Đẩy mạnh bình đẳng giới trong lao động, việc làm
Những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh Tiền Giang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn lực về vốn vay, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ khởi nghiệp… để cải thiện thu nhập, góp phần giảm khoảng cách về giới trong lĩnh vực kinh tế.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Mỹ Nương cho biết: “Mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm và tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động được quan tâm đúng mức. Cùng nhiều chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thực hiện bình đẳng”.
Hiện nay, Tiền Giang có tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 73% trong tổng số lao động đang làm việc ở khu vực ngoài nhà nước. Ảnh: HỮU NGHỊ |
TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ PHỤ NỮ PHÁT TRIỂN
Hiện Tiền Giang có hơn 76.000 nữ công nhân, viên chức, lao động. Riêng khu vực ngoài nhà nước, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 73% trong tổng số lao động đang làm việc ở khu vực này. Hằng năm, các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp về thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động, nhất là lao động nữ.
Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, quan tâm đến lao động nữ; thực hiện đầy đủ chính sách về thai sản, nuôi con nhỏ, bố trí công việc phù hợp, xây dựng môi trường làm việc an toàn…
Bên cạnh đó, hoạt động dạy nghề, tạo việc làm được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tập trung nâng cao chất lượng. Các cấp Hội đã phối hợp các ngành có liên quan tổ chức dạy nghề cho trên 10.000 lao động nữ, trên 82% số lao động sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định.
Những nghề thu hút nhiều lao động nữ tham gia như: Đan lát, đan lục bình, bàng buông, may túi xách thân thiện môi trường, nấu ăn, chăn nuôi, trồng trọt... Duy trì 411 tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh do phụ nữ tổ chức quản lý điều hành, với 7.632 thành viên; giới thiệu việc làm, tạo việc làm cho hơn 17.000 phụ nữ…
Cơ sở may gia công túi xách của chị Bạc (phường 10, TP. Mỹ Tho) đã tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ. |
Hằng năm, các cấp Hội LHPN tỉnh đã phối hợp mở trên 900 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện sản xuất hàng hóa an toàn theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao và phổ biến nhân rộng.
Các cấp Hội phối hợp với các ngân hàng cho vay vốn với dư nợ đến nay trên 1.300 tỷ đồng với gần 79.000 thành viên; trong đó, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hiện trên 1.012 tỷ đồng, với hơn 35.698 hộ hội viên phụ nữ vay; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh được triển khai rộng khắp 172/172 xã, phường, thị trấn, tổng dư nợ 361,69 tỷ đồng với 42.512 thành viên tham gia.
Trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, mô hình hộ kinh doanh cá thể do phụ nữ làm chủ được thành lập. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ. Nữ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh là nữ đang đóng góp tích cực cho đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế.
Chị Tạ Thị Bạc (phường 10, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Chị là chủ cơ sở may gia công túi xách, nhưng cũng là chủ gia đình nên hiểu rõ mặt mạnh, điểm hạn chế của lao động nữ, từ đó có thể tạo việc làm phù hợp để họ phát huy hết khả năng, cống hiến cho sự phát triển của cơ sở.
Trong gia đình, chồng chị cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc giao nhận hàng. Có công việc ổn định, vợ chồng chị cùng đồng lòng làm việc, chăm lo cho các con ăn học”. Hiện cơ sở của chị Bạc giải quyết cho gần 30 lao động nữ trong khu vực có việc làm ổn định.
TẬP TRUNG CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI
Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh Tiền Giang dần được nâng cao, nhận thức của xã hội cho rằng nam giới là trụ cột chính, tạo thu nhập cho gia đình, xem việc nội trợ, chăm sóc gia đình là của phụ nữ dần không còn phù hợp. Nam giới ngày càng sẵn sàng chia sẻ công việc gia đình với phụ nữ, để phụ nữ không còn phải mang gánh nặng kép là vừa tham gia phát triển kinh tế, vừa chăm sóc gia đình.
Mặc dù số lượng lao động nữ tham gia học nghề tăng hằng năm, nhưng chủ yếu chỉ tăng trong đào tạo sơ cấp và lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến nông sản. Một bộ phận lao động nữ nhận thức còn hạn chế, trình độ học vấn thấp nên việc tiếp cận khoa học - công nghệ còn khó khăn.
Tỷ lệ lao động nữ đang làm việc qua đào tạo nghề đã phần nào được cải thiện, nhưng vẫn thấp hơn so với nam giới. Nhiều doanh nghiệp không tiếp nhận lao động trên 35 tuổi, làm giảm cơ hội tham gia thị trường lao động đối với nữ. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ chưa thực sự hấp dẫn.
Vì thế, để tiếp tục thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, các ngành, địa phương đã và đang tập trung các giải pháp, như: Phát huy hiệu quả sàn giao dịch việc làm; bảo đảm các điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ các nguồn lực kinh tế như đất canh tác, vốn tín dụng, thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách; bình đẳng về cơ hội tham gia sản xuất, kinh doanh; khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp.
Mặt khác, có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và khuyến khích doanh nghiệp thu hút nhiều lao động nữ; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ...
Điều quan trọng nữa là cần tuyên truyền, giáo dục làm thay đổi nhận thức và tư duy cho chính phụ nữ về giá trị của sự độc lập, tự chủ về kinh tế; xóa bỏ tư tưởng phụ thuộc, im lặng trước những vấn đề bất bình đẳng trong gia đình, môi trường làm việc… Từ đó, phụ nữ mới có thể tự tin, chủ động tạo chỗ đứng thực sự bình đẳng trong lĩnh vực lao động, việc làm, đóng góp cho sự phát triển của gia đình, đất nước và thực hiện bình đẳng giới.
LÊ PHƯƠNG