Thứ Sáu, 05/05/2023, 19:05 (GMT+7)
.

Phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tại Tiền Giang, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) còn diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

THỰC TRẠNG BÁO ĐỘNG

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang, tình hình XHTDTE trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 80 vụ XHTDTE, tăng 26,98% so với giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019. Riêng 3 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ XHTDTE, với 8 trẻ bị xâm hại. Trong đó, có 2 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi; 4 vụ giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; 1 vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi và 1 vụ đang điều tra, xác minh đối tượng.

Hội đồng Đội tỉnh Tiền Giang trao tặng xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của  Trường THCS  Bình Đông (TX. Gò Công) tại Chương trình “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Hội đồng Đội tỉnh Tiền Giang trao tặng xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Bình Đông (TX. Gò Công) tại Chương trình “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Đối tượng xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau, trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội còn hạn chế. Phần lớn các đối tượng là người quen biết như hàng xóm, người thân, quan hệ yêu đương, sống chung với nhau như vợ chồng, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý trẻ em… Nạn nhân của các vụ XHTDTE thường là trẻ được cha mẹ gửi quản lý, chăm sóc hoặc sống trong gia đình cha mẹ ly thân, ly hôn phải sống với cha dượng, mẹ kế…; các trường hợp khác nằm ngoài sự quản lý của cha mẹ, người thân nên bị các đối tượng xâm hại.

Theo nhận định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), thực tế, số liệu trẻ em bị xâm hại, bạo lực nêu trên có thể chỉ là bề nổi. Với nhiều lý do tác động về văn hóa, lối sống và nhận thức về vấn đề xâm hại trẻ em, hoặc bị mua chuộc, bị đe dọa dẫn đến người thân, gia đình trẻ không tố giác đối tượng xâm hại, nhiều vụ việc xảy ra trong một thời gian dài mới phát hiện.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên chủ yếu là do nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên còn hạn chế, chưa nhận thức được hành vi thực hiện là vi phạm pháp luật, phổ biến nhất là hành vi giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em ở một số địa phương chưa thật sự được coi trọng.

Hiểu biết về pháp luật và kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em ở một bộ phận người dân còn thấp nên tình trạng xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra. Tình trạng cha mẹ đi làm ăn xa, ít có thời gian quan tâm, chăm sóc trẻ em, thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em; bị ảnh hưởng thông tin xấu, độc trên Internet… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xâm hại đối với trẻ em.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ NGĂN CHẶN, PHÒNG NGỪA

Từ thực tế trên, ngày 20-4-2023, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 135 nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm XHTDTE trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Kế hoạch 135). Mục đích của Kế hoạch 135 nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng XHTDTE.

Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó xác định công tác phòng ngừa là căn bản, then chốt; kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở, phòng ngừa chung, góp phần kiềm chế, làm giảm các nguyên nhân, điều kiện, phát sinh tội phạm. Bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ việc XHTDTE được tiếp nhận, giải quyết kịp thời; 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm XHTDTE được khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng lực lượng trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng XHTDTE.

Với Kế hoạch 135, UBND tỉnh Tiền Giang đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đoàn thể và chính quyền cấp huyện, xã. Trong đó, Công an tỉnh được giao nhiệm vụ chủ động nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm XHTDTE trên địa bàn; mở hồ sơ theo dõi, thu thập, tích lũy tài liệu đối với các đối tượng. Trên cơ sở đó, tổ chức phân loại, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các Trung tâm Bảo trợ xã hội, hoạt động môi giới xuất khẩu lao động, tìm việc làm, môi giới kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi… Làm tốt công tác quản lý cư trú; quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để phòng ngừa tội phạm; kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng chứa mại dâm, môi giới mại dâm là trẻ vị thành niên.

Phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo, phim ảnh đồi trụy, sách có nội dung bạo lực, khiêu dâm trên không gian mạng; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tập trung lực lượng khẩn trương điều tra làm rõ các vụ việc có dấu hiệu XHTDTE. Chủ động đấu tranh, khai thác mở rộng làm rõ các hành vi, đối tượng khác có liên quan để xử lý triệt để, không để bỏ sót, bỏ lọt tội phạm.

Sở LĐ-TB&XH có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục được tiếp cận với các cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật; kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên gia đình và trẻ em bị xâm hại. Phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học về kỹ năng sống, kết nối các chương trình, dịch vụ xã hội sẵn có tại địa phương theo hằng tháng, quý trong năm.

Đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên trách làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới; quan tâm, đề xuất can thiệp, hỗ trợ đối với từng trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục. Các sở, ngành, đoàn thể khác và UBND huyện, thành, thị thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn XHTDTE dựa trên chức năng, nhiệm vụ của mình…

THỦY HÀ

.
.
.