Thứ Sáu, 21/04/2023, 09:13 (GMT+7)
.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ và góc nhìn về tự do, dân chủ tại Việt Nam

Từ ngày 14 đến 16/4/2023, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã tới thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Antony Blinken trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực nhờ nền tảng quan hệ đã được hai bên gây dựng, vun đắp trong 28 năm qua. Chuyến thăm cũng có ý nghĩa đặc biệt khi 2023 là năm kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước (2013-2023).

b

Ngoại trưởng Anthony Blinken đi bộ dọc ngõ Tràng Tiền, vào quán cơm Tay Cầm - gà Xối Mỡ dùng bữa tối.

Sau một ngày với lịch trình hoạt động dày đặc tại Hà Nội, chiều tối 15/4, trong tiết trời mát, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đi dạo ở phố cổ, nghe nhạc jazz và ăn tối trên phố Tràng Tiền. Ông Antony Blinken đã có phút thảnh thơi khi ghé vào quán nhạc jazz Bình Minh ở số 1 Tràng Tiền, cùng thưởng thức âm nhạc với nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh.

Điều thú vị trong buổi tối hôm đó là một bản nhạc Happy Birthday vang lên trong câu lạc bộ sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken bước vào bởi ngày hôm sau 16/4 là sinh nhật lần thứ 61 của Ngoại trưởng (ông sinh ngày 16/4/1962). Các quan chức và nghệ sĩ, khách mời trong quán đã nâng ly chúc mừng Ngoại trưởng Antony Blinken. Sau đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cùng đoàn xuống xe đi bộ dọc ngõ Tràng Tiền, vào quán cơm Tay Cầm - gà Xối Mỡ dùng bữa tối.

Việt Nam - đất nước của sự thân thiện, mến khách và bình yên

Hình ảnh nguyên thủ quốc gia hay chính khách các nước bình dị đi dạo, ăn uống những món bình dân trên những con đường, tuyến phố ở Việt Nam không còn xa lạ. Trước đó, chiều 22/10/2022, sau khi kết thúc các chương trình làm việc, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc António Guterres đã đi dạo, gặp gỡ người dân tại Hồ Gươm và tham quan đền Ngọc Sơn.

Hay tối 13/11/2022, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm đền Ngọc Sơn, đi dạo trên phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm, Hà Nội. Sáng 10/11/2017, trước khi bắt đầu một ngày làm việc bận rộn với các cuộc họp của Tuần lễ các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC, Thủ tướng Úc - ngài Malcolm Turnbull đã cùng đầu bếp nổi tiếng người Úc gốc Việt Luke Nguyen ăn sáng với món bánh mì tại một cửa hàng vỉa hè Đà Nẵng.

Năm 2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng có những trải nghiệm thú vị nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ông Obama đã đi ăn bún chả cùng đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain tại quán Hương Liên, một quán ăn bình dân gia truyền trên phố Lê Văn Hưu (Hà Nội). Mọi người sẽ hơi ngạc nhiên khi ông Obama đã chọn bún chả thay vì phở (món ẩm thực Việt được quốc tế biết đến rộng rãi nhất). Và chắc hẳn món bún chả rất hợp khẩu vị của người đứng đầu Nhà Trắng khi ông ăn liền 2 suất.

Việc Tổng thống Hoa Kỳ đi ăn món ăn bình dân ở Việt Nam không phải là hiếm bởi vào năm 2000, cả gia đình Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có chuyến thăm Việt Nam và trải nghiệm ẩm thực tại TP Hồ Chí Minh. Quán mà gia đình ông Clinton chọn không phải một nhà hàng sang chảnh hay đẳng cấp 5 sao mà lại là quán phở bình dân nằm ngay sát chợ Bến Thành. Đó là tiệm Phở 2000. Sau chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam năm 2000, hình ảnh một Việt Nam hòa bình và thân thiện tiếp đón Tổng thống Mỹ được cả thế giới biết tới, giúp quan hệ Việt - Mỹ xích lại gần nhau hơn sau quá khứ đau buồn của chiến tranh. Hình ảnh ông Bill Clinton dạo quanh Bờ Hồ, bắt tay, vẫy chào người dân Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006 với tư cách nhà quản lý của Tổ chức Sáng kiến chống AIDS toàn cầu cũng để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp…

