Thứ Hai, 31/10/2022, 10:01 (GMT+7)
.

Tăng lương cơ sở: Công chức, viên chức mong sớm triển khai

Những ngày qua, thông tin từ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên mức 1.800.000 đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%) cho công chức, viên chức (CCVC), dự kiến thực hiện từ ngày 1-7-2023.

Xoay quanh vấn đề tăng lương cơ sở, Báo Ấp Bắc lược ghi một số ý kiến của đại biểu Quốc hội, bạn đọc và cử tri tỉnh Tiền Giang gửi gắm đến diễn đàn Quốc hội.

* ĐẠI BIỂU NGUYỄN THANH CẦM, ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TIỀN GIANG:

Sớm tăng lương để giảm hệ lụy CCVC rời bỏ khu vực công

Tiền lương hiện nay cũng là một trong những vấn đề khiến CCVC nản lòng, rời khu vực công để ra khu vực tư. Hệ quả của việc này sẽ khiến người dân thiệt thòi, do không phải người dân nào cũng có điều kiện khám, chữa bệnh ở bệnh viện tư; hay cho con học trường tư thục trong khi làn sóng nguồn nhân lực chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, đặc biệt là trong ngành Y tế và Giáo dục đang diễn ra, một phần do tiền lương, thu nhập thấp hơn so với người cùng trình độ làm việc ở khu vực tư.

Bên cạnh đó, còn do áp lực của công việc, đặc biệt sau mấy năm lực lượng ngành Y tế chủ lực trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Hiện cả nước đang thiếu 95.000 giáo viên các cấp và đã có hơn 10.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc, nhiều người có chuyên môn cao chuyển sang khu vực tư.

Tôi đồng tình với đề xuất của Chính phủ về thực hiện việc nâng lương cơ sở cho CCVC. Việc điều chỉnh tăng lương cơ sở vào thời điểm này rất ý nghĩa, giúp ổn định tinh thần, tư tưởng làm việc của CCVC, đặc biệt là trong ngành Y tế và Giáo dục. Việc Chính phủ đề xuất tăng lương từ ngày 1-7-2023 do phải cân đối nhiều mặt, nhất là do nền kinh tế mấy năm qua bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, việc cần thiết thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác, như nâng cao hiệu quả quản trị và cải thiện môi trường, điều kiện làm việc trong khu vực công; nếu cân đối được, việc tăng lương cơ sở từ ngày 1-1-2023 sẽ giúp CCVC an tâm công tác hơn, tạo động lực cho họ tiếp tục góp sức đưa kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới phát triển. Điều đó sẽ góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương, đặc biệt là  trong 2 lĩnh vực quan trọng là Y tế và Giáo dục.

“Hệ lụy của tình trạng CCVC rời khu vực công sang khu vực tư sẽ dẫn đến thiệt thòi cho người dân, nhất là những người điều kiện kinh tế hạn chế. Vì vậy, việc sớm tăng lương cơ sở sẽ góp phần giảm hệ lụy này”.

ĐẠI BIỂU NGUYỄN THANH CẦM, ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TIỀN GIANG

 

* ANH LÊ MINH ĐÚNG, CÔNG CHỨC SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TIỀN GIANG:

Cần đảm bảo CCVC sống được bằng lương của mình

Trong bối cảnh hiện nay, phương án điều chỉnh mức lương cơ sở, cùng các chính sách an sinh xã hội khác là hợp lý nhất, tối ưu nhất và an toàn nhất. Đối với CCVC thì việc tăng lương là yêu cầu bức thiết từ thực tiễn.

Cụ thể, một công chức như tôi công tác trên 10 năm, nhưng hiện tại mức lương của tôi chỉ khoảng 5 triệu đồng (với hệ số lương là 3.66), nếu sống một mình thì gói ghém có thể tạm đủ với mức sống ở nông thôn; nếu có gia đình, có con cái, cha mẹ già thì lâm cảnh khó khăn. Bởi thế, hầu hết CCVC phải vay thấu chi, hoặc là tìm thêm việc để làm ngoài giờ.

Đối với CCVC trẻ lại càng khó khăn hơn, khi mức lương khởi điểm chỉ hơn 3 triệu đồng. Nhiều bạn ở xa phải tốn thêm khoản thuê nhà, chi phí xăng xe... Vì thế, CCVC nói chung, đơn vị tôi nói riêng đều rất phấn khởi với thông tin sắp được tăng lương cơ sở. Thế nhưng, bên cạnh việc tăng lương, Chính phủ cần có giải pháp ổn định giá cả thì việc tăng lương mới có giá trị và được xem là giải pháp kịp thời nhằm chia sẻ khó khăn với đội ngũ CCVC. Đây là nguồn động lực quan trọng để họ an tâm công tác nếu cuộc sống ổn định hơn.

