.

Tiền Giang: 15 năm nỗ lực vì mục tiêu bình đẳng giới

Cập nhật: 10:06, 21/11/2022 (GMT+7)

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007 gồm 6 chương, 44 điều, quy định về nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới; thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Sau 15 năm triển khai thực hiện, Tiền Giang đã đạt được những kết quả tích cực.

THU HẸP DẦN KHOẢNG CÁCH GIỚI

Luật Bình đẳng giới đã tạo mối quan hệ cộng đồng trách nhiệm trong tổ chức; công tác triển khai được thực hiện thông qua nhiều hình thức, nội dung phù hợp tạo sự quan tâm của các ngành, các cấp, góp phần tạo cơ hội cho phụ nữ phát huy năng lực và nâng cao vị trí của mình trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể quan tâm hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa cho nguyên nữ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và nữ lãnh đạo tỉnh đương nhiệm nhân kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10-2022. 	Ảnh: Phương Mai
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa cho nguyên nữ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và nữ lãnh đạo tỉnh đương nhiệm nhân kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10-2022. Ảnh: Phương Mai

Trong đó, mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, tỉnh Tiền Giang đã tạo điều kiện thuận lợi cho nữ có cơ hội trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026; góp phần đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách đề cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân là nữ theo quy định.

Số lượng nữ đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026, đơn vị tỉnh Tiền Giang là 3/8 đại biểu, chiếm tỷ lệ 37,5%, so với nhiệm kỳ 2016 - 2021 tăng 2 nữ đại biểu (nhiệm kỳ trước là 1/8, tỷ lệ 12,5%). Nhìn chung, việc thực hiện bình đẳng giới về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, đã từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo trong Đảng và chính quyền tại địa phương.

Mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Hiện tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 30% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn; 100% nữ chủ hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; tỷ lệ nữ lao động làm công hưởng lương trong năm 2021 ước đạt 40,6%…

Thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa thông tin của tỉnh cũng đạt kết quả rất tốt. Đặc biệt bình đẳng giới trong đời sống gia đình và từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình còn gắn với thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở, thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình và hệ thống câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững - đội phòng, chống bạo lực gia đình đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc bạo lực gia đình, trong đó có trường hợp bạo lực gia đình xuất phát từ bất bình đẳng giới.

Công tác giám sát thực hiện bình đẳng giới tại cơ sở được thực hiện hiệu quả thông qua các mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình; mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, đội phòng, chống bạo lực gia đình và quy ước đã được triển khai thực hiện tại cộng đồng.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), qua 15 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm trong cả hệ thống chính trị; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phụ nữ trong xã hội đã được củng cố và từng bước khẳng định; khoảng cách về giới dần dần rút ngắn, vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát huy vai trò của mình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Một bộ phận phụ nữ đã nhanh chóng trưởng thành, có cương vị công tác và đạt hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý, tạo được niềm tin, sự tín nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Việc thực hiện bình đẳng giới đã có tác động tốt đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, chất lượng cuộc sống của cá nhân và gia đình tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định trong Luật Bình đẳng giới tại địa phương xuất hiện những hạn chế, vướng mắc.

VẪN CÒN NHỮNG VƯỚNG MẮC

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay một số quy định trong các lĩnh vực có liên quan đến bình đẳng giới còn chưa phù hợp dẫn tới những hạn chế về điều kiện và cơ hội tham gia bình đẳng của phụ nữ. Về cơ chế thì vấn đề nổi cộm lên là tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm... của cán bộ, công chức nữ.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Luật Bình đẳng giới tại tỉnh Tiền Giang vẫn còn một số vấn đề hạn chế như cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, có nơi cán bộ chưa được bồi dưỡng chuyên môn về giới và bình đẳng giới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nên còn lúng túng trong việc tham mưu triển khai thực hiện mục tiêu, kế hoạch về lĩnh vực bình đẳng giới; kinh phí dành cho hoạt động về bình đẳng giới có được quan tâm nhưng còn hạn hẹp, từ đó ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.

Tỷ lệ nữ lao động làm công hưởng lương của tỉnh trong năm 2021 ước đạt 40,6%. (Ảnh chụp công nhân đang làm việc tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành). 	Ảnh:P.Nghi
Tỷ lệ nữ lao động làm công hưởng lương của tỉnh trong năm 2021 ước đạt 40,6%. (Ảnh chụp công nhân đang làm việc tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành). Ảnh:P.Nghi

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bình đẳng giới có thực hiện nhưng chưa thường xuyên và thường thực hiện lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn của ngành, số liệu đánh giá các mục tiêu chủ yếu dựa trên báo cáo của các đơn vị; tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân. Mặt khác, nhận thức về vấn đề bình đẳng giới tuy đã có chuyển biến, nhưng chưa cao, do vậy, việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình và ngoài xã hội còn có những hạn chế nhất định…

Để Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Tiền Giang xác định trong thời gian tới công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới và bản thân người phụ nữ, nam giới tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tới. Song song đó cần có sự cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác bình đẳng giới luôn đóng vai trò then chốt; sự tham gia tích cực và trách nhiệm cao của cán bộ lãnh đạo các ngành là tiền đề cơ bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới.

Việc hình thành và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới và duy trì tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ là cần thiết để tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền con người của phụ nữ. Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ cần phải gắn chặt chẽ với thực hiện bình đẳng giới, phải được coi như là một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thì mới thực sự đem lại hiệu quả trên thực tế.

MAI HÀ

.
.
.