Thứ Hai, 16/01/2023, 10:12 (GMT+7)
.

Huyện Gò Công Tây: Kinh tế - xã hội khởi sắc với nhiều điểm sáng

Với sự nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội (KT-XH) của huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang trong năm 2022 phục hồi nhanh, phát triển so cùng kỳ. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng cao, tạo những bước đi vững chắc sẵn sàng cho kế hoạch phát triển KT-XH của huyện trong năm 2023.

Nhiều công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn huyện được lãnh đạo huyện theo dõi đôn đốc đảm bảo tiến độ thi công.
Nhiều công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn huyện được lãnh đạo huyện theo dõi đôn đốc đảm bảo tiến độ thi công.

NHIỀU CHỈ TIÊU ĐẠT VÀ VƯỢT

Trong năm 2022, huyện Gò Công Tây đã nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch hành động của tỉnh, huyện; thực hiện Nghị quyết 01 ngày 8-1-2022, Nghị quyết 02 ngày 10-1-2022 của Chính phủ và các nghị quyết của HĐND tỉnh, huyện về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Song song đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch 37 ngày 14-2-2022 về phục hồi và phát triển KT-XH huyện Gò Công Tây trong 2 năm 2022 - 2023 gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ. Trong đó, huyện tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, phòng, chống dịch Covid-19, góp phần phục hồi, phát triển KT-XH...

Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả phát triển nông nghiệp bền vững gắn với đa dạng hóa các loại hình hợp tác; Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM); Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện”; Đề án Vùng sản xuất lúa, rau ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020 - 2025; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực các hợp tác xã; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân ổn định sản xuất; tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Kết quả, năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết trên các lĩnh vực đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch (KH) đề ra.

Điển hình như: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện năm 2022 đạt 2.662 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021; tổng giá trị sản xuất tăng 6,67%; cơ cấu kinh tế so với năm 2021, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 59,55% (giảm 1,97%); khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 17,97% (tăng 1,17%); khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 22,48% (tăng 0,8%).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện ước thực hiện năm 2022 là 139,157 tỷ đồng, đạt 186,79% so với dự toán tỉnh giao, dự toán HĐND huyện giao và bằng 162,06% so với cùng kỳ năm trước...

Nhiều nông dân trên địa bàn huyện nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã nâng cao thu nhập,  ổn định cuộc sống.
Nhiều nông dân trên địa bàn huyện nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trong năm 2022, toàn huyện phát triển mới 25 doanh nghiệp, đạt 125% KH, tăng 38,89% so với cùng kỳ; giải quyết việc làm cho 1.446 lao động, đạt 144,6% KH, tăng 44,6% so với cùng kỳ. Trong năm huyện giảm hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025) 1,12%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,7%. Theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025, huyện có 12/12 xã cơ bản duy trì đạt chuẩn NTM; trong đó, có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm xã Thạnh Nhựt, Long Vĩnh, Bình Nhì và Thành Công; xã Long Vĩnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; duy trì huyện đạt chuẩn NTM...

QUYẾT TÂM TRONG NĂM 2023

Huyện Gò Công Tây chỉ đạo điều hành thực hiện tập trung hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chỉ tiêu KT-XH, quốc phòng - an ninh và các chuyên đề thi đua năm 2023, tạo tiền đề để năm 2024 phấn đấu về đích huyện NTM nâng cao.

Theo UBND huyện, năm 2022, huyện đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định như: Sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở dạng manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo được nhiều vùng chuyên canh rộng lớn, việc liên kết theo chuỗi giá trị còn gặp nhiều khó khăn.

Các mô hình và dự án công nghệ cao trên địa bàn huyện chưa được nhiều. Một số nơi chưa quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển. Hạ tầng cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như điện, nước, cầu, đường… trong thời gian qua rất được quan tâm đầu tư nhưng đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; các tuyến đường giao thông chính chỉ mới được hình thành; giá đất của huyện ở mức cao, diện tích manh mún, nhỏ lẻ nên việc bồi thường, chuyển nhượng đất của người dân còn gặp nhiều khó khăn; các luật, nghị định, thông tư mới được ban hành, gặp khó khăn trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư do phải điều chỉnh cho phù hợp với các quy định hiện nay. Vì thế, công tác mời gọi đầu tư thiếu tính hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư.

Đến nay, huyện chưa hình thành được hạ tầng cụm công nghiệp mặc dù trên địa bàn huyện có quy hoạch 3 cụm công nghiệp (Long Bình, Đồng Sơn, Vĩnh Hựu), do đó chưa tạo được động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Ngoài ra, vị trí địa lý Gò Công Tây chỉ là điểm trung chuyển phục vụ du lịch giữa các địa phương khác trong vùng, không có điểm nhấn để phát triển du lịch, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch còn yếu, nên không thu hút được khách, không thu hút được đầu tư cho phát triển du lịch...

Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Thanh Bình cho biết, phát huy những thành tựu đạt được, năm 2023, huyện quyết tâm đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện về phát triển nông sản chủ lực, thu hút phát triển cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thúc đẩy kinh tế phát triển.

UBND huyện thường xuyên rà soát, đánh giá mức độ hoàn thành các tiêu chí NTM của từng xã, xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình; chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương lập hồ sơ, triển khai thi công các công trình xây dựng cơ bản năm 2023, tập trung ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng, tận dụng hiệu quả nguồn vốn được phân bổ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023.

Huyện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với sinh kế bền vững, hiệu quả kinh tế cho nông dân; tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án liên kết đầu vào - đầu ra cho nông sản; phát huy hơn nữa vai trò của các hợp tác xã, kết nối doanh nghiệp trong hỗ trợ đầu ra nông sản.

Cùng với đó là tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới công nghệ nâng cao năng suất lao động.

Đồng thời, tập trung xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư vào các dự án trên địa bàn huyện, nhất là các dự án có tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đô thị huyện Gò Công Tây đến năm 2025; xúc tiến công tác xây dựng thị trấn Vĩnh Bình đạt đô thị loại IV và đô thị loại V đối với Long Bình, Đồng Sơn.

Huyện tiếp tục thực hiện Đề án Quy hoạch giải phóng mặt bằng nghĩa địa thị trấn Vĩnh Bình và Đề án Quy hoạch chỉnh trang nghĩa trang nhân dân Long Bình...; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh; quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tích cực, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

HOÀI THU

.
.
.