Thứ Hai, 16/01/2023, 21:40 (GMT+7)
.

Khẩn trương hỗ trợ 1-3 triệu đồng/người bị giảm, mất việc làm

Theo văn bản vừa được Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam ký ngày 16-1, hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ được tổ chức công đoàn hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản với mức 1-3 triệu đồng/người (1 lần) để trang trải những khó khăn trước mắt.

a
Cán bộ LĐLĐ TP Quy Nhơn (Bình Định) trao quà tết của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Báo Lao Động

Ban Tuyên giáo (Tổng LĐLĐ Việt Nam) thông tin, ngày 16-1, Phó chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đã ký Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Cùng ngày 16-1, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh đã ký quyết định ban hành quy định thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Theo thông tin nêu trong nghị quyết của Công đoàn Việt Nam, từ tháng 9-2022 đến nay xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt, giảm đơn hàng, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động và gia đình họ.

Thực hiện Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16-12-2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

a
Cán bộ LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng trao quà tết cho công nhân khó khăn, mất việc làm trước Tết Quý Mão. Ảnh: Báo Lao Động

Theo nghị quyết, chính sách hỗ trợ dành cho 3 đối tượng là những đoàn viên công đoàn và người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30-9-2022.

Đối tượng thứ nhất là những lao động là đoàn viên công đoàn làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị giảm thời gian làm việc hàng ngày, giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng (trừ trường hợp giảm thời gian làm thêm giờ) hoặc bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023 mà có thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì được hỗ trợ một lần với mức 1.000.000 đồng/người.

Đối tượng thứ hai là những đoàn viên công đoàn có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên (trừ trường hợp người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương vì lý do cá nhân), tính từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1-1012022 đến hết ngày 31-3-2023 thì được hỗ trợ một lần với mức 2.000.000 đồng/người.

Đối tượng thứ ba là những lao động là đoàn viên công đoàn chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bị xử lý kỷ luật sa thải, thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hỗ trợ một lần với mức 3.000.000 đồng/người.

Nghị quyết của Công đoàn Việt Nam nêu thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31-3-2023. Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động chậm nhất trong ngày 30-5-2023.

“Với mỗi trường hợp, người lao động được chi trả hỗ trợ một lần bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản” - văn bản của Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu rõ. Kinh phí hỗ trợ đoàn viên, người lao động được chi từ nguồn tài chính của công đoàn cấp trên cơ sở.

Tại cuộc gặp mặt báo chí cuối năm tổ chức mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam thông tin: tính từ tháng 9-2022 đến hết ngày 8-1-2023 đã có 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động. Trong đó giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%, chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.

Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng) và chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TPHCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).

Theo sggp.org.vn
 






 

.
.
Liên kết hữu ích
tìm người chăm người già Cách tìm tìm việc chất lượng tại VietnamWorks
.