Thứ Ba, 16/05/2023, 20:12 (GMT+7)
.

Nâng cao công tác trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ

(ABO) Ngày 16-5, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang tổ chức Tọa đàm "Hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật" trên địa bàn tỉnh. 
 

Quang cảnh buổi tọa đàm.

 
Thời gian qua, thực hiện chức năng nhiệm vụ của Hội và với vai trò là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, Hội phụ nữ các cấp rất quan tâm phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, phụ nữ, nhất là hội viên, phụ nữ nông thôn, đối tượng yếu thế.
 
Bằng nhiều hình thức đa dạng, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý 40 cuộc, có trên 1.000 lượt hội viên, phụ nữ và người dân tham dự. Riêng Hội phụ nữ các cấp tư vấn và trợ giúp pháp lý trực tiếp cho 237 chị em phụ nữ liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, đề nghị Trung tâm Trợ giúp pháp lý 219 vụ việc bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho đối tượng là phụ nữ.
 

Đại biểu phát biểu tại buổi tọa đàm.

 
Tại buổi tọa đàm, đại biểu còn nghe các tham luận đánh giá, chia sẻ về những kinh nghiệm thực tế trong công tác tuyên truyền, trợ giúp pháp lý; những khó khăn trong thực hiện. Thực tế cho thấy, qua tuyên truyền nhận thức của hội viên, phụ nữ và người dân nâng lên rõ rệt, nhất là phát huy đạt hiệu quả cao qua nhiều mô hình hoạt động, như Văn phòng Trợ giúp pháp lý; các câu lạc bộ: Tuyên truyền pháp luật, Gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình, "Địa chỉ tin cậy cộng đồng"… Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện cũng được các đại biểu thẳng thắn chia sẻ và đề ra những giải pháp gắn liền với thực tế từng địa phương.
 
 
Thông qua tọa đàm, nhằm giúp cho các cấp Hội phụ nữ có cái nhìn thấu đáo, bao quát hơn trong công tác thực hiện. Đáng chú ý là nâng cao hơn nữa vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội, ngành Tư pháp phát huy vai trò chủ động, thực hiện thường xuyên hình thức đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng phụ nữ tại địa phương. Công tác hòa giải ở cơ sở phải được thực hiện tốt, kịp thời hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, thúc đẩy thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, hội viên, phụ nữ. 
P. MAI
  
.
 
.
.
.