Chuyện về 2 cựu chiến binh vượt khó làm giàu
Thực hiện phong trào thi đua cựu chiến binh (CCB) phát triển kinh tế, những năm qua, trên địa bàn huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) nói chung và thị trấn Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo) nói riêng đã xuất hiện nhiều gương CCB điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Trong số đó, CCB Phan Ngọc Sơn và Võ Văn Việt (SN 1957) ở thị trấn Chợ Gạo là 2 điển hình vượt khó làm giàu.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về, trước khó khăn của gia đình, CCB Phan Ngọc Sơn và Võ Văn Việt luôn trăn trở làm thế nào để vượt khó, phát triển kinh tế, quyết tâm làm giàu. Với bản lĩnh của người lính bộ đội Cụ Hồ, 2 CCB luôn tìm cách vượt khó, kiên trì, bền bỉ trong công việc, 2 CCB đã nỗ lực và đạt được thành công như ngày hôm nay.
* CCB VÕ VĂN VIỆT: Từ người thợ trở thành ông chủ
4 năm tham gia chiến trường Camphuchia, xuất ngũ cuối năm 1985, CCB Võ Văn Việt về quê lập nghiệp và xây dựng gia đình. Cuộc sống khó khăn, ông đi học nghề thợ mộc và quyết tâm lập nghiệp. Với đôi bàn tay khéo léo cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự nỗ lực của bản thân và đồng hành của các tổ chức Hội, CCB Võ Văn Việt đã phát triển nghề mộc giúp cuộc sống gia đình ngày càng sung túc.
CCB Võ Văn Việt (phía trước) |
Chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất đồ mộc của gia đình ông Việt, không khí làm việc hăng say của những thợ mộc, tiếng máy cưa, máy xẻ, máy bào gỗ vẫn vang lên đều nhịp. Ông Việt nhớ lại: Để xưởng phát triển như ngày hôm nay, bản thân và gia đình cũng cố gắng rất nhiều. Về quê với 2 bàn tay trắng, không đất sản xuất, không nghề nghiệp, tôi phải đi làm thuê, làm mướn, chăn nuôi heo, gà… Vất vả là vậy mà cuộc sống khó vẫn hoàn khó.
Qua sự học hỏi và muốn xây dựng một xưởng mộc cho chính mình làm chủ, anh chàng thợ mộc Võ Văn Việt quyết định mở xưởng mộc để có cơ hội thử sức mình. Xưởng ban đầu chỉ rộng vài chục m2, tuy khó khăn về vốn song ông lại rất am hiểu về đồ mộc, có kinh nghiệm và khéo léo trong tìm kiếm thị trường, các sản phẩm gỗ làm ra đều tinh xảo, đẹp và được nhiều người quanh vùng tin tưởng, đặt làm.Tính đến nay, ông Việt cũng đã gắn bó với nghề mộc gần 40 năm.
Để mở xưởng mộc, ngoài đi học nghề, ông Việt còn tự tìm học nghề từ những thợ mộc cao tay học thêm nghề. Ban đầu, xưởng nhận làm những đơn hàng nhỏ, chủ yếu là các sản phẩm như bàn, ghế, giường…. Dần dần, sản phẩm của xưởng được nhiều người biết đến do có chất lượng tốt, bền, đẹp.
Trong quá trình sản xuất, nhận thấy thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao, ông Việt tiếp tục đầu tư trang thiết bị, mở rộng diện tích xưởng mộc và cửa hàng kinh doanh mua bán đồ trang trí nội thất bằng gỗ, đầu tư mua thêm máy làm mộc. Sự nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm, giúp xưởng mộc của ông Việt khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Các sản phẩm nội thất do xưởng của ông sản xuất được nhiều người biết đến và được tiêu thụ rộng rãi. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 4-5 lao động thường xuyên, trả công 400 - 600 ngàn đồng/ngày.
* CCB PHAN NGỌC SƠN: Người thợ hồ phấn đấu thành chủ doanh nghiệp
Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà xây khang trang, đầy đủ tiện nghi, CCB Phan Ngọc Sơn tâm sự: Năm 1992, khi tròn 20 tuổi, tôi nhập ngũ và đóng quân tại Quân khu 9. Hơn 2 năm tại ngũ hoàn thành nhiệm vụ, CCB Phan Ngọc Sơn trở về quê hương, buổi đầu lập nghiệp với 2 bàn tay trắng, thiếu vốn liếng, kiến thức khiến cho cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó, vất vả.
CCB Phan Ngọc Sơn (phía trước). |
CCB Phan Ngọc Sơn chia sẻ: “Môi trường quân đội đã giúp rèn luyện ý chí và sự kỷ luật cho tôi. Trở về địa phương, tôi tiếp tục làm thợ hồ. Trải qua những năm tháng lao động cần mẫn để mưu sinh, có chút kinh nghiệm, tôi mạnh dạn nhận các công trình nhà ở tư nhân để xây dựng. Đến năm 2005, tôi thành lập Công ty TNHH Xây dựng thương mại Năm Sơn.
Sau nhiều năm tích góp, ông Sơn tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh. Ông nhận nhiều công trình nhà ở, các công trình công cộng có trị giá nhiều tỷ đồng. Với tinh thần ham học hỏi, hiện ông đã có một cơ ngơi khang trang với một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Đặc biệt, để phục vụ kịp thời và đáp ứng nhu cầu khách hàng, ông còn đầu tư mua các xe tải để chuyên chở vật liệu xây dựng cho khách ở vùng sâu, vùng xa.
CCB Phan Ngọc Sơn cho biết thêm: Để phát triển kinh tế thì mình cũng mạnh dạn dám nghĩ, dám làm; tuy nhiên mình cũng không thể làm hết được nên phải thuê thêm người làm, có như thế mình mới có thể phát triển dần lên được, đồng thời giúp những lao động địa phương có thêm nguồn thu nhập ổn định. Với mô hình kinh doanh tổng hợp này, hiện công ty có việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương từ 6- 8 triệu đồng/tháng.
***
Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế, CCB Phan Ngọc Sơn và Võ Văn Việt còn tham gia tích cực trong các hoạt động của Hội CCB ở cơ sở, 2 ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cũng như giúp đỡ các hội viên CCB khác gặp khó khăn trong cuộc sống. Với tâm niệm, có nhiều ủng hộ nhiều, có ít ủng hộ ít, từ nhiều năm nay, khi kinh tế gia đình đã ổn định, 2 ông luôn trăn trở giúp đỡ những hộ nghèo, hưởng ứng các phong trào từ thiện như ủng hộ, giúp đỡ hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà tết cho người nghèo…
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường có nhiều sự cạnh tranh, song với bản lĩnh của người quân nhân cách mạng, người lính Bộ đội cụ Hồ đã được rèn luyện thử thách trong quân ngũ, CCB Phan Ngọc Sơn và Võ Văn Việt đã luôn phấn đấu đưa công ty, cơ sở kinh doanh của mình không ngứng phát triển bền vững…
Chủ tịch Hội CCB Thị trấn Chợ Gạo Phan Minh Hoàng nhận xét: Uy tín, chất lượng đã tạo nên sự phát triển lớn mạnh của 2 doanh nghiệp, nhờ đó mà kinh tế của gia đình 2 CCB Phan Ngọc Sơn và Võ Văn Việt cũng khá giả hơn, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học; tích cực tham gia hoạt động Hội và các phong trào của địa phương, có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội, đồng thời làm ăn có hiệu quả, là tấm gương tiêu biểu để các hội viên học tập và noi theo.
PHƯƠNG MAI