Thứ Hai, 03/10/2022, 08:26 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Cần tháo gỡ những khó khăn về thanh quyết toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Tiền Giang luôn đồng hành cùng ngành Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) của tỉnh tích cực chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân BHYT.

Đồng chí Tạ Minh Tâm phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn ĐBQH tỉnh với Sở Y tế và BHXH tỉnh.
Đồng chí Tạ Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh với Sở Y tế và BHXH.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít khó khăn, bất cập, nhất là trong thanh toán chi phí KCB BHYT ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ sở KCB.

VƯỚNG VỀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH

Thời gian qua, BHXH Tiền Giang đã phối hợp cùng ngành Y tế, các cơ sở KCB BHYT của tỉnh tích cực chủ động triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các cơ sở KCB hoạt động và đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia BHYT theo luật định.

Cụ thể là thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam nhằm đảm bảo kinh phí cho các cơ sở KCB hoạt động, BHXH Tiền Giang thực hiện quyết toán hằng quý để chuyển tiền thanh toán và tạm ứng kinh phí cho hoạt động quý sau. Theo đó, BHXH tỉnh đã tạm ứng một lần bằng 80% chi phí KCB theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở KCB, đảm bảo cấp tạm ứng trước ngày 15 tháng đầu quý. Bên cạnh đó, công tác thanh quyết toán chi phí KCB BHYT của cơ quan BHXH cho các cơ sở y tế tiếp tục được đảm bảo. Cơ quan BHXH không nợ chi phí KCB của các cơ sở KCB, thậm chí nhiều lần xem xét cho một số cơ sở KCB ứng tiền để đảm bảo hoạt động.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hiện nay nhiều cơ sở KCB BHYT (cụ thể là nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh, trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện) vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KCB BHYT, thanh toán, quyết toán BHYT, trong đó khó khăn lớn nhất là do thực hiện theo Nghị định 146/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT (gọi tắt là Nghị định 146) còn nhiều bất cập, làm cho nguồn kinh phí của các đơn vị bị giảm, ảnh hưởng rất lớn đến chi phí KCB BHYT năm 2022.

Đại diện TTYT huyện Châu Thành phát biểu về những khó khăn của đơn vị trong thanh quyết toán KCB BHYT tại buổi làm việc của Đoàn ĐBQH tỉnh  với Sở Y tế và BHXH tỉnh.
Đại diện TTYT huyện Châu Thành phát biểu về những khó khăn của đơn vị trong thanh quyết toán KCB BHYT tại buổi làm việc của Đoàn ĐBQH tỉnh với Sở Y tế và BHXH Tiền Giang.

Bên cạnh đó, việc giao dự toán là một rào cản dẫn đến các khó khăn trong việc chậm thanh toán, quyết toán KCB BHYT. Mặt khác, khó khăn do cơ chế đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế còn nhiều bất cập. Ngoài ra, theo nhiều TTYT huyện, chi phí vượt trần, vượt dự toán chưa được quyết toán tồn đọng nhiều năm qua khiến cho hoạt động của các TTYT huyện gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu từ BHXH Tiền Giang, từ năm 2016 - 2020, chi phí vượt trần, vượt dự toán chưa được quyết toán là 177,13 tỷ đồng; trong đó, BHXH tỉnh đề nghị BHXH Việt Nam, Hồi đồng quản lý thanh toán với chi phí là 47,179 tỷ đồng; chi phí ngoài quy định không thể đề nghị thanh toán là 129,951 tỷ đồng. Theo đại diện ngành BHXH Tiền Giang, nguyên nhân không đề nghị thanh toán là do hồ sơ chưa đủ, chưa đúng hoặc do bất cập từ cơ chế chính sách.

Điển hình như chi phí vượt quỹ của Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, BHXH tỉnh đã thẩm định do nguyên nhân khách quan với chi phí là 7,398 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi BHXH tỉnh gửi công văn ra BHXH Việt Nam thì BHXH Việt Nam cho rằng nguyên nhân chưa đủ sức thuyết phục nên BHXH Việt Nam chưa chấp nhận. Đối với chi phí thuyết minh vượt trần của Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang với số tiền 3,669 tỷ đồng. Bệnh viện thuyết minh không hợp lý theo quy định tại khoản 6, Điều 11, Thông tư 41 ngày 24-11-2014 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn, bất cập để đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ yên tâm  công tác, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn, bất cập để đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ yên tâm công tác, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân.

