.

Quý trọng nguồn nhân lực - 'vốn quý' của mỗi doanh nghiệp

Cập nhật: 07:49, 02/05/2023 (GMT+7)

Đầu tư cho người lao động là đầu tư cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Các doanh nghiệp cần quan tâm, quý trọng và chia sẻ thành quả với người lao động để nuôi dưỡng nguồn nhân lực, đó là nguồn vốn quý của mỗi doanh nghiệp - lực lượng tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhiều chính sách hỗ trợ lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường của thị trường
Nhiều chính sách hỗ trợ lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường của thị trường.

Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, thị trường lao động đã bị tác động nặng nề, có thời điểm nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, có hơn 30 triệu lao động (tương đương 58,36% lực lượng lao động) bị ảnh hưởng tiêu cực (bị mất việc làm; phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên; giảm giờ làm, giảm thu nhập…).

Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thị trường lao động đã dần phục hồi trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Công tác chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, phát triển nguồn nhân lực cũng ngày càng được chú trọng.

Hỗ trợ người lao động thích ứng với những diễn biến bất thường của thị trường

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm quý I/2023 phục hồi tích cực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2023 ước tính là 52,2 triệu người, tăng 88.700 người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2023 ước đạt 68,9%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 ước tính là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý I/2023 là 7,9 triệu đồng/tháng, tăng 204.000 đồng so với quý trước và tăng 578.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, hàng loạt chính sách hỗ trợ cho người lao động, từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động đã được triển khai có hiệu quả. Tiếp theo đó, ngay từ những ngày đầu năm 2023, Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội đã được ban hành. 

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết 06, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Cục Việc làm - Bộ LĐTB&XH đã khẩn trương lên kế hoạch thực hiện, các tỉnh, thành phố cũng nhanh chóng đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể để phát triển thị trường lao động phù hợp với đặc thù của địa phương.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững là đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, kịp thời ứng phó với các thách thức của kinh tế trong và ngoài nước. Một trong những giải pháp trọng tâm được Bộ LĐTB&XH triển khai là tăng cường kết nối và điều tiết cung - cầu lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, kích thích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.

"Ngay khi xảy ra tình trạng người lao động bị mất việc, giãn việc do doanh nghiệp thiếu hợp đồng những tháng đầu năm 2023, Bộ LĐTB&XH và các đơn vị liên quan đã nhanh chóng rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ,...) để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu. Cùng với đó, các trung tâm giới thiệu việc làm cũng tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm", Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh: hàng loạt các giải pháp đồng bộ cũng đã được triển khai để từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh: hàng loạt các giải pháp đồng bộ cũng đã được triển khai để từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động.

Hàng loạt các giải pháp đồng bộ cũng đã được triển khai để từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động. Có thể thấy, sự vào cuộc của các địa phương thể hiện qua việc phát huy vai trò đầu mối của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm điều phối, hỗ trợ, kết nối và quản lý thị trường lao động trên địa bàn. Nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương... đã kết nối được hàng nghìn việc làm cho lao động bị mất việc.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ; đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường của thị trường.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động sinh sống ở địa bàn huyện nghèo, khó khăn; hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo… để họ tham gia vào thị trường lao động, có việc làm bền vững.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho biết thêm, thời gian tới, các chính sách sẽ hướng tới khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp để thu hút, sử dụng lao động chính thức, chuyển dần lao động phi chính thức sang lao động chính thức. Hệ thống kết nối cung - cầu lao động cũng từng bước được hiện đại, công tác dự báo cung - cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động được triển khai với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội.

Tạo động lực, tri ân những cống hiến của người lao động

Song song với phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững; công tác chăm lo cho người lao động cũng luôn được quan tâm và là một trong những ưu tiên hàng đầu khi xây dựng các chính sách.

Tại Lễ phát động Tháng Công nhân vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm đầu tư cho người lao động là đầu tư cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, người lao động.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Phải thường xuyên quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; phải sống trong cuộc sống của người lao động; phải nói tiếng nói chân thành của người lao động; phải hành động quyết liệt, hiệu quả trước những vấn đề người lao động cần; phải có quan điểm đầu tư cho người lao động là đầu tư cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, người lao động. Đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh, để công nhân có môi trường thuận lợi cho lao động, sản xuất".

Thực hiện chủ trưởng và tinh thần đó, trao đổi về những hoạt động chăm lo cho người lao động trong Tháng Công nhân 2023, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khó khăn về đơn hàng, khó khăn trong sản xuất kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp phải phá sản, giải thể, khiến nhiều công nhân bị mất việc làm, rời bỏ quan hệ lao động, đồng nghĩa với việc họ rời bỏ tổ chức công đoàn.

"Với trách nhiệm là tổ chức đại diện của người lao động, hơn lúc nào hết, công đoàn các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối việc làm cho người lao động. Khi người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, họ sẽ quay trở lại kết nối với tổ chức công đoàn", ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu: nhiều hoạt động cảm ơn người lao động được triển khai rộng khắp trên cả nước - Ảnh: VGP/Thu Cúc
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu: nhiều hoạt động cảm ơn người lao động được triển khai rộng khắp trên cả nước - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Điểm đặc biệt của Tháng Công nhân năm nay là các hoạt động đều hướng tới việc cảm ơn, tri ân người lao động cả về vật chất, tinh thần, giúp họ có thêm động lực vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Thông tin về một số điểm mới trong Tháng Công nhân năm 2023, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: "Một trong những điểm khác biệt trong Tháng Công nhân năm 2023 là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố triển khai tổ chức chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa các đại biểu Quốc hội tại địa phương với cử tri là đoàn viên, người lao động.

Qua đó, các đại biểu Quốc hội sẽ có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người đang trực tiếp lao động sản xuất, kiến tạo ra những giá trị cho xã hội; qua đó có thể truyền tải tâm tư, nguyện vọng công nhân, lao động trên diễn đàn Quốc hội", Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ đạo công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đề xuất, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức diễn đàn "Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân", hoạt động "Cảm ơn người lao động", kịp thời động viên, giải quyết các vấn đề người lao động quan tâm, bức xúc. Nhất là quan tâm tham gia giải quyết tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm, giảm thu nhập của người lao động; đề xuất các doanh nghiệp tìm giải pháp bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động một cách bền vững.

Bên cạnh đó, công đoàn cần đẩy mạnh công tác thương lượng với người sử dụng lao động nhằm nâng cao phúc lợi cho đoàn viên, người lao động. Phối hợp tổ chức các "Phiên chợ công nhân", "Tuần lễ bán hàng giảm giá cho người lao động", "Ngày hội văn hóa thể thao công nhân", "Ngày hội chăm sóc sức khỏe"; tổ chức các chương trình du lịch, nghỉ mát cho công nhân...

Công đoàn cơ sở đăng ký và triển khai có hiệu quả ít nhất một việc làm cụ thể chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, đồng thời đưa nội dung này vào chấm điểm thi đua cuối năm của các cấp công đoàn; khuyến khích công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động "Kết nối trái tim", tạo điều kiện để công nhân tìm hiểu, kết đôi, xây dựng hạnh phúc gia đình; triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ con của công nhân...

Nhân dịp này, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp cần quan tâm, quý trọng và chia sẻ thành quả với người lao động để nuôi dưỡng nguồn nhân lực, đó là nguồn vốn quý của mỗi doanh nghiệp - lực lượng tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

(Theo baochinhphu.vn)

 

 

 

 

 

 

.
.
.