.

Phụ nữ Tiền Giang tự tin tỏa sáng

Cập nhật: 09:25, 08/03/2023 (GMT+7)

Cách đây 113 năm, ngày 8-3-1910, tại Hội nghị Phụ nữ do Quốc tế thứ hai (Quốc tế xã hội chủ nghĩa) tổ chức đã đề nghị chọn một Ngày Quốc tế Phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8-3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.

Thời gian qua, để khẳng định tầm quan trọng của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đã phát động và chỉ đạo các cấp Hội thực hiện hiệu quả cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Thực hiện cuộc vận động, hội viên phụ nữ (HVPN) tích cực tham gia hoạt động Hội tại cơ sở, nêu cao trách nhiệm trong công tác, thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế… từ đó, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình, xã hội, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

TỰ TIN KHỞI NGHIỆP

Đoạt giải trong Hội thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - kết nối thành công” của TX. Gò Công năm 2022, chị Phạm Vương Hải Yến (xã Bình Đông) đã thành công với ý tưởng khởi nghiệp của mình đó là sản xuất bánh mì và các loại bánh ngọt.

Chị Hải Yến chia sẻ: “Khi bước vào khởi nghiệp với nghề làm bánh bì, bánh ngọt, tôi nhận được nhiều sự đồng tình, đồng hành từ gia đình. Khoảng thời gian đầu, tôi phải cố gắng từng chút với mong muốn tạo ra được chiếc bánh thơm ngon, được khách hàng yêu thích. Đến với nghề làm bánh mì, bánh ngọt như cái duyên, do vậy, tôi đặt ra tiêu chí trong sản xuất, kinh doanh là tạo ra sản phẩm bánh ngon, đảm bảo chất lượng; giao bánh nhanh cho khách hàng và cố gắng chinh phục ngày càng nhiều khách hàng khó tính”.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng dự Ngày hội Khởi nghiệp năm 2023 tại TX. Gò Công.    	Ảnh: PHƯƠNG MAI
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng tham dự Ngày hội Khởi nghiệp năm 2023 tại TX. Gò Công. Ảnh: PHƯƠNG MAI

Ngoài ra, để thành công khi khởi nghiệp với nghề làm bánh, chị Yến luôn lắng nghe góp ý có chọn lọc để rút kinh nghiệm. Khi tự mình làm ra những chiếc bánh đem giao cho khách hàng và nhận được phản hồi tốt, bản thân chị Yến cảm thấy rất vui, góp phần tạo thêm động lực cho chị phát triển kinh doanh khởi nghiệp.

Từ đó, chị Hải Yến đã cùng các thành viên trong gia đình mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu “Bánh mì Ba Ron”; đầu tư máy nướng và các loại máy làm bánh bông lan cũng như bánh ngọt. Hiện tại, thực đơn bánh mì, bánh ngọt của chị Hải Yến tạo ra rất phong phú, ngoài các loại bánh bông lan phô mai, bông lan trứng muối, còn có bánh kem, bánh mì phô mai, bánh bông lan cuộn, bánh khóm, bánh crepe sầu riêng…

Cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” đã tác động nhiều mặt đến đời sống HVPN, giúp chị em từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, kinh doanh, năng động, sáng tạo trong tham gia các hoạt động xã hội. Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, HVPN sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Nhiều phụ nữ tự giác trau dồi kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan”.

CHỦ TỊCH HỘI LHPN TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ KIM PHƯỢNG

Dám nghĩ, dám làm, không chấp nhận bỏ cuộc, chị May Thị Thu Ba (ngụ ấp 2, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) đã làm thay đổi cuộc đời mình từ một cô thợ may trở thành bà chủ Cơ sở may Nhật Nam chuyên may đồng phục học sinh.

Chị Thu Ba chia sẻ: “Học xong phổ thông, tôi đi học may, rồi làm công nhân cho một xí nghiệp may ở khu công nghiệp gần 8 năm. Khi lập gia đình, tôi nghỉ làm công nhân, chỉ nhận hàng chợ về may tại nhà. Sau đó, tôi mua vải, tự thiết kế từ may đồng phục học sinh cho đến quần áo thời trang như áo sơ mi, áo kiểu… mang đi chào hàng ở các siêu thị, cửa hàng trong tỉnh. Từ đó, tôi ngày càng có nhiều khách hàng, nhất là những hợp đồng may đồng phục học sinh, cơ quan, hợp đồng gia công cho các thương hiệu ở các tỉnh lân cận”.

