Thứ Tư, 08/03/2023, 09:46 (GMT+7)
.

Tấm chân tình của một doanh nhân, cán bộ hội

Nói đến doanh nhân Nguyễn Thị Ánh (gọi thân mật là chị Tư Ánh), Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền, giới doanh nghiệp thủy sản gần như ai cũng biết. Nhưng ít người biết chị Tư Ánh trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vào Đảng khi mới 17 tuổi; từng là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo công tác Hội và phong trào phụ nữ tỉnh.

TUỔI XUÂN TRONG KHÓI LỬA CHIẾN TRANH

Nay dù tuổi đã “cổ lai hy” nhưng khi chúng tôi muốn nghe chuyện về những năm tháng chiến tranh, những ngày đầu tham gia cách mạng, thì chị Tư Ánh như trẻ lại với sự sôi nổi của một thời thanh xuân đầy nhiệt huyết. Năm 1962 , chị tham gia hoạt động tại quê nhà xã Phú Quý, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy); đến ngày 20-4-1964 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1965, chị được phân công làm Xã đội trưởng xã Phú Quý, cũng giai đoạn này Xã đội phối hợp với Tiều đoàn 514 đánh thắng trận với Đại đội Bảo an Chi khu Cai Lậy.

Chị Tư Ánh và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (bên phải hàng đầu) trong một chuyến thăm Công ty.
Chị Tư Ánh và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (bên phải hàng đầu) trong một chuyến thăm Công ty.

Sau đó, tổ chức phân công chị Tư Ánh trở lại với công tác phụ nữ. Năm Mậu Thân 1968, gia đình chị có biến cố khi người anh trai hy sinh. Đến tháng 3-1968, chị được rút về phụ trách phụ nữ huyện Cai Lậy và cũng từ đây chị thoát ly theo kháng chiến. Cũng trong năm 1968, chị Tư Ánh lại được phân công về phụ nữ tỉnh Mỹ Tho đóng ở xã Hội Cư, huyện Cái Bè. Năm 1972, trong một chuyến công tác ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, chị bị địch bắt; sau gần 1 tháng giam giữ, khai thác không đủ chứng cứ nên địch buộc thả chị ra. Ngày 30-4-1975, chị tham gia tiếp quản thị trấn Cai Lậy trong Ban Quân quản huyện Cai Lậy.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả giai đoạn khó khăn của đất nước tiền đổi mới (1975 - 1986), chị Tư Ánh hoạt động trong phong trào phụ nữ tỉnh Tiền Giang với trọng trách là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Đây là giai đoạn khó khăn nhưng cũng lắm tự hào của các hoạt động đoàn thể, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, đã đóng góp nhiều công sức vào việc xây dựng lại đất nước với muôn vàn khó khăn thời hậu chiến.

THAY ĐỔI ĐỊNH KIẾN GIỚI

Tháng 6-1986, chị Tư Ánh được tỉnh phân công về Xí nghiệp Liên hiệp xuất nhập khẩu thủy sản Tiền Giang với chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh. Đây có thể xem là bước ngoặt lớn của chị trong quá trình công tác, hoạt động cách mạng. Bởi từ một cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ lãnh đạo phong trào phụ nữ, giờ chuyển sang phụ trách kinh doanh với một lĩnh vực khá mới mẻ, thật sự là một thử thách lớn. Thời điểm này, những định kiến về giới vẫn còn, nên nhiều người không tin chị sẽ thích ứng với công việc, hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, với đức tính chịu thương, chịu khó của người phụ nữ, cùng tố chất sẵn có và sự cần cù học hỏi, với tinh thần tiến công không chịu lùi bước trước khó khăn của người Cộng sản, chị Tư Ánh đã cùng lãnh đạo Ban Giám đốc lúc bấy giờ đưa hoạt động của Xí nghiệp từng bước đi vào nền nếp; khởi đầu cho việc mở cửa làm kinh tế của tỉnh giai đoạn đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Từ việc chỉ sản xuất tiêu thụ nội địa, thì đến năm 1987 lô hàng thủy sản (tôm càng) đầu tiên của tỉnh đã xuất khẩu sang Singapore. Chị Tư Ánh cũng tham mưu đề xuất và cùng ban giám đốc sắp xếp lại bộ máy quản lý, giải thể một số xí nghiệp thành viên hoạt động không hiệu quả; thực hiện chính sách khoán lương theo sản phẩm cho công nhân…

Tất cả đã góp phần cho Xí nghiệp hoạt động nền nếp, hiệu quả hơn. Có thể nói, với bản lĩnh của người Cộng sản được trui rèn trong kháng chiến, cùng sự quyết đoán trong công việc, chị Tư Ánh đã góp phần thay đổi cách nhìn về người phụ nữ, xóa bỏ định kiến về giới trong làm kinh tế và cho thấy nếu quyết tâm thì mọi chuyện đều có thể thực hiện thành công.

Điều này, một lần nữa được khẳng định khi năm 1993 sau khi nghỉ hưu, với vốn liếng ít ỏi 6 chỉ vàng, chị Tư Ánh vẫn quyết tâm khởi nghiệp và bắt đầu từ con nghêu. Lúc đầu thuê mặt bằng làm dã chiến với vài chục lao động, đến năm 1994, chị quyết định lập Công ty Cổ phần Thủy sản Sông Tiền, xây dựng nhà máy tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành và xin được giấy phép xuất khẩu, đưa con nghêu Tiền Giang lần đầu tiên trong cả nước sang châu Âu, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân vùng nuôi nghêu khu vực biển Tân Thành.

Sau đó, công ty của chị tiếp tục hợp tác với công ty Nhật Bản sản xuất nước nghêu cô đặc xuất sang Nhật và tiếp đến là các nước châu Âu, mở ra tiền đề cho Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền hoạt động ngày một lớn mạnh, với nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang các nước. Có thể thấy rằng, quy mô của Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền không phải là quá lớn nhưng lại chính là công ty tư nhân tiên phong trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là với mặt hàng nghêu và cá basa, tạo tiền đề cho việc hình thành Khu công nghiệp Mỹ Tho và các doanh nghiệp vệ tinh khu vực ven sông Tiền.

Quyết đoán, bản lĩnh trong công việc, chân tình chia sẻ trong cuộc sống, đó là đức tính của người phụ nữ thời hiện đại mà chúng tôi thấy được ở chị Tư Ánh. Chị tâm sự: Kinh doanh phải có chữ tín và cuộc sống thì cần chữ tình, nên tâm niệm làm ăn hiệu quả để gắn kết, chia sẻ với cộng đồng, góp chút cho xã hội, đặc biệt là chia sẻ với nhà nước trong công tác an sinh xã hội với trách nhiệm của một công dân, một đảng viên. Và chị Tư Ánh đã thực hiện đúng với tâm niệm ấy, những năm qua, chị đã dành một phần lợi nhuận từ hoạt động của công ty để thực hiện các chính sách an sinh như trao tặng 156 căn nhà, gần 3.000 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo trong tỉnh, cùng nhiều hoạt động từ thiện khác với hơn 10 tỷ đồng cho công tác xã hội.

Đặc biệt vào những dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10), cuối năm, chị Tư Ánh đều tổ chức họp mặt để tri ân các lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang qua các thời kỳ.

Đó là tấm chân tình của một người Cộng sản, một cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ, một doanh nhân luôn hết lòng với quê hương, đất nước.

THẢO VI 

.
.
.