Thứ Hai, 20/02/2023, 09:50 (GMT+7)
.

Hiệu quả từ công tác phối hợp liên ngành

Năm 2022, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tiền Giang thực hiện chương trình, quy chế phối hợp liên ngành với nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động (NLĐ).

TRIỂN KHAI NHIỀU HOẠT ĐỘNG

Bám sát Chương trình phối hợp 15 ngày 5-11-2020 giữa LĐLĐ tỉnh và Sở LĐ-TB&XH giai đoạn 2020 - 2023; Quy chế phối hợp 1244 ngày 30-11-2020 giữa Sở LĐ-TB&XH và BHXH tỉnh; Quy chế phối hợp 1245 ngày 30-11-2020 giữa BHXH và LĐLĐ tỉnh, năm 2022, ba đơn vị đã phối hợp triển khai công tác đạt nhiều kết quả nổi bật.

LĐLĐ tỉnh tổ chức Đoàn công tác liên ngành có sự tham gia của Sở LĐ-TB&XH và BHXH tỉnh về giám sát và phản biện xã hội tại DN.
LĐLĐ tỉnh Tiền Giang tổ chức Đoàn công tác liên ngành có sự tham gia của Sở LĐ-TB&XH và BHXH tỉnh về giám sát và phản biện xã hội tại DN.

Thực hiện chương trình, quy chế phối hợp liên ngành, 3 đơn vị đã tổ chức 1 hội nghị phổ biến, triển khai các nội dung mới về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), việc làm, BHXH cho 82 cán bộ nguồn tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động của các sở, ban, ngành và 1 hội nghị đối thoại với sự tham dự của 279 người sử dụng lao động, NLĐ đang làm việc tại 150 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, phối hợp theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, tham gia BHXH đối với NLĐ, các chế độ, chính sách đối với công nhân, lao động tại 76 DN. Hướng dẫn các DN triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; qua đó, các Công đoàn cơ sở (CĐCS) DN chủ động phối hợp người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ, thương lượng ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) đúng theo quy định của pháp luật.

Kết quả, có 283/283 CĐCS DN đủ điều kiện tổ chức Hội nghị NLĐ, đạt 100%; 311/311 CĐCS DN, hợp tác xã tổ chức đối thoại định kỳ, thương lượng ký kết TƯLĐTT; trong đó, thương lượng ký mới 8 TƯLĐTT; 185/311 bản thỏa ước đạt loại B trở lên; 14 TƯLĐTT điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca; 100% bản TƯLĐTT có từ 3 nội dung trở lên có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật...

Vào dịp lễ, Tết Nguyên đán năm 2022, ba ngành đã phối hợp hướng dẫn các DN quan tâm thực hiện chế độ tiền lương, thưởng và hỗ trợ đời sống đối với NLĐ. Đặc biệt, xác định việc giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho NLĐ là một trong những nội dung công việc quan trọng mà LĐLĐ tỉnh cần tập trung phối hợp với BHXH tỉnh triển khai.

Kết quả trong năm 2022 tiếp tục thực hiện giải quyết hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 729 trường hợp, với số tiền 2,084 tỷ đồng.

Về chi trả các chế độ BHXH, trong năm thực hiện tiếp nhận giải quyết 238.550 lượt người hưởng các chế độ BHXH, trong đó hưởng hằng tháng 1.250 người; hưởng BHXH một lần 25.400 người; hưởng các chế độ ngắn hạn 212.800 lượt người, tăng 29,84% so với năm 2021.

Công tác giải quyết, chi trả chế độ BHTN cho NLĐ được thực hiện, kịp thời, đúng quy định, không có phản ánh, khiếu nại từ NLĐ. Trong năm đã chi trả trợ cấp qua ATM là 100% cho 25.200 hồ sơ tăng mới, tăng 18,86% so với năm 2021; hỗ trợ học nghề cho 55 người, tăng 26% so với năm 2021. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho 29.624 NLĐ với số tiền 39,889 tỷ đồng (gồm 25.952 NLĐ đang làm việc trong DN với 33,499 tỷ đồng; 3.672 NLĐ quay lại thị trường lao động với số tiền 6,39 tỷ đồng).

Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022, 3 đơn vị phối hợp tổ chức tập huấn về công tác ATVSLĐ - Phòng, chống cháy nổ cho 110 cán bộ Công đoàn các cấp, cán bộ làm công tác ATVSLĐ, an toàn vệ sinh viên và công nhân, viên chức, lao động. Phối hợp Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 và tổ chức Hội thi ATVSLĐ -
Phòng, chống cháy nổ tỉnh Tiền Giang lần thứ XXII năm 2022.

TĂNG CƯỜNG HƠN NỮA CÔNG TÁC PHỐI HỢP

Sự phối hợp giữa LĐLĐ với Sở LĐ-TB&XH và BHXH tỉnh đã mang lại nhiều kết quả thiết thực chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp triển khai thực hiện cũng gặp phải những khó khăn nhất định, đó là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, BHXH, BHTN, Công đoàn... có đổi mới nhưng số cuộc tuyên truyền còn hạn chế, nên vẫn còn NLĐ và người sử dụng lao động chưa tiếp cận trực tiếp pháp luật lao động, BHXH, BHTN, Công đoàn...

Tại các DN nhỏ và vừa không phối hợp tuyên truyền cho NLĐ, cũng như không chủ động nghiên cứu, tiếp cận các quy định để thực hiện đúng. Bên cạnh đó, tình hình chấp hành pháp luật lao động ở một số DN vẫn còn hạn chế, chưa khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện. Một số DN chưa thực hiện đúng quy định về trả lương ngừng việc, nợ tiền BHXH kéo dài làm ảnh hưởng đến việc chốt trả sổ BHXH cho NLĐ...

Để khắc phục những hạn chế trên, 3 ngành cần tăng cường phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến những nội dung liên quan về pháp luật lao động, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, Công đoàn… cho người sử dụng lao động và NLĐ tại các DN. Tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, BHXH, BHYT, BHTN, Công đoàn của các DN. Phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh về quan hệ lao động và các chế độ chính sách khác đối với NLĐ trong DN, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của NLĐ kịp thời...

Đại diện 3 đơn vị cho biết, năm 2023, ba ngành tích cực phối hợp với chính quyền và các sở, ngành liên quan, nhất là tham gia các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, các chế độ, chính sách đối với công nhân, viên chức, lao động; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; chủ động, kịp thời tham gia giải quyết tranh chấp lao động, góp phần ổn định an ninh trật tự.

Đồng thời, phối hợp nắm bắt tình hình, hỗ trợ các DN thực hiện đúng quy định pháp luật lao động về chế độ, chính sách lao động, tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong các DN; nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm lao động, giảm giờ làm. Hướng dẫn các DN chủ động nắm tình hình, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tranh chấp lao động, kịp thời giải quyết các vướng mắc của NLĐ, tránh để xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại DN và địa phương. Đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN...

Bằng sự quyết tâm cao của lãnh đạo cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ba ngành, tin rằng thời gian tới công tác phối hợp sẽ đạt được nhiều bước tiến mới, tiếp tục bảo vệ có hiệu quả quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ.

LÝ OANH

.
.
.