Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Trong mọi tiến trình cách mạng của đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện chính sách nhất quán và không ngừng nỗ lực bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Giáo dân thuộc Chi hội Ea Hiu của Hội thánh Tin lành tại Đắk Lắk hát thánh ca. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thể chế bằng các chủ trương, chính sách pháp luật
Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, các tôn giáo cùng tồn tại trong lòng dân tộc và bình đẳng trước pháp luật. Đến năm 2021, nhà nước ta đã công nhận 43 tổ chức tôn giáo, khoảng 27 triệu tín đồ chiếm 27% dân số cả nước.
Từ khi Đảng ta lãnh đạo cách mạng đã luôn thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước, đã ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo để xây dựng và phát triển đất nước.
Hơn 70 năm qua thực hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Việt Nam đã chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngay sau khi nước nhà độc lập, ngày 03/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Bác đề nghị Chính phủ tuyên bố “tín ngưỡng, tự do và lương-giáo đoàn kết”.
Quan điểm tư tưởng đó được Đảng, Nhà nước ta thể chế bằng các văn bản pháp luật, để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ và bảo đảm ngay trên thực tế, như Sắc lệnh số 234/SL, ngày 14/6/1955 gồm 5 chương, 16 điều, quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo và tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo như nhà thờ, chùa, thánh thất, trường giáo lý... Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…”.
Trong tiến trình cách mạng của đất nước, để khẳng định chính sách nhất quán, những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, được khẳng định trên nguyên tắc Hiến định tại các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980,1992 đến Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, tiệm cận luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, năm 1966 (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia thành viên, nhằm bảo đảm cho mọi người được thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng tốt hơn trên thực tế bằng các văn bản pháp luật như: Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH 11 “Quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo”; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, ngày 01/3/2005 “Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ Về nhà đất liên quan đến tôn giáo.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân…
Đại lễ Phật đản VESAK 2019. (Nguồn: TTXVN) |
Chưa bao giờ các tôn giáo, tín ngưỡng có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay
Với sự nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tình hình đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phong phú, đa dạng, số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng. Qua thống kê cho thấy, năm 2003 cả nước có 6 tôn giáo 15 tổ chức, với 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự, 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc.
Năm 2022, chính quyền đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 27,2 triệu tín đồ, trên 53 nghìn chức sắc, khoảng 148 nghìn chức việc, số lượng chức sắc, chức việc trong tổ chức tôn giáo có vai trò quan trọng trong tổ chức Giáo hội, là người thụ hưởng chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên 29.718 cơ sở thờ tự…
Bên cạnh đó, hàng năm có trên 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia; các tổ chức, cá nhân tôn giáo được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện xã hội, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, các tổ chức tôn giáo có trên 500 cơ sở khám chữa bệnh, trên 800 cơ sở bảo trợ xã hội, với 300 trường mầm non... từ năm 2018-2021 đã cấp phép xuất bản 2.027 ấn phẩm với 7.006.240 bản in, trong đó có nhiều xuất bản phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp tiếng dân tộc và có 25 tờ báo, tạp chí của các tôn giáo đang hoạt động.
Trong 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm hécta đất để xây dựng cơ sở thờ tự như: Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500m2 đất cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện thánh kinh thần học; tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng; tỉnh Quảng trị giao thêm 15 ha cho Giáo xứ La Vang… Năm 2022 chính quyền các cấp đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 486, tăng 60 cơ sở thờ tự tôn giáo so với năm 2021; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho183 điểm nhóm; cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm, với 684.250 bản in.
Có thể nói, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, chức sắc, chức việc, tín đồ ngày càng đông, cơ sở thờ tự ngày càng khang trang, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được công khai theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tăng cường giao lưu, học tập, trao đổi các đoàn với các tổ chức tôn giáo trên thế giới, từ năm 2011 đến nay, đã có khoảng gần 2.000 lượt cá nhân tôn giáo xuất cảnh tham gia khóa đào tạo ở nước ngoài, tham dự hội thảo, hội nghị quốc tế liên quan đến tôn giáo, gần 500 đoàn nước ngoài, với hơn 3.000 lượt người vào Việt Nam để trao đổi, giao lưu hướng dẫn tại cơ sở thờ tự tại Việt Nam.
Tham dự các sự kiện tôn giáo do các tổ chức tôn giáo Việt Nam tổ chức như Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK, với trên 1.000 đại biểu quốc tế đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ hàng vạn quần chúng nhân dân tham dự; Lễ hội của Công giáo, Tin lành như Đại hội đồng Giám mục Á châu; Lễ 100 năm Tin Lành đến Việt Nam; với Liên minh châu Âu (EU) phối hợp tổ chức hội thảo: Tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ”, Đối thoại “Liên tín ngưỡng ASEM lần thứ VI”...
Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ
Theo Baoquocte.vn