Nếu một quốc gia mất tự do, dân chủ, nhân quyền, an ninh bất ổn thì nguyên thủ, chính khách quốc tế có được tự do đi lại, tận hưởng sự thanh bình bên cốc trà đá hay ly cà phê, bình dị với món phở hay bún chả trên phố? Một đất nước mất nhân quyền thì nguyên thủ các quốc gia trên thế giới có thể tự do đi lại tham quan danh lam, thắng cảnh, trải nghiệm ẩm thực trong sự mến khách của người dân mà không phải lo về hành động mất an toàn có thể diễn ra?

Góc nhìn về một Việt Nam tự do, dân chủ, mến khách

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em mang những đặc điểm văn hóa đa dạng bản sắc, trong đó dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ lớn nhất, cư trú phân tán và xen kẽ nhau. Bảo vệ và thúc đẩy phát triển bình đẳng dân tộc, phát triển quyền con người là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ, thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật. Bất cứ ai vi phạm pháp luật đều phải bị chế tài tương ứng. Nhà nước nỗ lực để bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền của mỗi người dân trong một xã hội an toàn, trật tự và công bằng. Không ai bị bắt giữ, xét xử vì thực hiện các quyền con người một cách chính đáng.

Vấn đề dân chủ, nhân quyền được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp đúng đắn, phù hợp và đạt được nhiều kết quả thiết thực, không thể phủ nhận. Tôn trọng, thực thi, bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tuy Ngày Nhân quyền thế giới bắt đầu có từ 10/12/1948 nhưng quyền con người, quyền công dân của người dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được hiến định tại Hiến pháp 1946 và tiếp tục được bổ sung rõ ràng hơn, đầy đủ hơn tại các Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và nhất là tại Hiến pháp 2013. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng, chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức…

Việc Việt Nam trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ thứ 2 (2023- 2025) và với những đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới là minh chứng về vị thế, uy tín của Việt Nam, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Những đóng góp cho nhân quyền thế giới của Việt Nam đã và đang được quốc tế có những đánh giá cao, là những thành tựu không thể phủ nhận, góp phần khẳng định tiếng nói về quyền con người của Việt Nam với thế giới. Những kết quả, thành tựu to lớn trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đạt được là minh chứng sinh động cho thấy quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là đúng đắn, là vì quyền con người.

Những thành tựu Việt Nam đạt được thể hiện rõ trên các lĩnh vực như trong xây dựng hệ thống pháp luật, triển khai thực thi quyền con người; tham gia ký các công ước quốc tế, điều ước quốc tế về quyền con người và cam kết thực hiện, coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước. Việt Nam hoàn thành trước hầu hết các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và đang tích cực triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), nhất là đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền (với chu kỳ III, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm 82,6% các khuyến nghị đã chấp thuận). Cùng với đó, việc khởi động tiến trình Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV là thêm một minh chứng cho thấy không phải Việt Nam “sợ nhân quyền”, “không thực thi nhân quyền” như các luận điệu xuyên tạc mà là luôn chú trọng đảm bảo nhân quyền, quyền công dân cho người dân. Ngày 3/4/2023 (giờ địa phương), tại trụ sở Văn phòng Liên Hiệp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ), Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố cùng Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo.

Chuyến thăm tốt đẹp của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã một lần nữa khẳng định về một Việt Nam yên bình, thân thiện và mến khách. Những giá trị và truyền thống tốt đẹp, sự hiếu khách cùng những trải nghiệm thanh bình, ấm cúng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong cảm nhận của Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng như các chính khách từng đến Việt Nam. Điều đó đã và đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế, đồng thời bác bỏ những luận điệu của các thế lực xấu vu cáo Việt Nam không có tự do, dân chủ, nhân quyền…

Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân

.
.
.