Thu hút nhân lực cho nghề công tác xã hội: Cần chính sách đi trước
Dù nhu cầu của xã hội với nghề công tác xã hội rất lớn nhưng thực tế cho thấy, việc tuyển sinh tại nhiều trường và đào tạo người làm việc trong lĩnh vực này chưa cao. Một trong những nguyên nhân là các chính sách pháp luật chưa sâu sát nhu cầu của thị trường và người học.
Học sinh tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Hà Nội. (Ảnh: Molisa). |
Bất cập trong đào tạo nghề công tác xã hội
Công tác xã hội hướng đến trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như: Người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già, nạn nhân của bạo hành và tệ nạn xã hội... phát triển khả năng và sử dụng các nguồn lực riêng của họ và của cộng đồng, xã hội để giải quyết vấn đề khó khăn của mình.
Tuy hoạt động đào tạo, nghiên cứu công tác xã hội rất cần thiết nhưng tại Việt Nam, đây là một ngành đào tạo còn khá non trẻ, mới được đưa vào giảng dạy gần đây trong hệ thống đào tạo nghề nghiệp ở Việt Nam.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước hiện đã có hơn 55 cơ sở đào tạo đang tiến hành đào tạo công tác xã hội ở bậc cao đẳng, cử nhân và một số cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Cùng với đó, có 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội.
Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong các cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội. (Ảnh: HCMUSSH) |
Trong khi đó, nhu cầu thị trường với nhân lực ngành công tác xã hội rất lớn. Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, đến nay, đã có 425 cơ sở trợ giúp xã hội liên quan tới cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên phạm vi cả nước. Trong số này, có 195 cơ sở công lập, 230 cơ sở ngoài công lập, hiện mới đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng. Các dịch vụ như tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội đã được tổ chức nhưng không đồng đều về chất lượng tại các địa bàn.
Cả nước hiện đã có hơn 55 cơ sở đào tạo đang tiến hành đào tạo công tác xã hội ở bậc cao đẳng, cử nhân và một số cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Cùng với đó, có 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội.
Tổng số cán bộ, nhân viên công tác xã hội hiện đang làm việc tại các cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới tại cấp xã có khoảng 35 nghìn người.
Các tỉnh, thành phố thành lập mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội, với số lượng khoảng 235 nghìn người. Trong đó, có hơn 35 nghìn công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp (phụ nữ, thanh niên, hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi, mặt trận tổ quốc, hội nông dân, liên đoàn lao động, cựu chiến binh); hơn 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng…
Đội ngũ này tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Một trong những bất cập khiến ngành công tác xã hội chưa phát triển đúng kỳ vọng là đội ngũ nhân sự vừa mỏng, vừa thiếu chuyên môn do một phần được đào tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ rõ bất cập: “Do công tác xã hội chưa được công nhận là một nghề chuyên nghiệp nên phần lớn cán bộ nhân viên chưa qua đào tạo công tác hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở, nhất là các cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người tâm thần còn nghèo nàn; phương pháp chăm sóc, điều trị và trợ giúp đối tượng tại các cơ sở còn nhiều hạn chế”.
Đặc biệt, các ngạch viên chức công tác xã hội chưa được ban hành đầy đủ các mã số ngạch, tiêu chuẩn ngạch nên ảnh hưởng vai trò, nhiệm vụ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức và nhân viên làm việc tại các cơ sở. Vì vậy, năng lực chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở không cao, không phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Cùng với việc các đơn vị đào tạo đang nỗ lực thu hút học sinh, sinh viên lựa chọn ngành học đầy tiềm năng này, để đạt mục tiêu thu hút được nhân lực chất lượng cao, nút thắt đầu tiên cần được gỡ bỏ là những chính sách đối với người làm công tác xã hội.
Hoàn thiện chính sách để thúc đẩy nghề công tác xã hội
Để hoạt động đào tạo nghề công tác xã hội chuyên nghiệp bài bản, việc rà soát các quy định về nghề công tác xã hội trong các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách Việt Nam có liên quan rất cần thiết và quan trọng.
Khi đưa ra khuyến nghị để thúc đẩy triển vọng nghề công tác xã hội tại Việt Nam, TS Nguyễn Thị Minh (Học viện Tòa án, Tòa án Nhân dân tối cao) cho rằng, việc đầu tiên là giải quyết các vấn đề về chính sách do khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được hoàn chỉnh. “Đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội chưa được xác định cụ thể trong một số bộ luật, luật liên quan như: Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em....” - TS Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần chăm lo, giải quyết những chính sách liên quan. Cụ thể như: chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc trong các cơ sở trợ giúp xã hội chưa được ban hành; sự phối hợp liên ngành còn hạn chế; chưa có cơ sở pháp lý quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh.
Với y tế, một lĩnh vực rất cần sự tham gia tích cực của nghề công tác xã hội, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cũng cho rằng, việc quy định chuẩn năng lực đối với nhân viên công tác xã hội nên được đưa vào những văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, để thu hút nhân lực vào ngành công tác xã hội, cần có chế độ tuyển dụng, đãi ngộ, mã ngạch viên chức phù hợp để có nhân viên công tác xã hội được đào tạo chính quy, chuyên trách đảm nhận và thay thế cho các đối tượng khác hiện đang làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội bệnh viện: Bác sĩ, điều dưỡng, đa ngành lĩnh vực y tế - xã hội học.
“Các cơ sở khám, chữa bệnh cần có đội ngũ nhân viên công tác xã hội được đào tạo chính quy và được trang bị đầy đủ hơn về kiến thức và kỹ năng trong công tác hỗ trợ người bệnh” - PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, trên cơ sở những kết quả rà soát đưa ra những thiếu sót, bất cập, những quy định không còn phù hợp, những thiếu hụt chưa có quy định, đồng thời đề xuất lộ trình sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam. Điều này cũng là cơ sở để các cơ sở đào tạo chuẩn hóa chương trình học, nâng cao chất lượng dạy và học, thu hút thêm nguồn nhân lực, nhân tài.
Theo nhandan.vn