Thứ Sáu, 07/10/2022, 09:38 (GMT+7)
.

Dự án BOT Cai Lậy: Đảm bảo an ninh, an toàn khi thu phí trở lại

Dự án Đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1, đoạn qua TX. Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) và tăng cường mặt đường đoạn từ km 1987+560 đến km 2015+000 (gọi tắt là Dự án BOT Cai Lậy)  sẽ chính thức thu phí trở lại từ 7 giờ ngày 7-10 sau gần 5 năm ngừng thu phí.

UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Họp báo thông tin về tình hình thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ BOT Cai Lậy chiều 5-10.
UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Họp báo thông tin về tình hình thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ BOT Cai Lậy chiều 5-10.

Theo Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (Doanh nghiệp Dự án), Dự án BOT Cai Lậy có tổng mức đầu tư là 1.398 tỷ đồng, tổng chiều dài Dự án là 38,46 km. Trong đó, tuyến tránh dài 12,02 km; cải tạo, tăng cường nền, mặt đường Quốc lộ 1 dài 26,44 km.

THU PHÍ 1 LẦN CHO 1 LƯỢT LƯU THÔNG

Theo hợp đồng ban đầu, thời gian thu phí Dự án là 6 năm 4 tháng 29 ngày. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Giá vé điều chỉnh giảm; thực hiện chính sách miễn, giảm lớn; ghi nhận doanh thu riêng cho 2 trạm thu phí; phân chia lưu lượng với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, các tỉnh lộ khác rất cao, do đó thời điểm hiện tại chưa đủ dữ liệu xác định thời gian thu phí.

Theo văn bản 2076 ngày 10-3-2020 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ, sau khi đưa Dự án BOT Cai Lậy vào thu phí khoảng 1 năm sẽ cập nhật phương án tài chính, tính toán thời gian thu phí hoàn vốn Dự án.

Theo Doanh nghiệp Dự án, giá vé của Dự án thuộc một trong các dự án thấp nhất trên các tuyến Quốc lộ của cả nước. Cụ thể, Trạm thu phí Km 1999+300 Quốc lộ 1 giá vé thấp nhất là 14.000 đồng, cao nhất là 118.000 đồng. Trạm thu phí Km2+685, tuyến tránh giá vé thấp nhất là 24.000 đồng, cao nhất là 137.000 đồng.

Về chính sách miễn giảm, đối tượng giảm giá là các phương tiện cơ giới của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú và có trụ sở chính trên địa bàn 41 xã, phường, thị trấn trong phạm vi bán kính 10 km quanh trạm thu phí Km1990+300, Quốc lộ 1; phải đồng thời với địa chỉ ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký do cơ quan có thẩm quyền cấp. Mức giảm giá các loại xe buýt, phương tiện không sử dụng để kinh doanh là 100%; các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh giảm 50%.

Theo đó, Doanh nghiệp Dự án sẽ tổ chức thu phí liên trạm và tuân thủ nguyên tắc: Khi phương tiện đi qua 1 trạm thu phí trên 1 chiều lưu thông thì đối tượng và chủ phương tiện thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ 1 lần cho 1 lượt lưu thông; khi phương tiện đi qua 2 trạm thu phí trên 1 chiều lưu thông thì đối tượng và chủ phương tiện thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ 1 lần cho 1 lượt lưu thông.

Để chuẩn bị cho việc thu phí trở lại, Doanh nghiệp Dự án đã xây dựng trạm thu phí bổ sung trên tuyến tránh; điều chỉnh, bổ sung công nghệ, thiết bị Trạm thu phí Quốc lộ 1 để phù hợp theo Quyết định 19/2020 ngày 17-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường bê tông nhựa; sơn lại mặt đường để tổ chức giao thông; chỉnh trang, bổ sung hệ thống biển báo giao thông của toàn Dự án BOT Cai Lậy; thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên; lắp đặt hệ thống thoát nước tạm để xử lý một số khu vực mặt đường bị đọng nước...

Doanh nghiệp Dự án đã thuê Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam để tổ chức thu phí; bố trí xe cứu thương, xe cứu hộ để hỗ trợ chủ phương tiện, tài xế không may gặp sự cố khi lưu thông qua Dự án BOT Cai Lậy.

CHỦ ĐỘNG ĐẢM BẢO AN NINH, CHỐNG ÙN TẮC

Theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon, khi BOT Cai Lậy thu phí trở lại, các phương tiện cần lưu ý trong phạm vi 500 m của tuyến đường so với trạm thu phí sẽ có bảng báo hiệu cấm đậu, đỗ. Nếu các phương tiện vi phạm thì sẽ bị lực lượng chức năng xử lý. Ngoài ra, nếu trạm thu phí gặp sự cố ùn tắc 700 m sẽ yêu cầu xả trạm nhằm đảm bảo các phương tiện qua trạm nhanh chóng và thông thoáng. Lực lượng Thanh tra giao thông Khu vực Quản lý đường bộ IV sẽ phối hợp với Thanh tra Sở GTVT tỉnh tiến hành xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Dự án BOT Cai Lậy  chính thức  thu phí trở lại  vào ngày 7-10.
Dự án BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại vào ngày 7-10.

Còn theo Đại tá Nguyễn Văn Tảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, đơn vị bố trí các lực lượng ngành dọc đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông khi Dự án thu phí trở lại. Các hành vi buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường sẽ được xử lý theo quy định pháp luật. Các trường hợp vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, tùy mức độ vi phạm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, khi  Dự án BOT Cai Lậy thu phí trở lại, mục tiêu cao nhất là đảm bảo việc thu phí một cách an toàn, giao thông thông thoáng. Do đó, các đơn vị có liên quan cần phối hợp đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương đảm bảo các vấn đề trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là rất cần sự đồng thuận của người dân.

3 địa phương gồm huyện Cái Bè, TX. Cai Lậy và huyện Cai Lậy cần phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo an ninh trật tự quanh khu vực trạm thu phí; các ngành, các cấp, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và tài xế các phương tiện thông suốt về thông tin việc thu phí Dự án BOT Cai Lậy. Riêng đối với đơn vị BOT Cai Lậy phải đảm bảo khắc phục các điểm mất an toàn giao thông trước, trong và sau quá trình thu phí.

H. LONG - A. THƯ

.
.
.