Thứ Sáu, 31/03/2023, 09:55 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Đồng hành, tạo đà phát triển cho thanh niên

Sáng 29-3, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh đã có buổi đối thoại với thanh niên, với mong muốn được lắng nghe những chia sẻ, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, tâm tư và nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) về vấn đề khởi nghiệp. Từ cơ sở đó, tỉnh có những chủ trương, chính sách, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để thanh niên khởi nghiệp.

HỖ TRỢ THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông sản Thành Tâm, Phó Bí thư Xã đoàn Long Thuận (TX. Gò Công) Phan Minh Tuấn đặt vấn đề, hiện nay đa phần ĐVTN đang thiếu những kỹ năng, kiến thức về khởi sự kinh doanh, gặp khó khăn về nguồn vốn, đầu ra của sản phẩm khi bắt đầu khởi nghiệp. Yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh thông tin những định hướng, giải pháp trong thời gian tới để ĐVTN tiếp cận những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là vốn, đầu ra của sản phẩm, tập huấn kỹ năng kinh doanh cho ĐVTN.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đối thoại với thanh niên. Phó Bí thư Xã đoàn Long Thuận (TX. Gò Công) Phan Minh Tuấn đặt vấn đề  tại buổi đối thoại.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đối thoại với thanh niên.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng và ban hành các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp như: Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025; kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025; Đề án Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Theo đó, các kế hoạch, đề án đều tập trung hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của thanh niên, cụ thể hỗ trợ tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối mạng lưới khởi nghiệp, hội thảo gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm từ những thanh niên khởi nghiệp thành công…

Về chính sách hỗ trợ, hiện tỉnh có Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đã hỗ trợ khởi nghiệp cho 21 dự án của thanh niên, với số tiền khoảng 970 triệu đồng và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động thanh niên khởi nghiệp trong thời gian tới.

Đối với Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đã hỗ trợ 29 tỷ đồng vốn vay cho khoảng 1.600 hội viên phụ nữ. Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ dành cho các đối tượng doanh nghiệp thực hiện dự án đổi mới công nghệ, ứng dụng máy mốc tiên tiến vào sản xuất.

Đối với tìm đầu ra cho sản phẩm, UBND tỉnh đã thường xuyên tạo điều kiện cho ĐVTN khởi nghiệp tham gia trưng bày các sản phẩm mới tại Ngày hội Khởi nghiệp và các cuộc triển lãm sản phẩm khởi nghiệp của nhân dân. Dự kiến trong năm 2023, tỉnh sẽ tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

TẬP TRUNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ

Bí thư Đoàn phường 4 (TX. Cai Lậy) Nguyễn Thanh An đặt vấn về, hiện nay, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn còn là vấn đề đáng quan ngại trong thị trường lao động tỉnh Tiền Giang. Vậy tỉnh có giải pháp gì để thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đặc biệt là vấn đề đào tạo theo đơn hàng để gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên.

Phó Bí thư Xã đoàn Long Thuận (TX. Gò Công) Phan Minh Tuấn đặt vấn đề tại buổi đối thoại.
Phó Bí thư Xã đoàn Long Thuận (TX. Gò Công) Phan Minh Tuấn đặt vấn đề tại buổi đối thoại.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, chỉ tiêu tối thiểu mà Tiền Giang phải đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025 đối với hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp dưới 3 tháng là 20.000 chỉ tiêu; đào tạo nghề trình độ cao đẳng là 7.500 chỉ tiêu và 14.700 chỉ tiêu trình độ nghề trung cấp. Theo đó, hằng năm, tỉnh sẽ đưa ra kế hoạch để thực hiện chỉ tiêu đào tạo cho từng năm. Cụ thể, trong năm 2023, đề ra chỉ tiêu đào tạo trình độ sơ cấp dưới 3 tháng 8.700 chỉ tiêu (trong đó hỗ trợ đào tạo 4.000 chỉ tiêu), trình độ trung cấp 1.820 chỉ tiêu và trình độ cao đẳng 970 chỉ tiêu.

Hiện nay, việc đào tạo nghề có tính cạnh tranh quyết liệt giữa các cơ sở đào tạo, bởi lẽ người lao động đang có xu hướng tập trung học nghề tại các nơi đào tạo chất lượng, nên việc đào tạo tại các trường như hằng năm đang gặp phải khó khăn.

Để thu hút người lao động theo học tại các cơ sở đào tạo thì trước hết phải tăng cường công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, tổ chức các chương trình ngày hội tư vấn, hội nghị tuyển sinh, thực hiện công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu các mô hình khởi nghiệp thành công; thông tin nhu cầu thị trường lao động cho phụ huynh, học sinh nắm được nhu cầu thị trường để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, nhằm có chương trình đào tạo phù hợp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó đảm bảo được nguồn đầu ra có việc làm ổn định cho người học.

GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN

Tại buổi đối thoại, các ĐVTN còn có những thắc mắc tìm hiểu về chế độ, chính sách ưu đãi mà tỉnh đang áp dụng để đẩy mạnh hoạt động hợp tác lao động ở nước ngoài. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng chí nhấn mạnh, chủ trương xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một chủ trương tốt giúp phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cao và nâng cao tay nghề.

Những năm gần đây, lao động Tiền Giang có xu hướng đi XKLĐ nước ngoài tăng cao, cụ thể năm 2018 XKLĐ đạt 310/150 chỉ tiêu, vượt so với kế hoạch chỉ tiêu đề ra; năm 2019 tiếp tục vượt chỉ tiêu đề ra với số lượng XKLĐ đạt 349 chỉ tiêu; đến năm 2022 vượt chỉ tiêu với số lượng XKLĐ đạt 439/200 chỉ tiêu.

Hiện nay, Tiền Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy hiệu quả XKLĐ, cụ thể Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 04 (năm 2018) về đẩy mạnh công tác đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 06 (năm 2018) về chính sách được vay vốn từ nguồn ngân sách địa phương để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; UBND tỉnh ban hành Quyết định 21 (năm 2018) và Quyết định 13 (năm 2020) quy định về cho vay đi lập nghiệp ở nước ngoài từ nguồn vốn của địa phương được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Tiền Giang có các chế độ ưu đãi đối với người lao động đi XKLĐ như: Hỗ trợ vay vốn 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, với hình thức vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải ngân; đối với người lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất là thân nhân người có công với cách mạng có thể được hỗ trợ hoặc không hoàn lại các chi phí khám sức khỏe và hộ chiếu…

Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối triển khai tất cả hoạt động có liên quan đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và Sở đã liên kết với trên 20 doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia tuyển chọn lao động đi XKLĐ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn tìm kiếm thị trường lao động nước ngoài phù hợp, tạo thu nhập tốt cho người lao động và đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho người lao động khi làm việc ở nước ngoài.

LÊ MINH

 

.
.
.