Thứ Năm, 22/06/2023, 14:40 (GMT+7)
.

Cẩn trọng với chiêu "ve sầu thoát xác"

Dù báo chí đã nhiều lần phản ánh, nhưng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng càng ngày có những chiêu thức tinh vi, biến hóa khôn lường. Một trong những chiêu thức mà tội phạm trên mạng hay sử dụng là “ve sầu thoát xác”, khiến người bị lừa cũng không biết tại sao.

Đủ kiểu giả danh

Mới đây, phản ánh tới Báo SGGP, ông T. (SN 1954, ngụ quận 1, TPHCM) cho biết mình là nạn nhân của vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua chương trình chạy quảng cáo sản phẩm thời trang của Tập đoàn C.W.U. Vì tin vào miếng bánh mà các đối tượng “vẽ” ra, ông T. mất gần 300 triệu đồng trong vòng vài giờ.

Ông T. kể, tháng 5 vừa qua, ông truy cập vào trang mạng của tập đoàn trên, thấy đường link đăng ký thành viên chạy quảng cáo sản phẩm thời trang với số tiền hoa hồng từ 15%-40% (người tham gia phải làm hết đơn hàng, nhiệm vụ mới nhận được).

Do mới về hưu, rảnh rỗi nên ông đăng ký làm thành viên và phải chạy 90 lần quảng cáo sản phẩm, ký quỹ 24 triệu đồng vào tài khoản tập đoàn này. Sau khi hoàn tất các thủ tục, ông T. chạy 86 đơn hàng sản phẩm quảng cáo với số tiền vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Khi còn 4 nhiệm vụ, ông T. nhận được tin báo từ hệ thống rằng tài khoản của ông là thành viên may mắn nhất từ trước tới nay và đưa 2 đơn hàng với số tiền 75 triệu đồng và gần 170 triệu đồng.

“Tôi nghĩ đã làm 88/90 đơn hàng, còn 3 đơn hàng nữa là có thể lấy lại số tiền đã bỏ ra cùng hoa hồng nên chuyển tiền vào tài khoản Nguyễn Hoàng Thi, ngân hàng BIDV. Chuyển xong, tôi nhận thông báo là người may mắn có đơn hàng, yêu cầu nạp gần 18.000 USD để làm nhiệm vụ đơn hàng, tôi mới biết mình bị lừa.

a
Một nạn nhân bị dẫn dụ tham gia bán hàng trực tuyến bị mất hàng chục triệu đồng chia sẻ với phóng viên Báo SGGP
Phần lớn nạn nhân của các đối tượng này là người già, phụ nữ, người nước ngoài về Việt Nam sinh sống, người ít hiểu biết pháp luật nên khi nghe video call, thấy bên kia là người đại diện pháp luật thường có tâm lý e sợ. Đối tượng nắm bắt tâm lý này nên dễ dẫn dắt người dân vào “bẫy” mà chúng sắp đặt.

Một trường hợp cùng bị lừa khác là ông L. (SN 1952, ngụ quận 10, TPHCM) mất gần 15 tỷ đồng vì nghe cuộc gọi của người xưng là “cán bộ công an” vào giữa tháng 4-2023. Qua video call, ông L. nhìn thấy “cán bộ công an” và lệnh bắt giam mình nên hoảng sợ. Vị này liền nối máy với “Cục trưởng của Bộ Công an” để làm việc với ông L. “Cục trưởng” nói, ông L. dính vào 1 vụ án kinh tế cần xác minh tài khoản ở ngân hàng Vietcombank; yêu cầu phải kê khai, chuyển tiền để điều tra. Nếu không liên quan, công an sẽ trả lại tiền cho ông L.

Thấy hình ảnh kèm giọng nói của “cục trưởng”, ông L. tin và ra ngân hàng chuyển 6 tỷ đồng vào số tài khoản mà “cục trưởng” cung cấp.

Hôm sau, “cục trưởng” gọi ông L. yêu cầu tiếp tục chuyển tiền. Ông L. lại ra ngân hàng chuyển hơn 8 tỷ đồng vào tài khoản “cục trưởng”. Đợi mãi không thấy “cục trưởng” gọi, trả tiền nên ông L. tới ngân hàng kiểm tra thì phát hiện tổng số tiền gần 15 tỷ đồng của mình được chuyển tới 4 tài khoản ngân hàng...

Tội phạm lừa đảo luôn thay đổi

Phòng Cảnh sát hình sự (PC02 - Công an TPHCM) cho biết, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn tùy vào thời gian, thời điểm như: mạo danh nhân viên bưu điện, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án để hù dọa; rủ người dân đầu tư sàn ngoại hối, tiền ảo; đề nghị nâng cấp sim điện thoại; làm giả ứng dụng liên kết với ngân hàng... Gần đây, còn nổi lên việc tuyển cộng tác viên trực tuyến. Các đối tượng mạo danh nhân viên của trang thương mại điện tử, lôi kéo người dân bán hàng với hoa hồng cao, từ 10%-40%.

Phòng PC02 cho biết, trước đây đối tượng tấn công nick facebook, nhắn tin những người bạn của nick chính chủ mượn tiền, giả làm con nhắn tin xin bố mẹ chuyển tiền… Nhiều người sập bẫy và tìm cách gọi kiểm tra thì mới biết bị lừa. Vài năm trở lại đây, tinh vi hơn, đối tượng lấy video cũ, hình ảnh của chính chủ trên mạng rồi cắt ghép, dùng công nghệ deepfake (ghép hình ảnh, giọng nói của người này vào hình ảnh, giọng nói của người khác) để dễ dàng đánh lừa các nạn nhân.

Phòng PC02 nhấn mạnh, nhiều người dễ bị dẫn dắt, cuốn vào cạm bẫy của đối tượng lừa đảo mà không có thời gian, không nghĩ đến việc kiểm chứng thông tin. Người dân cần cảnh giác với các số điện thoại lạ; tuyệt đối không cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người lạ; nếu nhận cuộc gọi người xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án... cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.

ZaloPay vừa thông báo với người dùng dịch vụ này cần cẩn trọng với thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện. Đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên của ZaloPay để liên hệ khách hàng bằng hình thức nhắn tin, email hoặc liên hệ trực tiếp để hỏi những vướng mắc khi sử dụng dịch vụ. Từ đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để chiếm đoạt.

Các đối tượng lừa đảo còn có thể tạo giao diện màn hình đăng nhập giống như giao diện của ứng dụng ZaloPay hay website thật, gửi email theo một địa chỉ mạo danh dưới tên ZaloPay và đính kèm những đường link giả mạo nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân của khách hàng. ZaloPay khuyến cáo người dùng nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không thực hiện các hành vi như chia sẻ thông tin cá nhân cho bất kỳ đường dẫn, trang web nào ngoài ứng dụng được cung cấp bởi ZaloPay...

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.