Thứ Sáu, 30/12/2022, 14:03 (GMT+7)
.

Năm 2023, Tiền Giang phấn đấu tiếp tục giảm khoảng 0,2% hộ nghèo

Sau nhiều nỗ lực và đạt kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo bền vững, năm 2023 Tiền Giang đề ra mục tiêu giảm 0,2% hộ nghèo so với năm 2022. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2023, hộ nghèo còn khoảng 1,07% tổng số hộ dân toàn tỉnh.

QUÁN TRIỆT CHỦ TRƯƠNG VÀ THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO

Năm 2023, Tiền Giang tiếp tục quán triệt, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trong Kế hoạch 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, dự án của Nhà nước về Chương trình giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và người dân quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo đã đề ra; đảm bảo kết quả giảm nghèo thật sự bền vững. Các cấp ủy, chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo cụ thể, sát thực tế của địa phương, đơn vị.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang Huỳnh Văn Hải trao quà tết cho người nghèo.                                                                                           Ảnh: PHƯƠNG MAI
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang Huỳnh Văn Hải trao quà tết cho người nghèo. Ảnh: PHƯƠNG MAI

Song song đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo đến các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo; khơi dậy ý thức tự chủ, vươn lên thoát nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về cơ sở được xem là giải pháp trọng tâm nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, nhất là việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Cùng với đó là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác với Chương trình giảm nghèo để tăng hiệu quả đầu tư, nhất là Chương trình giảm nghèo bền vững với Chương trình xây dựng nông thôn mới; Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo ở các cấp, cơ sở.

Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh đã đề ra giải pháp tổ chức thực hiện tốt, đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo về tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, trợ giúp pháp lý, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ sinh kế…; dùng các chính sách làm đòn bẩy, thúc đẩy việc giảm nghèo, tạo điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo phải được tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời phù hợp với từng nhóm đối tượng; tập trung hỗ trợ người yếu thế nhằm cải thiện điều kiện việc làm thông qua vay vốn tạo việc làm, tiếp cận thông tin thị trường lao động, dạy nghề.

Thực hiện đầy đủ chính sách bảo trợ xã hội theo quy định hiện hành đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, phụ nữ đơn thân... thuộc hộ gia đình nghèo; tăng cường xã hội hội hóa, tiếp tục huy động nguồn lực trong nhân dân, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội, bảo trợ các đối tượng yếu thế; thực hiện chính sách cứu trợ đột xuất kịp thời cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, tai nạn, thiên tai, bệnh hiểm nghèo.

THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÁC DỰ ÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang triển khai thực hiện các tiểu dự án thuộc 5 dự án của Chương trình giảm nghèo bền vững quốc gia và sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2023. Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các tiểu dự án này nhằm góp phần thúc đẩy hiệu quả giảm nghèo bền vững.

Với dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tỉnh tập trung xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn xã đảo.

Tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất. Xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của chương trình và quy định của pháp luật.

Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng triển khai tại Tiền Giang 2 tiểu dự án. Đó là hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thông qua công tác tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hỗ trợ khác theo quy định; phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng; tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.

Tiểu dự án Cải thiện dinh dưỡng nhằm hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo; tăng cường hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; can thiệp phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (trẻ từ 5 đến dưới 16 tuổi).

Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững  triển khai Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ việc làm bền vững. Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin  hỗ trợ giảm nghèo về thông tin và truyền thông về giảm nghèo đa chiều. Dự án Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình thông qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo có đủ năng lực, nhiệt huyết để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình cũng như hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm.


MAI THẢO

.
.
.