Tiền Giang: Nguồn lao động - nơi thiếu nơi thừa
Vào những tháng cuối năm 2022, trong số nhiều doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Tiền Giang hoạt động ổn định thì cũng có DN đang đối mặt với khó khăn thiếu đơn hàng, phải cắt giảm nhân lực. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng có DN “khát” lao động do gặp khó trong tuyển dụng.
Trước tình hình trên, để người lao động (NLĐ) có việc làm; đồng thời, giúp DN tuyển dụng được lao động vào thời điểm cuối năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang (gọi tắt Trung tâm) đang đẩy mạnh hoạt động kết nối, giới thiệu việc làm từ nơi thừa sang nơi thiếu.
NƠI THIẾU, NƠI THỪA
Hiện tại, một số DN trong các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gặp khó khăn do không có đơn hàng nên phải cắt giảm lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động. Trong khi đó, thường vào thời điểm cuối năm, NLĐ luôn trông chờ vào tiền tăng ca, lương và thưởng để có thêm thu nhập trang trải dịp tết nhưng lại bị mất việc, thất nghiệp.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ. |
Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Thùy Dương cho biết, có một số DN gặp khó cuối năm như Công ty TNHH Scancom Việt Nam, Công ty TNHH Knitpassion, KCN Long Giang hiện không có đơn hàng. Giai đoạn gần đây, các công ty đã làm việc với nhiều đối tác nhằm duy trì việc làm cho NLĐ nhưng tình hình vẫn rất khó khăn. Dự kiến, các công ty cho NLĐ tạm ngưng việc 2 tháng sau tết, chờ đến khi có đơn hàng sẽ thông báo NLĐ đi làm việc trở lại.
Bên cạnh những DN thừa lao động phải giảm giờ làm, thì có không ít DN còn trống nhiều vị trí, đang liên tục đăng tuyển dụng nhân sự. Cụ thể, tại các sàn giao dịch việc làm gần đây của Trung tâm, nhu cầu tuyển dụng lao động ở một số ngành nghề khá sôi động.
Đơn cử như Công ty PungKook Bến Tre - Chi nhánh Mỹ Tho (thuộc Tập đoàn PungKook, 100% vốn Hàn Quốc, tại Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) là một trong những nhà sản xuất ba lô, túi xách thời trang cao cấp với quy mô lớn trên 1.600 công nhân.
Công ty hiện đang có nhu cầu tuyển dụng 500 công nhân may với nhiều chế độ đãi ngộ, mức lương hấp dẫn, thu nhập ổn định, bình quân 8 triệu đồng/người/tháng nhưng vẫn không tuyển dụng đủ lao động.
Còn tại Công ty TNHH Dệt len EcoWay (huyện Cai Lậy), tình hình sản xuất của công ty rất ổn định. Không chỉ 1.300 công nhân của công ty vẫn đang làm việc đầy đủ, mà còn tăng ca. Công nhân công ty rất phấn khởi làm việc, để có thêm thu nhập, đón một cái tết đủ đầy. Theo Công ty TNHH Dệt len EcoWay, công ty hiện có đơn hàng từ nay đến tháng 6-2023, nên NLĐ rất yên tâm, không phải lo mất việc.
TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI NLĐ VÀ DN
Trong 9 tháng năm 2022, Trung tâm đã tư vấn cho 22.617 lượt lao động (đạt 121% so với cùng kỳ; đạt 113% kế hoạch năm). Trong đó, tư vấn nghề cho 972 lao động, tư vấn việc làm 2.327 lao động; tư vấn việc làm cho lao động thất nghiệp cho 18.628 lao động; tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 690 lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho 2.396 lượt lao động (đạt 119% so với cùng kỳ; đạt 80% kế hoạch năm); giới thiệu cho 835 lao động có việc làm.
Dự kiến đến trước Tết Nguyên đán 2023, tình hình lao động của tỉnh Tiền Giang sẽ không có nhiều biến động. Tuy nhiên, dự báo sẽ có một vài DN cắt giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng với khoảng gần 3.000 lao động và chấm dứt hợp đồng chưa đến 1.000 lao động. Ngược lại, vẫn có một số DN có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lao động tương đương số lao động bị chấm dứt hợp đồng. Do đó, NLĐ có nhu cầu tìm việc, học nghề để chuyển đổi nghề hay hưởng trợ cấp thất nghiệp hãy đến Trung tâm để được tư vấn, giới thiệu việc làm và hướng dẫn trợ giúp. GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ DÂN QUYỀN |
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức 26 phiên giao dịch việc làm, với 105 DN tham gia. Kết quả, tư vấn 2.788 người; 314 người tham gia phỏng vấn; 147 người được tuyển dụng trực tiếp và nhận hồ sơ hẹn phỏng vấn tại DN; 49 người được giới thiệu đến các DN ủy thác tuyển gián tiếp. Gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông trong tỉnh Tiền Giang tăng cao.
Tuy nhiên, số lượng lao động phổ thông chưa có việc làm rất ít nên khó khăn trong công tác kết nối giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho các DN. Thị trường lao động trong tỉnh hiện nay chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo nên chỉ đáp ứng được cơ bản nhu cầu của DN, do tốn thời gian đào tạo lại đã dẫn đến khó khăn cho Trung tâm trong kết nối, giới thiệu lao động cho nhà tuyển dụng.
Trong khi đó, lao động đăng ký thất nghiệp rất đông, mặc dù Trung tâm đã cố gắng tư vấn việc làm và nghề cho lao động nhưng số lượng lao động có nhu cầu đi làm, học nghề rất ít, do lao động muốn lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp, một số không muốn đi làm nữa. Một số DN có chính sách thu hút, đãi ngộ NLĐ chưa hấp dẫn.
Ngược lại, NLĐ có tâm lý ngại làm việc trong các công ty mang tính chất gò bó, cạnh tranh năng suất, mức phạt trên tiền lương, công tác quản lý và nhiều chính sách, nội quy khác nhau... trong khi NLĐ chưa thực sự quen với môi trường công nghiệp. Mặt khác, vai trò của Công đoàn trong DN chưa thực sự đại diện cho quyền lợi NLĐ.
Theo Trung tâm, trong những tháng cuối năm, Trung tâm sẽ tổ chức hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm kết nối NLĐ thất nghiệp với DN tuyển dụng lao động tại 3 điểm TP. Mỹ Tho, TX. Cai Lậy và TX Gò Công nhằm tạo điều kiện để NLĐ sớm quay lại thị trường lao động; thu thập nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ cho công tác tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức đoàn tham dự hội nghị về xúc tiến, hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp vào thứ 2 của tuần thứ 3 hằng tháng tại cơ sở 2 của Trung tâm và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các chi nhánh Cai Lậy và Gò Công. Ngoài ra, Trung tâm phối hợp Phòng Lao động Thương binh và Xã hội các huyện, thành, thị tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động, tư vấn xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm tại địa phương.
THIÊN LÝ