Tiền Giang: Để công tác gia đình đi vào chiều sâu, hiệu quả
Thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện sâu rộng. Trong đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã chú trọng phối hợp Mặt trận, các đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động nâng cao ý thức người dân trong xây dựng gia đình văn hóa, xã hội văn minh...
Đảng, Nhà nước xác định, gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội, là một trong những yếu tố cơ bản quyết định đến sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước. Để công tác gia đình đi vào chiều sâu, hiệu quả, với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, công tác gia đình và dân số” tỉnh (gọi tắt Ban Chỉ đạo tỉnh), thời gian qua, Sở VHTT&DL đã tham mưu lãnh đạo tỉnh nhiều văn bản, kế hoạch tổ chức thực hiện công tác gia đình.
Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT&DL Tiền Giang) Nguyễn Minh Phúc cho biết: Năm 2022, Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở đều xây dựng kế hoạch lồng ghép vào nhiệm vụ chung của ngành, đơn vị phụ trách tổ chức phát động và vận động gia đình đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, ấp - khu phố văn hóa; đồng thời, duy trì hoạt động các mô hình như: Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc bền vững”; Đội Phòng, chống bạo lực gia đình; Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… do các ngành, đoàn thể xây dựng và duy trì sinh hoạt, tuyên truyền, vận động tại cơ sở góp phần nâng cao nhận thức nhân dân và cộng đồng trong xây dựng gia đình hạnh phúc, ngăn chặn các tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình. Thông qua các mô hình đã kịp thời phát hiện, xử lý, can thiệp, hòa giải các vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong gia đình.
Sở VHTT&DL đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc thông qua các buổi họp mặt, liên hoan. |
Bên cạnh đó, hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình theo chủ đề hằng năm, Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cấp cơ sở tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, cụ thể Sở VHTT&DL tổ chức họp mặt, Hội thi Nấu ăn với chủ đề “Bữa cơm sum họp gia đình” tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh với nhiều gia đình tham gia; đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh xây dựng 12 băng rôn treo ở các trục lộ chính trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, Báo Ấp Bắc đưa tin, bài tuyên truyền, giới thiệu các gia đình tiêu biểu trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc…
Ngoài ra, Sở VHTT&DL hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy tổ chức, hướng dẫn các cơ quan có liên quan cấp huyện, cấp xã tập trung thực hiện các hoạt động truyền thông về nội dung và tình hình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn. Từ đó nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc.
Đối với cấp huyện, Ban Chỉ đạo cấp huyện và 172/172 xã, phường, thị trấn tham mưu UBND cùng cấp tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như họp mặt, tọa đàm, hội thi văn nghệ, thi nấu ăn…; tuyên truyền cổ động trực quan trên các tuyến đường, khu trung tâm, trường học, điểm sinh hoạt công cộng, trên sóng Đài Truyền thanh huyện và xã về gương người tốt, việc tốt, các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình. Qua đó, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa ở các địa phương trong tỉnh không ngừng được nâng lên qua từng năm, cụ thể năm 2022, trung bình các địa phương đạt 95% hộ gia đình văn hóa…
Theo Sở VHTT&DL, thời gian tới, việc giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, giá trị gia đình sẽ không ngừng được đẩy mạnh đi vào chiều sâu. Từ đó, xây dựng nhân cách đạo đức, lối sống văn minh cho thế hệ trẻ thông qua sự phối hợp giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc còn nhằm tạo môi trường an toàn cho trẻ em; chú trọng tổ chức thực hành các hành vi văn hóa lành mạnh, ứng xử chuẩn mực trong gia đình nhằm tạo sự gắn kết, trao truyền và phát huy giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp. Xây dựng các mô hình gia đình kiểu mẫu “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; tập trung vai trò nêu gương của ông bà, cha mẹ cho con cháu; biểu dương, khen thưởng những tấm gương gia đình hạnh phúc; đồng thời, phê phán, lên án, đấu tranh với những hành vi lệch chuẩn tạo dư luận tiêu cực, tác động xấu tới cộng đồng. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc và động lực cho sự phát triển bền vững.
GIA TUỆ