Thứ Sáu, 21/10/2022, 14:00 (GMT+7)
.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang thực hiện tuyên truyền Đề án 939:

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ

Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Tiền Giang triển khai thực hiện và đạt những kết quả nổi bật. Qua đó, khơi dậy tinh thần, sức mạnh nội lực của hội viên, phụ nữ, mạnh dạn có ý tưởng, thực hiện kế hoạch kinh doanh, khởi nghiệp.

Trao giải Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” năm 2022 do Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức cho các hội viên, phụ nữ có dự án đoạt giải.
Trao giải Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” năm 2022 do Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức cho các hội viên, phụ nữ có dự án đoạt giải.

Qua 5 năm triển khai, nhiều mục tiêu của Đề án 939 đã được thực hiện đạt theo kế hoạch đề ra. Qua sơ kết Đề án 939 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Tiền Giang có 1 tập thể và 1 cá nhân vinh dự được Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen.

CỤ THỂ HÓA ĐỀ ÁN

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Ngọc Điệp cho biết: Thực hiện Đề án 939, các cấp Hội LHPN tỉnh đã đồng hành, giúp hội viên, phụ nữ vượt qua những rào cản, yên tâm khởi nghiệp. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ vốn, kiến thức, hằng năm các cấp Hội đều tổ chức những hoạt động, như: Ngày hội Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp; Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp”… nhằm tạo cơ hội, động lực để chị em khởi nghiệp được giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

Theo nhiều hội viên, phụ nữ, việc mạnh dạn đầu tư vào các ý tưởng, tiềm năng thế mạnh của bản thân sẽ là tiền đề rất lớn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, khởi nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi trong khởi nghiệp chính là người phụ nữ phải vượt lên chính mình, vượt qua được các định kiến lâu đời liên quan đến gia đình và con cái, khiến phụ nữ ít cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, điều kiện được đào tạo hay đi giao lưu, học hỏi… để khởi nghiệp, kinh doanh thành công.

Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp được Hội LHPN tỉnh xác định là việc làm bền bỉ, lâu dài, bởi quá trình khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Để đi đến khởi nghiệp thành công, bản thân phụ nữ không ngừng nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn. Bên cạnh đó, phụ nữ khi bắt tay vào khởi sự kinh doanh, mở ra doanh nghiệp đã khó, thì duy trì hoạt động doanh nghiệp càng khó hơn. Vì vậy, hội viên, phụ nữ luôn rất cần sự đồng hành bền bỉ của các cấp Hội LHPN trong thời gian dài để chị em phát triển bền vững.

Ngày càng có nhiều phụ nữ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Ngày càng có nhiều phụ nữ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Trong 5 năm qua, bên cạnh sự đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các cấp Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với các ngành liên quan tư vấn, giới thiệu việc làm cho 24.635 lao động nữ có nhu cầu tìm việc làm; mở 201 lớp đào tạo nghề cho 4.539 lao động nữ có nhu cầu (bao gồm các lớp may, đan, nấu ăn, trồng lúa, sầu riêng, thanh long, bưởi, rau an toàn, nuôi thủy sản, chăn nuôi heo…). Bên cạnh đó, các cấp Hội còn duy trì và phát triển các mô hình tạo việc làm tại chỗ như đan dây nhựa, giỏ xách, lục bình, may túi xách... Phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học trong trồng khóm, khoai mỡ, lúa, chăn nuôi heo, gà, vịt, chăm sóc sầu riêng, mít, lúa…

Đặc biệt, qua 4 năm phát động Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” đã lan tỏa, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của hội viên, phụ nữ. Hội thi thu hút 726 dự án dự thi cấp tỉnh; qua đó Tỉnh hội chọn 46 dự án tham gia dự thi cấp Trung ương, kết quả có 14 dự án vượt qua vòng sơ khảo và có 9 dự án vào Vòng chung kết Hội thi cấp vùng và có 1 dự án đoạt giải Khát Vọng vòng chung kết Hội thi toàn quốc. Tỉnh hội đã tạo điều kiện cho 3 hợp tác xã do phụ nữ quản lý tham gia hoạt động Ngày hội “Việc làm, kết nối doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm hàng Việt” tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ với các mặt hàng chủ lực do phụ nữ khởi nghiệp.

Hướng dẫn hội viên, phụ nữ hiện thực hóa 167 ý tưởng kinh doanh ở các lĩnh vực mua bán tạp hóa, sản xuất và mua bán nước uống đóng chai, mua bán giống cây trồng, bán hủ tiếu, bánh canh, mỹ phẩm...; trao 250 triệu đồng vốn khởi nghiệp cho 55 chị phụ nữ nghèo.Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Phối hợp Chi hội Nữ doanh nhân TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ mô hình sinh kế trồng sả tại huyện Tân Phú Đông cho 10 chị với tổng số tiền 100 triệu đồng và đến cuối năm 2021 chuyển mô hình này sang huyện Tân Phước, hỗ trợ cho 20 chị thực hiện trồng khóm với số tiền 200 triệu đồng.