* BÁC SĨ NGUYỄN THỊ HỒNG XINH, NHÂN VIÊN KHOA KIỂM SOÁT BỆNH TẬT, TRUNG TÂM Y TẾ TX. CAI LẬY:

Không để “chảy máu chất xám” trong khu vực công

Tôi rất phấn khởi khi nghe thông tin tăng lương cơ sở cho CCVC và điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở. Dù số tiền lương tăng thêm không giải quyết được hết tất cả khó khăn, nhưng với tôi thì đây là nguồn động lực lớn.

Thời gian gần đây, tình trạng nhiều nhân viên y tế ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương xin nghỉ việc không chỉ vì thu nhập thấp, mà còn do áp lực công việc quá lớn. Hy vọng rằng, việc cải cách tiền lương thời điểm này sẽ là vấn đề mấu chốt để giữ chân nhân tài, không bị “chảy máu chất xám” trong khu vực công.

Bản thân cũng kiến nghị, cần xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng là bác sĩ mới ra trường, nhằm thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế công, vì thời gian đào tạo thì dài, chi phí đào tạo và tự đào tạo của bác sĩ cao, để họ toàn tâm, toàn ý với công việc được giao.

* ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỒNG THÁI, PHÓ CHỦ TỊCH UBND XÃ TÂN THANH, HUYỆN CÁI BÈ:

Khích lệ tinh thần CCVC tiếp tục nỗ lực phục vụ nhân dân

Hiện nay, trước tình trạng vật giá leo thang, dù đã làm nhiều năm, nhưng một số CCVC có mức thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu, đời sống vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, mức sống của xã hội đã tăng lên, tiêu chuẩn sống của xã hội cao hơn, nhưng tiền lương của CCVC không theo kịp.

Vấn đề tiền lương cũng là một trong những lý do khiến CCVC xin thôi việc thời gian qua. Tại UBND xã Tân Thanh, đã có trường hợp công chức xin thôi việc để làm kinh tế gia đình. May mà, đa số CCVC của xã có làm kinh tế vườn, nên đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Là cán bộ cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tôi rất phấn khởi trước thông tin Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở. Mặc dù tăng lương cơ sở là việc cần thiết, tuy nhiên cần căn cứ tình hình thực tế nguồn lực tài chính của nhà nước có đủ để đáp ứng việc tăng lương cơ sở hay không? Nếu ngân sách đáp ứng được, thì nên tăng lương ngay từ đầu năm 2023 trước chỉ số tiêu dùng tăng cao. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, mức lương sẽ tăng tương xứng với công sức CCVC ở từng khu vực, từng đơn vị. Qua đó khích lệ tinh thần CCVC tiếp tục nỗ lực phục vụ nhân dân.

* THẠC SĨ VÕ VĂN SƠN, GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC TIỀN GIANG:

Cần tính toán để có thang bảng lương đặc thù cho các ngành

Hiện nay, viên chức mới vào nghề được tuyển dụng có hệ số lương 2,34, tương đương chỉ khoảng 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng, còn thấp hơn lương công nhân. Nếu không tăng lương, đời sống những người làm trong cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong ngành Giáo dục và Y tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, tăng lương là mong mỏi lâu nay của hơn 1,2 triệu nhà giáo trên cả nước, để giúp giáo viên sống được bằng lương, chưa nói đến trở thành động lực hay giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của nhà giáo là việc làm cần thiết, để giúp thầy cô phần nào an tâm công tác, cũng là hiện thực hóa các nghị quyết của của Đảng.

Thời gian qua, do áp lực công việc, trong khi lương không đủ sống, nhiều giáo viên đã bỏ việc. Các địa phương diễn ra tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên nhưng khó khăn trong việc thu hút nguồn tuyển. Vì thế, tăng lương cơ sở là việc làm quan trọng lúc này.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tính toán để có thang bảng lương đặc thù cho các ngành, nhất là ngành Giáo dục và Y tế. Mong muốn của CCVC về  mức đề xuất tăng lương cơ sở của Chính phủ cao hơn nữa, góp phần giảm bớt khó khăn cho CCVC. Chia sẻ cùng khó khăn của Nhà nước, nên đồng tình với mức tăng khoảng 20,8% do Chính phủ đề xuất, song mong muốn được thực hiện sớm hơn (ngay từ đầu năm 2023) theo kiến nghị của một số đại biểu Quốc hội và lãnh đạo của một số bộ, ngành Trung ương tại kỳ họp Quốc hội này.

PHƯƠNG MAI - VĂN THẢO (thực hiện)

.
.
.