Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11
Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 4 tổng cục, tăng lương cho người làm việc trong ngành bảo hiểm xã hội là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Xóa bỏ 4 tổng cục của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nghị định số 68/2022 có hiệu lực từ ngày 1/11 quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bốn tổng cục không còn trong cơ cấu tổ chức mới của Bộ, gồm: Môi trường; Địa chất và Khoáng sản; Quản lý Đất đai; Biển và Hải đảo. Bộ này chỉ còn một Tổng cục là Khí tượng Thủy văn.
Nhiều đơn vị cấp cục, vụ mới được thành lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, Tổng cục Môi trường được tách ra, thành lập ba đơn vị gồm: Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Đất đai được tách thành Cục Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản được tách thành Cục Địa chất và Cục Khoáng sản Việt Nam.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thay bằng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Với cơ cấu tổ chức mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị trực thuộc.
Nhân viên Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức phát số thứ tự cho người dân xếp hàng vào làm thủ tục tháng 4/2022. Ảnh: Đình Văn |
Người làm việc trong ngành BHXH lương gấp 1,8 lần công chức thông thường
Theo Quyết định 19/2022 của Thủ tướng, từ ngày 10/11, mức chi tiền lương đối với một số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong ngành bảo hiểm sẽ cao gấp 1,8 lần tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức thông thường.
Ba nhóm sẽ được điều chỉnh tiền lương gồm: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân; người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động thương binh và xã hội.
Số tiền này không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, áp dụng đến khi Chính phủ thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
11 lĩnh vực người quản lý không được lập doanh nghiệp khi thôi chức vụ
Thông tư 60/2022 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17/11 cấm lãnh đạo quản lý thuộc 11 lĩnh vực không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã trong 1-2 năm sau khi thôi giữ chức vụ.
Các lĩnh vực gồm: Kế toán, kiểm toán; chứng khoán và thị trường chứng khoán; bảo hiểm; hải quan; giá; thuế, phí, lệ phí và khoản thu khác của ngân sách Nhà nước; tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp; dự trữ quốc gia; quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước; quản lý Nhà nước về ngân sách; tài sản công.
Tăng mức chi cho người cai nghiện bắt buộc
Thông tư 62/2022 của Bộ Tài chính hiệu lực từ ngày 19/11 quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước khi áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
Theo đó, khi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người cai nghiện sẽ được ngân sách nhà nước đảm bảo tiền ăn, chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân; chi phí gồm khám sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế, tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần và điều trị bệnh cơ hội khác (nếu có).
Ngoài ra, người điều trị cai nghiện cũng được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh; học văn hóa (người từ 12 đến dưới 18 tuổi); phổ biến, giáo dục pháp luật theo chuyên đề; chi phí học nghề ngắn hạn.
Ngân sách Nhà nước cũng chi trả tiền điện, nước sinh hoạt 100.000 đồng/người cai nghiện bắt buộc/tháng (tăng 20.000 đồng với quy định cũ). Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động tối thiểu với mức 100.000 đồng/người/năm (tăng 30.000 đồng).
Người cai nghiện bắt buộc cũng được chi chế độ lao động, lao động trị liệu; chi phí mai táng nếu bị chết trong thời gian chấp hành quyết định tại cơ sở mà không có thân nhân hoặc thân nhân không đến nhận; hỗ trợ đưa người cai nghiện bắt buộc trở về địa phương nơi cư trú...
(Theo vnexpress.net)