Đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động
Thời gian qua, nhiều đề án, chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) luôn được các cấp Công đoàn (CĐ) trong tỉnh Tiền Giang quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động (NLĐ).
KỊP THỜI TUYÊN TRUYỀN
Hằng năm, khi có văn bản pháp luật mới được ban hành theo nội dung triển khai của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, của UBND tỉnh, Hội đồng PBGDPL tỉnh và của các ngành chức năng, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đều ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp CĐ tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung trọng tâm của văn bản pháp luật đến CNVCLĐ. Đồng thời, yêu cầu các cấp CĐ thường xuyên tổ chức và phối hợp thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện hưởng ứng “Ngày Pháp luật” hằng tháng, khai thác tài liệu sinh hoạt trên Trang thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đã tổ chức 5 cuộc triển khai cấp tỉnh về các quy định pháp luật mới, các chế độ, chính sách có liên quan đến đoàn viên, NLĐ cho trên 360 lượt cán bộ CĐ các cấp, tuyên truyền viên trong hệ thống CĐ tỉnh. LĐLĐ cấp huyện và CĐ ngành tổ chức 64 cuộc triển khai cấp huyện, ngành cho hơn 3.120 lượt cán bộ CĐ cơ sở. Đối với các cấp CĐ, thông qua Hộp thư điện tử, website, Facebook, Zalo... đã đăng tải trên 2.950 lượt tài liệu, hình ảnh tuyên truyền, phát hơn 17.500 lượt bản tin.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Tiền Giang tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ CĐ, CNVCLĐ. |
Nội dung được các cấp CĐ tập trung triển khai, như: Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ và tổ chức CĐ Việt Nam như Hiến pháp, pháp luật lao động, CĐ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, pháp luật về công chức, viên chức, trẻ em; các quy định liên quan đến các chế độ, chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... Duy trì phối hợp thực hiện truyền thông qua các kênh báo chí trong và ngoài hệ thống CĐ để thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL như: Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang; Báo Ấp Bắc; Báo Lao Động, Báo Người Lao Động, Thông tấn xã Việt Nam…
Trong đó, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đã tổ chức 2 cuộc tập huấn cho 128 báo cáo viên pháp luật, 4 cuộc tập huấn cho 240 cán bộ CĐ là tuyên truyền viên pháp luật; 87 cuộc tuyên truyền trực tiếp tại doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân tự quản với hơn 8.500 người dự. LĐLĐ tỉnh triển khai công tác tuyên truyền PBGDPL tập trung hướng về cơ sở và NLĐ, nhất là ở những địa phương, đơn vị có đông công nhân, lao động (CNLĐ), với phương châm “Mỗi cán bộ CĐ là một tuyên truyền viên” trên mặt trận tuyên truyền PBGDPL đến CNLĐ. Với hình thức tuyên truyền luôn được quan tâm đổi mới theo hướng đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.
ĐA DẠNG CÁC HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
Hưởng ứng Ngày Pháp luật, các cấp CĐ tỉnh Tiền Giang sinh hoạt tài liệu do Sở Tư pháp biên soạn; tuyên truyền, phổ biến về sự ra đời, mục đích, ý nghĩa Ngày Pháp luật; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền, phổ biến những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ và tổ chức CĐ Việt Nam.
Cán bộ CĐ tỉnh Tiền Giang trình bày ý kiến tại Hội nghị tập huấn triển khai những nội dung cơ bản của Bộ Luật Lao động năm 2019. |
Hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức CĐ”, các cấp CĐ đã áp dụng nhiều cách làm mới để tuyên truyền, PBGDPL, tập trung đăng tải tài liệu tuyên truyền trên website, Facebook, Zalo; kịp thời cung cấp thông tin về các nội dung pháp luật lao động tại 3 điểm thông tin chính sách pháp luật ở các khu công nghiệp Mỹ Tho, Tân Hương và Long Giang; tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các khu nhà trọ công nhân tự quản.
