.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ

Cập nhật: 09:45, 13/03/2023 (GMT+7)

Ngày 11-3, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chủ trì tại điểm cầu Trung ương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang; cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.

TỶ LỆ CÁN BỘ NỮ CÒN KHOẢNG CÁCH SO VỚI CHỈ TIÊU ĐỀ RA

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, việc xây dựng và phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Quan điểm này được thể hiện sâu sắc và xuyên suốt trong các nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để cụ thể hóa chủ trương của Đảng nhằm tạo môi trường, điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, hiện nay các mục tiêu đề ra trong các nghị quyết, chỉ thị vẫn chưa đạt được.

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 19 Ủy viên là nữ, chiếm 9,5%; trong đó, có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 2 Ủy viên Ban Bí thư. Cấp tỉnh có 466/3.504 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, chiếm 13,3%; 17/155 Phó Bí thư; 6/63 Bí thư, chiếm 9,5% (nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 6,3%). Trong 35 tỉnh, thành có tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên, cao nhất là Tuyên Quang 29,2%, thấp nhất là Quảng Bình 6,1%. Quốc hội khóa XV có 151 nữ đại biểu Quốc hội, chiếm 30,26% (khóa XIII là 122, chiếm 24,4%; khóa XIV là 132, chiếm 26,72%)…

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, căn cứ vào Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và một số văn bản của Đảng, tỷ lệ cán bộ nữ ở nước ta hiện nay vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra, có sự tăng trưởng song tỷ lệ tăng chưa cao và thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ. Vẫn còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu. Vẫn còn cơ sở không có cấp ủy viên là nữ; có những địa phương chưa có nữ tham gia Ban Thường vụ cấp ủy, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND có nơi chưa đạt 20%...

 Tại Tiền Giang, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ. Đội ngũ cán bộ nữ có sự chuyển biến về số lượng và chất lượng. Qua Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ cơ sở có 652 cán bộ nữ/2.373 cấp ủy viên, chiếm 27,5% (tăng 5% so với nhiệm kỳ trước). Ban Thường vụ Đảng ủy cơ sở có 139 cán bộ nữ, 19 cán bộ nữ được bầu làm Bí thư Đảng ủy và 44 cán bộ nữ giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy; có 135 cơ sở (chiếm 78,5%, tăng 3,4% so với nhiệm kỳ trước) đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên.

Đối với cấp trên cơ sở, Ban Chấp hành Đảng bộ có 93 cán bộ nữ/423 ủy viên, chiếm 22% (tăng 2,9% so với nhiệm kỳ trước); Ban Thường vụ Đảng ủy có 21 cán bộ nữ/137 ủy viên, chiếm 15,3% (tăng 1,9% so với nhiệm kỳ trước); 11/11 huyện, thị, thành có cán bộ nữ tham gia cấp ủy, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 15% trở lên. 10/11 huyện, thị, thành có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 7/47 đồng chí là cán bộ nữ, chiếm 14,9% (tăng 0,95% so với nhiệm kỳ trước).

Nguyên nhân của vấn đề này, theo đồng chí Hà Thị Nga là do: Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế; chủ trương công tác cán bộ nữ chưa được quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc ngay từ khâu quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ. Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phụ nữ, cán bộ nữ chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Vai trò của tổ chức Hội LHPN các cấp trong tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ trong từng thời kỳ còn hạn chế. Một bộ phận phụ nữ chưa thực sự chủ động phấn đấu vươn lên...

QUAN TÂM PHÁT HIỆN, TẠO NGUỒN CÁN BỘ NỮ

Đồng chí Trương Thị Mai đã nêu 5 vấn đề cần quan tâm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị đối với việc thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và những mục tiêu, chương trình về bình đẳng giới. Đồng thời, bổ sung, thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sát với thực tiễn Việt Nam; có giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, hạn chế về: Chính sách, pháp luật, tính bền vững của kết quả đạt được, tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ nam và cán bộ nữ. Động viên đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới. Quan tâm phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ nữ trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; đảm bảo đạt được mục tiêu tỷ lệ nữ trong cấp ủy, cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, doanh nghiệp… Tăng cường sự tham gia tích cực của cán bộ nam trong thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ nữ.

Đồng chí Hà Thị Nga nhấn mạnh: Vấn đề này đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền phải nỗ lực, quan tâm hơn nữa cả trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, cũng như tìm ra các cơ chế, biện pháp thích hợp để phụ nữ được tham chính một cách công bằng, từ đó có thể được tham gia sâu hơn vào quá trình hoạch định và quyết định những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.