Thứ Hai, 03/10/2022, 21:05 (GMT+7)
.

Khai thác hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

(ABO) Sau thời gian thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Tiền Giang đã phát huy hiệu quả hoạt động ủy nhiệm, ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến với người dân. Từ đó, hội viên nghèo, cận nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

a
Các cấp Hội CCB tỉnh Tiền Giang hỗ trợ người dân tiếp cận đến nguồn vốn vay ưu đãi.

TỐI ƯU NGUỒN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Những năm qua, các cấp Hội CCB tỉnh Tiền Giang đã tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương, các cấp Hội thường xuyên hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, phổ biến kinh nghiệm vay và sử dụng vốn đúng mục đích.

Để không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, Hội CCB tỉnh còn phối hợp với NHCSXH, các hội và đoàn thể cơ sở mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật gắn với các chương trình cho vay hỗ trợ hội viên CCB phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH, tạo ra những bước đột phá mới cho công cuộc thoát nghèo, tạo việc làm và phát triển kinh tế bền vững tại địa phương, các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc. Đồng thời, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Hoạt động cho vay vốn được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương hỗ trợ người dân hoàn thành thủ tục vay vốn.
Hoạt động cho vay vốn được các Phòng Giao dịch NHCSXH địa phương hỗ trợ người dân hoàn thành thủ tục vay vốn.
Hội CCB tỉnh Tiền Giang hiện có 2.143 Tổ tiết kiệm và vay vốn, quản lý tổng dư nợ trên 397 tỷ đồng, với 15.797 lượt hộ vay vốn, duy trì tỷ lệ nợ quá hạn là 0,18%. Trong đó, Hội CCB tỉnh đang quản lý nguồn vốn ủy thác địa phương là trên 37 tỷ đồng, tập trung ở các chương trình cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường...

Song song đó, để khắc phục kịp thời các mặt thiếu sót trong quá trình hoạt động tín dụng ủy thác của Tổ tiết kiệm và vay vốn và khách hàng, các cấp Hội CCB tỉnh đã có nhiều phương án kiểm tra hộ vay sau 30 ngày, để quản lý sử dụng đúng mục đích nguồn vốn, đôn đốc khách hàng trả nợ đến hạn, không để phát sinh nợ quá hạn và vận động tham gia gửi tiết kiệm, kéo giảm tỷ lệ lãi tồn.

GÓP PHẦN CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG

Chủ tịch Hội CCB tỉnh Tiền Giang Phan Hùng Mãnh cho biết, hội viên CCB trên địa bàn tỉnh phần lớn sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, với mức thu nhập thấp, đời sống một bộ phận hội viên CCB còn gặp nhiều khó khăn, thiếu tư liệu và vốn sản xuất. Do đó, Hội CCB tỉnh và Chi nhánh NHCSXH Tiền Giang đã ký kết liên tịch nhằm hỗ trợ cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, Hội đã quán triệt và triển khai thực hiện tốt công tác ủy thác tín dụng chính sách xã hội, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp tốt với NHCSXH bổ sung nhiều chương trình cho vay, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi.

Nguồn vốn từ tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 808 hộ thoát nghèo; xây mới 372 căn nhà đạt tiêu chuẩn "3 cứng" và đã giải quyết cho 41.050 lao động là hội viên CCB và con em hội viên CCB có việc làm ổn định. Chính sách tín dụng ưu đãi còn góp phần hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học do gia đình gặp khó khăn về tài chính; giúp 100% hộ gia đình là hội viên CCB xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh; nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống hộ nghèo, hội viên CCB.

Ngoài ra, các mô hình sử dụng vốn vay đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước được nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong hội viên CCB như: Mô hình nuôi dê ở các xã Bình Đức, Song Thuận, Kim Sơn, Dưỡng Điềm; mô hình nuôi bò ở các xã Tân Hương, Tân Hội Đông và nuôi gà, cút, cá ở các xã Long An, Tam Hiệp... đã giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

a
Hoạt động cho vay vốn được các Phòng Giao dịch NHCSXH địa phương hỗ trợ người dân hoàn thành thủ tục vay vốn.

Nguồn vốn vay từ NHCSXH đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội CCB trong tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt... ngày càng hiệu quả kinh tế, lao động có việc làm ổn định. Bộ mặt nông thôn được cải thiện, tạo sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong ổn định và phát triển kinh tế địa phương.

Trong hoạt động tín dụng ủy thác, Hội CCB tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo tăng trưởng dư nợ, phủ kín Tổ tiết kiệm và vay vốn nhưng còn nhiều địa phương dư nợ còn thấp so với các hội, đoàn thể khác, chưa phủ kín Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã, ấp; hộ vay trong Tổ tiết kiệm và vay vốn không đạt số lượng quy định, gây không ít khó khăn trong hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Để tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Tiền Giang Phan Hùng Mãnh cho biết, trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế, củng cố, nâng chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vay vốn ưu đãi và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay.

LÊ MINH

.
.
.