.

Ban Kinh tế Trung ương khảo sát tình hình thực hiện tín dụng chính sách tại xã Long Vĩnh

Cập nhật: 11:02, 09/06/2023 (GMT+7)

(ABO) Sáng 9-6, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế Trung ương do Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An làm Trưởng đoàn có buổi làm việc và khảo sát thực tế tại xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang về tình hình quản lý, huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) theo Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH” và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Theo Đảng ủy xã Long Vĩnh, tính đến hết tháng 12-2022, tổng doanh số cho vay trên địa bàn xã là 38,41 tỷ đồng, tổng doanh số dư nợ đạt 26,916 tỷ đồng.

Tổng dư nợ đạt 19,458 tỷ đồng, tăng 12,075 tỷ đồng so với năm 2014. Về chất lượng tín dụng, không có nợ quá hạn và nợ khoanh.

Đồng chí Đỗ Ngọc An phát biểu kết luận buổi làm việc.
Đồng chí Đỗ Ngọc An phát biểu kết luận buổi làm việc.

Toàn xã có 15 tổ tiết kiệm và vay vốn; trong đó, số tổ hoạt động tốt chiếm tỷ lệ 93,33%, 6,67% tổ hoạt động khá; không có tổ hoạt động trung bình, yếu kém.

Số hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH là 1.792 hộ; số hộ vượt qua ngưỡng nghèo là 267 hộ; 241 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 245 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 2 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 677 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng…

Lãnh đạo Huyện ủy Gò Công Tây phát biểu tại buổi lảm việc.
Lãnh đạo Huyện ủy Gò Công Tây phát biểu tại buổi làm việc.

Theo đánh giá của Đảng ủy xã Long Vĩnh, từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng CSXH phục vụ ngày càng tốt hơn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần đáng kể vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, tạo việc làm tại địa phương.

Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh phát biểu ý kiến.
Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh phát biểu ý kiến.

Tín dụng CSXH đã góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi. Đây là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên.

Các chương trình CSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,23% (giảm 4,66% so với năm 2014), hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đỗ Ngọc An đánh giá cao kết quả thực hiện hoạt động tín dụng chính sách của xã Long Vĩnh.

Đoàn giám sát khảo sát tại Điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH tại xã Long Vĩnh.
Đoàn giám sát khảo sát tại Điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH tại xã Long Vĩnh.

Từ một xã khó khăn, nhưng từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Long Vĩnh đã giảm rất sâu. Long Vĩnh cũng là 1 trong 2 xã đầu tiên của Tiền Giang đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đoàn giám sát khảo sát tìm hiểu hoạt động cho vay của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn.
Đoàn giám sát tìm hiểu hoạt động cho vay của các tổ tiết kiệm và vay vốn.

Đồng chí Đỗ Ngọc An đánh giá, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ở xã rất có hiệu quả. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền xã cần chú ý, cố gắng có những kế sách để làm thế nào không còn hộ nghèo, cần phát huy những mô hình, cách làm hay.

Ngân hàng CSXH Trung ương nghiên cứu, báo cáo đề xuất để Trung ương hỗ trợ các hộ vay vốn kéo dài thời gian vay vốn, các hộ sau khi thoát nghèo tiếp tục vay vốn…

M. THÀNH - V. THẢO

.
.
.