Các cấp Hội LHPN tỉnh Tiền Giang kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang hỗ trợ vốn vay cho 1.633 hội viên, phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp với số tiền trên 29 tỷ đồng; hỗ trợ 180 doanh nghiệp nữ mới thành lập, trong đó Hội vận động thành lập 10 doanh nghiệp nữ.

CHẤP CÁNH KHÁT VỌNG KHỞI NGHIỆP

Là một trong những phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh thành công, chị Trần Thị Bé, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi sống bằng đủ thứ nghề từ làm vườn, đưa đò… để kiếm tiền vừa trang trải chi phí gia đình, vừa lo cho 2 con ăn học, cuộc sống khá chật vật. Đến khi nhận thấy sản xuất bánh tráng rế có thể phát triển kinh tế gia đình, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất bánh tráng rế, để vừa tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, vừa giữ nghề truyền thống của xã Hậu Thành”.

Chị Huỳnh Thị Thy Thy khởi nghiệp thành công với Cơ sở sản xuất bánh quy dừa Xuân Phúc.
Chị Huỳnh Thị Thy Thy khởi nghiệp thành công với Cơ sở sản xuất bánh quy dừa Xuân Phúc.

Sau thời gian sản xuất nhỏ lẻ, lợi nhuận thu được cũng chỉ đủ lo cho cuộc sống gia đình, nên chị Bé quyết định mở rộng cơ sở sản xuất, thị trường kinh doanh với mục đích thu hút nhiều đơn đặt hàng, tăng lợi nhuận, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều chị em phụ nữ nông thôn. Hiện tại, cơ sở sản xuất bánh tráng rế của chị Bé đã tạo việc làm cho hơn 10 lao động nữ ở địa phương.

Còn chị Ngô Thị Cẩm Tú (xã Thanh Hòa, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) sinh ra trong gia đình khó khăn, phải nghỉ học sớm, đi học may để mong có được cái nghề kiếm sống. Nhưng chị Tú cũng đành bỏ nghề may, vì không có tiền mua máy may. Đến khi lập gia đình, chị Tú vẫn phải kiếm sống bằng công việc “trái nghề” là đi thu mua dừa bán lại cho các chủ vựa. Mãi đến năm 2012, với quyết tâm thực hiện niềm đam mê với nghề may, chị Tú đã mạnh dạn vay 1,5 triệu đồng từ người thân để mua một cái máy may.

Sự khởi nghiệp của chị Tú cũng bắt đầu từ đây, ban đầu một mình chị Tú nhận hàng túi xách về may, tuy nhiên hàng ngày càng nhiều, chị làm không xuể, phải hướng dẫn cho nhiều chị em phụ nữ cùng may. Hiện tại, chị Tú đã mở hẳn cơ sở may túi xách thân thiện với môi trường ngay tại nhà, với 4 thợ may tại chỗ và 20 chị em phụ nữ nhận hàng về may, thu nhập bình quân của mỗi thợ may và người may gia công từ 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Còn với chị Huỳnh Thị Thy Thy, chủ Cơ sở sản xuất bánh quy dừa Xuân Phúc (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) thì giải Nhất - Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” năm 2022 do Hội LHPN tỉnh tổ chức mà chị đạt được như đã tiếp thêm động lực để chị tự tin khởi nghiệp.

Chị Thy chia sẻ: “Hội thi là “bệ phóng”, giúp những người phụ nữ đam mê khởi nghiệp như tôi có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm và kết nối kêu gọi đầu tư. Từ các vòng loại của hội thi tôi đều được Hội LHPN tỉnh tập huấn trang bị các kỹ năng về thể hiện cấu trúc bài thuyết trình, cách phân tích, giải quyết những vấn đề khách hàng đang gặp phải, phương pháp cạnh tranh để vượt lên đối thủ, cách thu hút và mở rộng khách hàng… Do đó, tôi không chỉ tự tin tham gia hội thi, mà còn mạnh dạn hơn trong khởi nghiệp kinh doanh”.

Còn rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ đã được hiện thực hóa. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị em phụ nữ đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, thực tế là ngày càng có nhiều sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh Tiền Giang được công nhận đạt chuẩn OCOP, từng bước đưa các sản phẩm do chính phụ nữ làm ra có chỗ đứng không chỉ tại thị trường trong tỉnh, mà còn phổ biến rộng rãi đến các tỉnh bạn. Từ đó, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình hội viên, phụ nữ.

Thực tế qua thực hiện Đề án 939, phụ nữ Tiền Giang không còn “thu mình” như trước, họ đang từng bước khẳng định bản thân trên mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động khởi nghiệp.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.