Thứ Sáu, 09/12/2022, 10:03 (GMT+7)
.

Vai trò phụ nữ Tiền Giang trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang và Tổ chức NMA tiến hành ký kết thực hiện Dự án “Phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2018 - 2022 (gọi tắt là Dự án). Dự án được triển khai với hai hợp phần quan trọng gồm: Hợp phần “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2018 - 2025” đến cán bộ, hội viên, phụ nữ (HVPN) trên địa bàn tỉnh và hợp phần hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, góp phần giảm tình trạng lạm dụng rượu, bia và bạo hành trong gia đình.

5 năm qua, bằng sự nỗ lực, trách nhiệm, quyết tâm của Hội LHPN tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Tổ chức NMA thực hiện Dự án đã đạt được kết quả tích cực, ngày càng có nhiều HVPN khởi nghiệp thành công; đồng thời, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và bảo vệ môi trường.

ĐẨY MẠNH HỖ TRỢ HVPN KHỞI NGHIỆP

Dự án đã và đang được các cấp Hội LHPN trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện hiệu quả, với nhiều giải pháp, hoạt động đa dạng thiết thực như triển khai các hoạt động Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp, Hội thi Ý tưởng sáng tạo của chị em phụ nữ trong khởi sự kinh doanh; tập huấn bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực về kinh doanh cho phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp; vận động, hướng dẫn thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã do nữ làm chủ...

Trao Bằng khen của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Dự án giai đoạn 2018 - 2022.
Trao Bằng khen của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Dự án giai đoạn 2018 - 2022.

Tính đến nay, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút hàng ngàn lượt HVPN tham dự, đạt gần 90%, tăng gần 20% so với chỉ tiêu Dự án; có 180 doanh nghiệp nữ mới thành lập; hỗ trợ vốn vay cho 1.633 HVPN có nhu cầu khởi nghiệp, với số tiền trên 29 tỷ đồng. Hỗ trợ 300 triệu đồng thực hiện mô hình sinh kế cho 30 HVPN ở các huyện Tân Phú Đông, Tân Phước...

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, Trưởng Ban Quản lý Dự án Đặng Thị Ngọc Điệp cho biết: Ban Quản lý Dự án đã triển khai thực hiện Dự án đến các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh, đào tạo 33 giảng viên nguồn về khởi sự kinh doanh và bình đẳng giới; tổ chức 58 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực kinh doanh cho phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp và thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh với 1.174 học viên tham dự; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho HVPN về thích nghi với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt… được 743 cuộc tuyên truyền, thu hút 26.546 HVPN tham dự.

Đến năm 2022, qua thực hiện Dự án đã có 1.174/1.500 học viên tham gia tập huấn khởi sự kinh doanh và kỹ năng kinh doanh, trong đó có 99 chị em phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, với nhiều lĩnh vực như tạp hóa, trà sữa, shop hoa, ăn sáng, bán hàng online...

Bên cạnh đó, thông qua Hội thi Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp hằng năm đã lan tỏa, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng của phụ nữ, thu hút hàng trăm ý tưởng tham gia của nhiều chị em HVPN trên địa bàn tỉnh. Qua đó, có rất nhiều ý tưởng khả thi được Hội LHPN tỉnh vinh danh và khen thưởng tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp.

Với những kiến thức được truyền tải, sự trợ lực của các cấp Hội LHPN, nhiều chị em phụ nữ đã tự tin khởi nghiệp. Điều này được chị Võ Thị Hậu, xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè mạnh dạn khẳng định từ mô hình khởi nghiệp may gia công túi xách hơn 6 năm qua. Chị Hậu cho biết, lúc đầu với số tiền vợ chồng chị tích góp từ việc cho thuê ghe chở lúa 200 triệu đồng và qua sự giới thiệu của Hội LHPN xã Mỹ Hội, chị đã vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh 50 triệu đồng.

Chị Hậu, xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè  khởi nghiệp thành công với mô hình may gia công túi xách.
Chị Hậu, xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè khởi nghiệp thành công với mô hình may gia công túi xách.

Khi có vốn, chị Hậu lại tham gia lớp kỹ năng quản lý kinh doanh, giúp chị tự tin hơn trong khởi nghiệp và có được thành công với cơ sở may gia công túi xách với lượng hàng xuất mỗi tháng từ 250.000 đến 300.000 túi xách. Đến nay, cơ sở may gia công của chị Hậu có trên 70 công nhân làm việc ở các công đoạn với thu nhập từ 5 đến 9 triệu đồng/người/tháng; riêng với những người làm thời vụ, hay lãnh về nhà may gia công có mức thu nhập từ 1,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều phụ nữ đã ứng dụng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, kinh doanh, vào thực tế phát triển kinh tế gia đình và giúp nhiều chị em khác trên địa bàn có việc làm, thêm thu nhập. Điển hình như các chị Nguyễn Thị Ánh Hân, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo kinh doanh buôn bán thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/tháng; Nguyễn Thị Cẩm Hồng, phường 4, TX. Gò Công kinh doanh tinh dầu thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng; Nguyễn Thị Hạnh Nhi, TP. Mỹ Tho bán hủ tiếu tích lũy mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng...

XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Song song với thực hiện hợp phần "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", Dự án còn triển khai hợp phần hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, góp phần giảm tình trạng lạm dụng rượu, bia và bạo hành trong gia đình đạt kết quả khả quan trong 5 năm qua. Hiện toàn tỉnh có trên 200 Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình hạnh phúc”, với 5.685 thành viên.

Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình thông qua các hội thi.
Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình thông qua các hội thi.

Các CLB này luôn duy trì sinh hoạt lệ kỳ hằng tháng với nhiều nội dung lồng ghép như tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tổ chức các trò chơi, giao lưu văn nghệ…

Năm 2018, Dự án chọn các xã của huyện Tân Phước để thực hiện thí điểm sử dụng công cụ GALS (khuyến khích mọi người cùng tham gia) trong sinh hoạt CLB “Gia đình hạnh phúc” và mang lại nhiều hiệu quả, trở thành cầu nối để các gia đình chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề trong hôn nhân, gia đình, nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đến năm 2019, việc sử dụng công cụ GALS trong sinh hoạt CLB “Gia đình hạnh phúc” được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện Tân Phước. Rút kinh nghiệm từ triển khai thí điểm tại huyện Tân Phước, đến năm 2020, Dự án đã triển khai nhân rộng mô hình sử dụng công cụ GALS trong sinh hoạt “Gia đình hạnh phúc” tại TX. Gò Công và từ năm 2021 đến nay, triển khai nhân rộng tại 172 Hội LHPN cơ sở.

Bên cạnh đó, CLB “Gia đình hạnh phúc” còn có nhiều sáng kiến hay trong sinh hoạt, cụ thể Ban Chủ nhiệm lập nhóm Zalo sinh hoạt CLB nhằm nắm bắt nhu cầu kịp thời của các thành viên; tổ chức các hoạt động vui chơi kết hợp hội thi cho con các thành viên; hướng dẫn các cháu làm đồ chơi tái chế từ vật liệu phế thải cùng với các thành viên trong gia đình, góp phần hạn chế rác thải ra môi trường…

LÊ PHƯƠNG

.
.
.