Ngoài ra, chi phí tiền giường của các Phòng khám Đa khoa khu vực thuộc các TTYT tuyến huyện là 4,592 tỷ đồng, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 11, Nghị định 155 của Chính phủ ngày 12-11-2018 sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Do đó, BHXH Tiền Giang không có cơ sở để thanh toán đối với chi phí tiền giường của các Phòng khám Đa khoa khu vực thuộc các TTYT tuyến huyện trên địa bàn tỉnh phát sinh trước thời điểm Nghị định 155 có hiệu lực thi hành.

Giám đốc BHXH Tiền Giang Võ Khánh Bình cho biết: “BHXH tỉnh luôn đồng hành với các cơ sở KCB trong khắc phục khó khăn, hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo quyền lợi cho nhân dân và người bệnh KCB BHYT… Chúng ta cần thống nhất cách nhìn nhận vấn đề theo đúng thực tế là cơ quan BHXH tỉnh không nợ chi phí KCB BHYT đối với các cơ sở KCB. Những khoản chưa thanh toán được hiện nay là do hồ sơ chưa đủ, chưa đúng hoặc nằm ngoài quy định pháp luật. Vì vậy, cần giải quyết sao cho hồ sơ đúng, đủ, đảm bảo cho công tác thanh quyết toán đúng quy định. Đối với những trường hợp ngoài quy định thì BHXH tỉnh phải xin ý kiến của BHXH Việt Nam và chờ có hướng dẫn mới thực hiện được nên tốn nhiều thời gian”.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Linh cũng thừa nhận ngành BHXH tỉnh đã rất nỗ lực cùng ngành Y tế nhưng những bất cập từ cơ chế chính sách dẫn đến việc quyết toán chi phí KCB BHYT vượt quỹ, vượt định mức kéo dài chưa giải quyết dứt điểm. Đồng thời cho rằng, trước đây khi chưa có Nghị định 146 thì Tiền Giang chỉ có 1 - 2 TTYT tuyến huyện gặp khó khăn, còn khi Nghị định 146 ra đời thì hầu hết các TTYT tuyến huyện của tỉnh đều gặp khó khăn, vướng mắc từ các quy định của nghị định này nên không đủ kinh phí hoạt động khiến nhiều cán bộ, y tế băn khoăn, lo lắng.

CẦN THÁO GỠ NHỮNG KHÓ KHĂN

Mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang đã có đợt khảo sát tại các bệnh viện tuyến tỉnh và một số TTYT huyện, sau đó làm việc với Sở Y tế và BHXH tỉnh về tình hình KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT. Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua dù ngành BHXH và ngành Y tế tỉnh đã rất nỗ lực nhưng đến nay vẫn còn một số vấn đề vướng mắc chưa thống nhất quan điểm. Vì vậy, ngành Y tế và BHXH tỉnh cần ngồi lại với nhau và mời cả TTYT cấp huyện cùng tham dự để chỉ ra những vướng mắc nào là từ cơ chế chính sách, từ cơ chế của tỉnh và từ các phòng, ban của 2 ngành để có hướng giải quyết. Đối với những vướng mắc từ cơ chế chính sách nhiều năm qua kiến nghị cấp trên vẫn chưa được giải quyết thì có văn bản cụ thể gửi Đoàn ĐBQH tỉnh. Dù bất kể lý do gì, thì mục tiêu của tỉnh vẫn luôn ưu tiên hàng đầu cho việc đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân BHYT.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm cho biết, qua khảo sát thực tế tại một số bệnh viện tỉnh và TTYT tuyến huyện cùng với báo cáo của ngành Y tế và BHXH tỉnh cho thấy phần lớn khó khăn trong thanh quyết toán KCB BHYT là do vướng mắc từ cơ chế chính sách quy định từ trung ương chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong đó, vướng mắc nhiều nhất là ở các nghị định 146, 155, 56 của Chính phủ và các thông tư 39, 14, 15 của Bộ Y tế…

Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị ngành Y tế và BHXH tỉnh có văn bản cụ thể về những vướng mắc, bất cập từ cơ chế chính sách của trung ương gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh, để Đoàn ĐBQH tỉnh có cơ sở ý kiến ở những diễn đàn Quốc hội, bộ, ngành liên quan sớm tháo gỡ cho địa phương. Về góc độ tỉnh, ngành Y tế và BHXH tỉnh phối hợp ngành chức năng của tỉnh sớm tham mưu cho UBND tỉnh có chủ trương tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện, nhất là các TTYT cấp huyện nhằm tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ yên tâm công tác, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân trong thời gian tới...

HOÀI THU

.
.
.