.

Kiến nghị tăng lương từ 1-1-2023 và ưu tiên nhóm thu nhập thấp

Cập nhật: 10:06, 26/10/2022 (GMT+7)

Chính phủ vừa trình Quốc hội tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%) từ ngày 1-7-2023. Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một số đại biểu (ĐB) cho rằng, nên thực hiện sớm việc tăng lương.

a
Các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về cải cách tiền lương

Lương thấp, người lao động sẵn sàng rời bỏ công việc?

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, đời sống của người lao động (NLĐ) hiện gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá xăng vừa tăng cao vừa khan hiếm, làm sự lo lắng của NLĐ ngày càng lớn; NLĐ hiện đang lo lắng tết nay sẽ thế nào. Thực trạng chung cho thấy, nhiều NLĐ đang không đủ tiền để trang trải cuộc sống. Dù lương cơ bản có tăng lên thì cũng không đủ chi tiêu vì dịch bệnh mấy năm qua đã khiến họ tiêu hết tiền dự trữ. 

Cũng theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ rời bỏ công việc ở khu vực công là vấn đề nóng trong thời gian qua cũng như trên diễn đàn Quốc hội. Theo thống kê đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư. Việc rời bỏ này có một số lý do, bên cạnh nguyên nhân do sức ép công việc lớn còn có vấn đề tiền lương. Thu nhập không đủ, áp lực của nhóm cán bộ, công chức, viên chức đang gặp phải trong quá trình làm việc hiện nay lớn hơn rất nhiều so với mức lương được nhận, dẫn đến việc người ta sẵn sàng rời bỏ công việc.

Về giải pháp để khắc phục tình trạng bỏ việc, Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM đề xuất tăng lương sớm, tăng lương cơ sở khối nhà nước lên 1,8 triệu đồng/tháng ngay từ 1-1-2023 thay vì 1-7-2023 vì mức độ trượt giá hiện nay đã quá cao, không đủ bù đắp. Nếu Nhà nước chưa đủ nguồn lực để tăng lương cho tất cả các nhóm thì cần có chính sách hỗ trợ tiền lương cho nhóm có thu nhập thấp, có mức lương dưới mức sống tối thiểu. Ví dụ, tính theo chuẩn nghèo hiện nay, nhiều cán bộ công chức khi vào làm việc có mức lương cơ sở ban đầu nằm trong chuẩn nghèo của TPHCM, do đó, nên có chính sách đối với nhóm công chức, viên chức có mức lương dưới chuẩn nghèo theo từng khu vực. Như vậy là hợp lý và dễ xử lý nhất cho các nhóm đối tượng. 

ĐB Trần Quốc Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, cũng nêu quan điểm, việc tăng lương cơ sở rất cần được quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm 2023.

“Sau khi Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, giờ đã đến lúc các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước cần được quan tâm xem xét tăng lương, phụ cấp để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Mặt khác, hiện nay lực lượng công chức, viên chức đang phải đối mặt với áp lực công việc, nhất là công chức, viên chức ngành y tế. Do vậy, việc tăng lương kịp thời sẽ góp phần bù đắp những áp lực hiện nay”, ĐB Trần Quốc Tuấn nói và cho rằng, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần đây nhất là vào 1-7-2019, nên nếu áp dụng tăng lương cơ sở vào ngày 1-7-2023 thì sau 4 năm lương công chức, viên chức mới tăng được 20,8%; trong khi đó, dự kiến, chỉ số tiêu dùng bình quân giai đoạn 2019-2022 tăng khoảng 11,8%, do đó nên tăng lương sớm hơn thay vì 1-7-2023.

Chưa đủ nguồn lực thì phân nhóm đối tượng 

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng, trong số hàng triệu cán bộ công chức, viên chức có thể một bộ phận nhỏ tiền lương đối với họ không có ý nghĩa quá lớn nhưng đa số vẫn đang sống nhờ vào tiền lương và có nguyện vọng tập trung vào công vụ, sống được bằng thu nhập chính thức. Nhiều người có mức lương thấp hơn thu nhập cần phải có để bảo đảm mức sống. Mục đích của việc tăng lương cơ sở là tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức để có thể chăm lo được cho gia đình bằng thu nhập chính thức. Hiện nay, mức sống của xã hội đã tăng lên, tiêu chuẩn sống của xã hội cao hơn nhưng tiền lương không theo kịp. Nhiều người mới vào khu vực công vài năm, thậm chí 5-7 năm, thì tiền lương vẫn thấp hơn nhiều so với mức sống tối thiểu. Để đạt được mục đích công chức, viên chức có thể sống được từ thu nhập chính thức, toàn tâm toàn ý lo cho công vụ, không cần làm thêm, “kiếm thêm” chỗ này chỗ kia thì tăng lương cơ bản là một trong những việc cần làm ngay, làm tức thời. Nếu tình trạng cán bộ, công chức, viên chức không sống đủ bằng thu nhập chính thức kéo dài thì sẽ có nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc, đó cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh tiêu cực, thậm chí dẫn đến tham nhũng. “Khi nào chưa giải quyết, chưa đạt được mục đích cán bộ, công chức, viên chức đủ sống với mức sống trung bình của xã hội thì chừng đó tình trạng công chức, viên chức bỏ việc ra khu vực tư vẫn xảy ra”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nguồn lực chưa đủ, theo các ĐB, việc tăng lương cũng không nên dàn đều. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, hiện nay, tình trạng thu nhập thấp của những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, kể cả những người về hưu không giống nhau. Một bộ phận công chức, viên chức lương hưu rất thấp, hay những công chức, viên chức trẻ, mức lương hàng tháng cũng không đủ sống. Trong khi đó, một bộ phận khác dù đã về hưu nhưng mức lương vẫn rất cao. Do đó, nếu tăng lương cơ bản một cách bình quân thì những người có bậc lương thấp vẫn rất khó khăn, mức tăng không đáng kể. Do đó, cần áp dụng giải pháp tăng lương cho những người có mức lương thấp; còn người đã có lương cao, lương hưu cao thì có thể tăng chậm hơn…

Theo ý kiến của các ĐB Quốc hội, hiện tượng di động nhân lực khu vực công sang khu vực tư là hiện tượng bình thường, nhưng khi xuất phát từ nguyên nhân thu nhập thì Nhà nước phải quan tâm. Tăng lương cũng là để hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức “chân trong, chân ngoài” đã có từ lâu, ảnh hưởng không tốt đến công việc và trách nhiệm công vụ.

Theo sggp.org.vn
 

 

 


 

 

.
.
.