Thứ Hai, 05/12/2022, 09:18 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Quan tâm, chăm lo người lao động bị ảnh hưởng việc làm

Bắt đầu từ quý IV-2022, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gặp khó khăn với tình trạng đơn hàng sụt giảm, một số chuyên gia lao động, Công đoàn (CĐ) cảnh báo công nhân, lao động (CNLĐ) sẽ đối mặt với nguy cơ bị mất việc làm. Do đó, các ngành chức năng đang theo dõi chặt chẽ, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) nhằm ổn định quan hệ lao động cuối năm.

BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG

Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình lao động, việc làm, thu nhập của đoàn viên, người lao động (NLĐ) tương đối ổn định. NLĐ phấn khởi trước tình hình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19; tích cực học tập, công tác, tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh các DN gặp khó, thì nhiều DN đã quan tâm, chăm lo các chế độ, chính sách giúp CNLĐ yên tâm lao động, sản xuất.
Bên cạnh các DN gặp khó, thì nhiều DN đã quan tâm, chăm lo các chế độ, chính sách giúp CNLĐ yên tâm lao động, sản xuất.

Các cấp CĐ trong tỉnh đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động, chính quyền tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, tuyên truyền, vận động để NLĐ chia sẻ, đồng hành cùng DN khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển lao động, việc làm. Thực hiện các chế độ tiền lương, phụ cấp theo quy định, nhất là khi Chính phủ ban hành Nghị định 38 ngày 12-6-2022 quy định mức lương tối thiểu vùng được áp dụng từ ngày 1-7-2022.

Đồng thời, các cấp CĐ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ tuyển dụng lao động, động viên NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó với DN. Phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi tình hình quan hệ lao động ở DN, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, không để xảy ra bức xúc, tranh chấp trong quan hệ lao động trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022 và các ngày lễ.

Tuy nhiên, về quan hệ lao động vẫn còn xảy ra ngừng việc tập thể ở một số DN liên quan đến các chính sách của NLĐ. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 4 vụ ngừng việc tập thể ở 4 DN với hơn 1.000 CNLĐ, nguyên nhân do CNLĐ chưa đồng tình với chính sách tăng lương hằng năm, thực hiện chế độ thâm niên, hỗ trợ tiền xăng, phụ cấp trách nhiệm, việc tạm ứng tiền lương trước Tết Nguyên đán...

Do trước khi xảy ra các vụ ngừng việc, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các cấp CĐ thiết lập số điện thoại đường dây nóng, phát huy hiệu quả vai trò của “Đội Công nhân xung kích” tại DN, “Khu nhà trọ công nhân tự quản”... Bên cạnh đó, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở cùng đoàn công tác của các địa phương kịp thời đến làm việc với Ban Giám đốc các công ty xảy ra ngừng việc tập thể; đồng thời, vận động CNLĐ trở lại làm việc.

Sau khi DN đối thoại với CNLĐ và thông báo giải quyết chế độ, chính sách, thì CNLĐ ở các DN đều trở lại làm việc ổn định. Tuy nhiên, các vụ ngừng việc tập thể trên đã ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN và an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

TĂNG CƯỜNG THEO DÕI TÌNH HÌNH DN

LĐLĐ tỉnh Tiền Giang hiện đang quản lý 17 CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, 1.373 CĐ cơ sở, nghiệp đoàn với 123.752 đoàn viên/130.335 công nhân, viên chức, lao động đang làm việc ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, DN thuộc các thành phần kinh tế. Trong đó, có 288 CĐ cơ sở DN, hợp tác xã với 83.838 đoàn viên/ 90.569 CNLĐ.

Để ổn định tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động, các cơ quan, ban, ngành đề xuất Chính phủ xem xét, có chính sách hỗ trợ cho NLĐ gặp khó khăn do bị tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động. Các ngành chức năng, lãnh đạo địa phương quan tâm nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của DN; hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ NLĐ bị giảm, mất việc làm.