Khi có nhiều đơn hàng, chị Thu Ba quyết định thành lập Cơ sở may Nhật Nam để phát triển thương hiệu may mặc của riêng mình. Hơn 10 năm gầy dựng, đến nay Cơ sở may Nhật Nam đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hiện tại, Cơ sở may Nhật Nam của chị Thu Ba chủ yếu nhận may đồng phục học sinh. Chị Thu Ba cho biết: Các trường đưa mẫu, cơ sở sẽ tự chọn vải và cắt, may thành phẩm. Hằng năm, trung bình mỗi trường đặt may hàng ngàn bộ đồng phục học sinh”.

Ngoài nhận may đồng phục cho học sinh của các trường, Cơ sở may Nhật Nam còn tự thiết kế, may đồng phục học sinh, may áo kiểu, áo sơ mi nam, nữ… cho các cửa hàng, siêu thị. Để sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, chị Thu Ba tự thiết kế mẫu hoặc làm theo ý tưởng của khách hàng, đo lại theo thông số kỹ thuật và cắt, may thành phẩm. Hiện Cơ sở may Nhật Nam của chị Thu Ba giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 nhân công, chủ yếu là lao động trên địa bàn với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

CHIA SẺ YÊU THƯƠNG

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, câu nói của người xưa vẫn luôn đúng với các gia đình Việt. Phụ nữ dù ở tầng lớp nào thì vẫn luôn đóng vai trò chính trong việc “giữ lửa” hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, trong thời đại mới, người phụ nữ cần phải học hỏi thêm rất nhiều kỹ năng mềm để “xây tổ ấm”.

Nhắc đến gia đình chị Trần Nguyễn Thị Hồng (ấp Tân Hòa, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước), những người hàng xóm đều biết đến một gia đình hạnh phúc, làm kinh tế giỏi và nuôi dạy con tốt. Chị Hồng chia sẻ: “Đã gần 20 năm làm dâu, tôi luôn xem cha mẹ chồng như cha mẹ ruột của mình. Trong gia đình, có chuyện gì thì mọi người đều đưa ra bàn bạc, thống nhất với nhau. Đặc biệt là tôi may mắn có được người chồng hiểu, quan tâm tới gia đình, được cha mẹ chồng yêu thương, có 2 con ngoan ngoãn”.

Hội LHPN tỉnh tổ chức các hoạt động kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.
Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.

Được biết, thu nhập của gia đình chị Hồng chủ yếu là trồng khóm và làm mứt khóm. Dù trước đây nghèo khó, vất vả hay ngày nay đời sống khá giả, nhà ở khang trang nhưng anh Lê Văn Song (chồng chị Hồng) vẫn luôn chăm chỉ, cần cù, chịu khó. “Là người đàn ông trụ cột trong gia đình, tôi chia sẻ, gánh vác với vợ trong chuyện làm kinh tế. Chúng tôi thống nhất, bình đẳng với nhau về mọi công việc từ nuôi dạy con, chăm lo cha mẹ”, anh Song chia sẻ.

Vai trò quan trọng của phụ nữ ngày nay không chỉ trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, mà nhiều phụ nữ còn luôn hướng về cộng đồng, chia sẻ yêu thương với những hoàn cảnh khó khăn. Gần 20 năm qua, cô Nguyễn Thị Tiền (xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo) vẫn đều đặn giúp đỡ, san sẻ một phần gánh nặng cuộc sống với những mảnh đời khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, với số tiền làm từ thiện hằng năm hơn 50 triệu đồng.

Hiện nay, các cấp Hội LHPN tỉnh còn tập trung thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” bằng những hành động thiết thực, mang tính sáng tạo, đạt hiệu quả cao, thu hút nhiều HVPN tham gia. Đó là phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ môi trường, sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch vì sức khỏe gia đình và cộng đồng; thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững.

Các cấp Hội thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; vận động xây dựng các công trình góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh như xây cầu; hiến đất, nâng cấp các tuyến đường liên xóm; trồng cây xanh; bảo quản tuyến đường xanh - sạch - đẹp, thắp sáng đường giao thông nông thôn…

Với những phẩm chất cao quý của người phụ nữ, HVPN Tiền Giang luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua những thách thức, khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công trong công việc và cuộc sống, quyết tâm xây dựng lực lượng phụ nữ tỉnh nhà trong thời đại mới.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.