Đối với CĐ cơ sở ngoài khu vực nhà nước - đặc biệt là CĐ cơ sở các doanh nghiệp ở khu, cụm công nghiệp, thực hiện tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc họp lệ kỳ của tổ, chuyền sản xuất, qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ, các trang Zalo, Facebook của đơn vị, tuyên truyền bằng video clip, trên mạng xã hội... Qua đó, được đông đảo CNVCLĐ quan tâm theo dõi, chia sẻ.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh còn tổ chức phối hợp tư vấn pháp luật tại cơ sở, trong đó tập trung vào những doanh nghiệp có đông CNLĐ và còn hạn chế trong việc thực hiện các chế độ chính sách, pháp luật về lao động. Qua đó, Văn phòng Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh phối hợp tư vấn pháp luật trực tiếp tại 2 doanh nghiệp với hơn 300 CNLĐ tham dự; tư vấn (trực tiếp và qua điện thoại) cho trên 1.060 lượt đoàn viên, NLĐ; LĐLĐ cấp huyện, CĐ ngành và cơ sở đã tư vấn cho 305 lượt CNLĐ.
Để phục vụ cho công tác PBGDPL, các cấp CĐ trong tỉnh phối hợp với lãnh đạo chuyên môn xây dựng và duy trì tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tính đến nay, hầu hết các đơn vị đều có tủ sách pháp luật... Từ đó, người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp đã từng bước nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, PBGDPL cho CNLĐ, tích cực phối hợp với tổ chức CĐ trong tuyên truyền, PBGDPL, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
KHẮC PHỤC HẠN CHẾ
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CNLĐ nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn. Toàn tỉnh hiện có hơn 90 ngàn CNLĐ đang làm việc trong các loại hình DN. Phần đông trong số đó là lao động phổ thông, tuổi đời còn trẻ, trình độ, nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn thấp. Do đó, một số CNLĐ bị DN xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp mà không biết tự bảo vệ, phải chịu thiệt thòi trong quan hệ lao động. Đối với những DN chưa có tổ chức CĐ thì việc học tập, tìm hiểu kiến thức pháp luật do NLĐ tự tìm hiểu.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL đến CNLĐ ở khu vực ngoài nhà nước bằng hình thức trực tiếp còn gặp nhiều khó khăn. Một vài nơi người sử dụng lao động thiếu sự quan tâm, chưa tạo điều kiện về thời gian để thực hiện tuyên truyền, PBGDPL cho CNLĐ. Nguyên nhân do doanh nghiệp tập trung nhiều thời gian cho sản xuất, phục hồi sản xuất sau đại dịch covid-19; cán bộ CĐ cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền còn yếu; kinh phí, tài liệu dành cho công tác tuyên truyền, PBGDPL còn hạn chế.
Từ những khó khăn, bất cập trên cho thấy, việc nâng chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL cho NLĐ là việc làm cần thiết, đòi hỏi phải có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động và tổ chức CĐ; cần huy động được tối đa các nguồn lực, trong đó có nguồn xã hội hóa và đóng góp của DN cho công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CNLĐ. Hơn nữa, Hội đồng PBGDPL tỉnh cần quan tâm hỗ trợ LĐLĐ tỉnh kinh phí tuyên truyền, PBGDPL cho đối tượng CNLĐ ở các doanh nghiệp thuộc khu, cụm công nghiệp.
Đối với tổ chức CĐ, tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, PBGDPL, phát huy hiệu quả các hình thức tuyên truyền, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, website của LĐLĐ tỉnh, CĐ các cấp, đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến CNLĐ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật... Đồng thời, in ấn và phát tờ rơi; xây dựng tủ sách pháp luật; sân khấu hóa; sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, báo chí… phù hợp với điều kiện, thời gian lao động và đặc điểm của CNVCLĐ.
Thường xuyên kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với CNVCLĐ, nhất là chính sách về việc làm, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và an toàn vệ, sinh lao động - phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường. Phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật ở cơ sở. Tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động quan tâm, tạo điều kiện để các cấp CĐ mở lớp tuyên truyền, tập huấn về chính sách pháp luật mới có liên quan đến CNLĐ tại doanh nghiệp...
LÝ OANH