Qua nắm tình hình từ CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, CĐ cơ sở các DN và các ngành chức năng, hiện có 19 DN, hợp tác xã với 10.869 CNLĐ thực hiện và dự kiến thực hiện giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Trong đó, có 6 DN có vốn đầu tư nước ngoài; lĩnh vực dệt may (10 DN), giày da (1 DN), sản xuất sản phẩm từ gỗ (1 DN), chế biến thủy sản (2 DN) và ngành nghề khác như môi giới bất động sản, vàng bạc, kim loại, đá quý, sản xuất cỏ nhân tạo (5 DN)…

Cụ thể, có 12 DN với  2.509 CNLĐ giảm giờ làm; 7 DN với 838 CNLĐ dự kiến giảm giờ làm; 1 DN với 400 CNLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động 6 tháng; 1 DN với 1.100 CNLĐ dự kiến tạm hoãn hợp đồng lao động (sau tết) 2 tháng; 7 DN với 679 CNLĐ chấm dứt hợp đồng lao động; 2 DN với  74 CNLĐ dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động. Theo đó, hình thức giải quyết của DN là cho NLĐ nghỉ phép năm, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động không lương hoặc cho hưởng lương cơ bản; chấm dứt hợp đồng lao động nhưng cho NLĐ hưởng 1 hoặc 2 tháng lương cơ bản tùy vào thâm niên làm việc tại DN...

Công ty TNHH Hansae TG (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành) chuyên lĩnh vực may mặc, có khoảng 6.000 CNLĐ. Đầu năm 2022, công ty có nhu cầu tuyển dụng 500 công nhân may với nhiều chính sách phúc lợi, đãi ngộ nhằm thu hút công nhân mới. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022 do không có đơn hàng, công ty có phương án cho công nhân tự nguyện đăng ký xin nghỉ việc theo nhu cầu. Đến nay, số lượng công nhân công ty giảm xuống đáng kể, chỉ còn 4.000 CNLĐ.

Trước tình hình trên, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Công thương, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh tiếp cận, chủ động nắm tình hình hoạt động của DN, như: Tình hình sản xuất, việc làm cho NLĐ, kế hoạch giảm giờ làm, cắt giảm lao động; kế hoạch sản xuất, khó khăn của DN hiện tại và sắp tới;  lương, thưởng Tết Nguyên đán 2023 cho NLĐ.

Thành lập nhóm Zalo liên ngành gồm lãnh đạo và phòng, ban nghiệp vụ của các ngành để kịp thời trao đổi thông tin, thống nhất chủ trương giải quyết các vấn đề phát sinh; báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý. Thành lập đoàn công tác liên ngành đến thăm một số DN để nắm thông tin tình hình sản xuất, động viên DN cũng như NLĐ.

Riêng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các DN trong khu công nghiệp gửi báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh; lương, thưởng Tết cho NLĐ; kế hoạch cắt, giảm số đông lao động trước khi triển khai thực hiện.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng cho biết, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo CĐ cấp trên cơ sở, CĐ cơ sở DN thường xuyên theo dõi tình hình, kịp thời báo cáo về LĐLĐ tỉnh tình hình CNLĐ, việc cắt giảm, chấm dứt hợp đồng lao động và phương án thực hiện của DN. Chỉ đạo CĐ cơ sở DN tham gia cùng với người sử dụng lao động tìm giải pháp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.

Hướng dẫn CĐ cơ sở DN đề xuất lãnh đạo DN xây dựng phương án trình cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt trước khi thực hiện. Tham gia góp ý phương án cắt, giảm lao động như giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo NLĐ được thụ hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật và của DN.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động NLĐ an tâm lao động, sản xuất, chia sẻ khó khăn với DN, cùng DN vượt qua khó khăn. Giới thiệu cho NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động tìm việc tại các DN đang tuyển dụng lao động.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, nhất là việc tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động... của NLĐ tại DN.

Tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị giảm hoặc mất việc làm dịp Tết Nguyên đán 2023. Đến thời điểm hiện nay, một số DN đã xây dựng phương án chăm lo cho NLĐ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và thỏa thuận với NLĐ để thực hiện.

THIÊN LÝ

.
.
.