnh Tiền Giang là 3/8 đại biểu, chiếm tỷ lệ 37,5%; HĐND cấp tỉnh: Nữ 17/61 đại biểu, chiếm tỷ lệ 27,87%; HĐND cấp huyện, thành, thị: Nữ có 114/365 đại biểu, chiếm tỷ lệ 31,23%; HĐND cấp xã, phường, thị trấn: Nữ có 1.300/4.468 đại biểu, chiếm tỷ lệ 29,10%.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò của phụ nữ, chú trọng rèn luyện các phẩm chất: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, nhiều phụ nữ nắm bắt cơ hội để xây dựng sự nghiệp thành công và gia đình hạnh phúc.
NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
Mặc dù Tiền Giang đã nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới thông qua nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ, trong đó nổi cộm là tình trạng bạo lực trên cơ sở giới còn tồn tại dai dẳng. Bên cạnh đó, những định kiến, phân biệt giới vẫn tồn tại trong một bộ phận người dân. Tỷ lệ trẻ em gái là nạn nhân của các vụ bạo lực, xâm hại chiếm đa số và giới nữ khó tiếp cận cơ hội việc làm bền vững hơn so với giới nam.
Tổ chức tuyên truyền bình đẳng giới trong hội viện phụ nữ và nhân dân. |
Trên bình diện chung, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ cũng như cần có nhiều hơn cơ hội bình đẳng. Vẫn còn tồn tại vấn nạn ngược đãi phụ nữ, nhất là ở những vùng dân trí chưa cao, định kiến về giới. Bất bình đẳng giới cũng được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu của nạn bạo lực gia đình.
Trong lĩnh vực kinh tế, trên thị trường lao động, tỷ lệ lao động nữ phải làm công việc dễ bị tổn thương vẫn chiếm tỷ lệ khá cao so với nam giới… Đây là những vấn đề mà các ngành chức năng và địa phương cần nhận diện để tập trung mọi nguồn lực khắc phục, bảo đảm bình đẳng giới phải đi vào thực chất, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để giảm tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, cùng với sự lên tiếng và hành động của nữ giới, thì nam giới không thể đứng ngoài cuộc, mà có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, như cùng làm việc nhà, chăm sóc con cái...
Ở góc độ quản lý, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lý Văn Cẩm mong muốn, các cơ quan chức năng dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng để thực hiện các chương trình, mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới; đồng thời, tăng cường truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới...
Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới đang được tất cả các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng triển khai. Các cơ sở giáo dục đã đưa chương trình giáo dục giới tính, bình đẳng giới vào giờ học ngoại khóa, sinh hoạt tập thể.
Tuy nhiên, cần phối hợp thực hiện tốt “Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025”; tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm; triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 được Chính phủ phê duyệt ngày 3-3-2021.
Các cấp, ngành, địa phương cần hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Đặc biệt, cần tạo môi trường bình đẳng để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào vị trí lãnh đạo và quản lý; đồng thời, giúp họ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người “giữ lửa” hạnh phúc trong mỗi gia đình.
Tiến bộ, thành công trong vấn đề bình đẳng giới được khởi nguồn ngay từ mỗi gia đình. Vì thế, rất cần sự chung tay của mỗi người dân cùng phối hợp với chính quyền, nhằm xây dựng một cộng đồng mà nam giới, nữ giới, trẻ em trai và trẻ em gái đều được hưởng cuộc sống bình đẳng, an toàn, góp phần phát triển đất nước tiến bộ, toàn diện và bền vững.
HỮU NGHỊ