Thứ Hai, 26/06/2023, 11:55 (GMT+7)
.

Công đoàn Tiền Giang nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên Công đoàn (CĐ), công nhân, người lao động (NLĐ). Đặc biệt là tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Qua đó, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) có nhiều chuyển biến trong chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

ĐA DẠNG HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp 09 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên với Bộ Công an, đại diện LĐLĐ tỉnh Tiền Giang cho biết, thực hiện Chương trình phối hợp 09, hằng năm, LĐLĐ tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, ma túy và tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh.

LĐLĐ TP. Mỹ Tho tổ chức tư vấn pháp luật cho công nhân, lao động của Công ty TNHH MTV Pungkook Bến Tre - Chi nhánh Mỹ Tho.
LĐLĐ TP. Mỹ Tho tổ chức tư vấn pháp luật cho công nhân, lao động của Công ty TNHH MTV Pungkook Bến Tre - Chi nhánh Mỹ Tho.

Đồng thời, chỉ đạo các cấp CĐ, các đơn vị trực thuộc quán triệt đến đoàn viên, CNVCLĐ các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, ma túy và tội phạm mua bán người, tệ nạn xã hội; Chỉ thị của UBND tỉnh về công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để phát huy vai trò của tổ chức CĐ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp CĐ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm, ma túy và tội phạm mua bán người, tệ nạn xã hội trong CNVCLĐ bằng nhiều hình thức phù hợp như: Tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc họp báo sáng thứ hai hằng tuần, sinh hoạt CĐ cơ sở, tổ CĐ, họp chuyên môn, phát tờ bướm, loa phát thanh nội bộ trên xe buýt đưa rước công nhân. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền được 4.450 cuộc, với 223.520 lượt người dự; vận động CNVCLĐ có biện pháp quản lý, giáo dục con em mình không mắc vào các tội phạm, tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động Khu nhà trọ Công nhân tự quản. Đến nay, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng thành lập được 54 Khu nhà trọ Công nhân tự quản với 2.374 phòng và 7.122 công nhân, lao động đang ở trọ. Hằng tháng, CĐ các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Phòng PV05 - Công an tỉnh Tiền Giang, Đồn (Tổ) Công an Khu công nghiệp duy trì tổ chức các buổi sinh hoạt để thông tin kịp thời đến công nhân, lao động ở các khu nhà trọ về tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông…

Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh thường xuyên chỉ đạo CĐ các Khu công nghiệp tỉnh tăng cường tuyên truyền đến người lao động về tình hình hoạt động của “tín dụng đen” để công nhân, lao động biết và không tham gia. Đồng thời, chỉ đạo Tổ chức Tài chính vi mô CEP chi nhánh Mỹ Tho và Châu Thành tăng cường thông tin tuyên truyền hoạt động đến công nhân, lao động và đưa ra hình thức, hồ sơ thủ tục vay vốn đơn giản để công nhân, lao động dễ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp.

Kết quả, hiện nay có 1.704 công nhân, lao động vay vốn từ Tổ chức Tài chính vi mô CEP chi nhánh Mỹ Tho và Châu Thành với số tiền 14 tỷ đồng. Qua công tác tuyên truyền, vận động và đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn vay của Tổ chức Tài chính vi mô CEP đã góp phần hạn chế các hoạt động của “tín dụng đen” trong công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được các cấp CĐ trong tỉnh triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 27 Đội công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự trong doanh nghiệp với hơn 600 thành viên đang hoạt động.

TẠO CHUYẾN BIẾN TRONG ĐOÀN VIÊN, CNVCLĐ

Theo LĐLĐ tỉnh, qua công tác tuyên truyền của các cấp CĐ về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội đã tạo nhiều chuyển biến trong đoàn viên, CNVCLĐ. Đoàn viên, CNVCLĐ ngày càng chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của đơn vị, doanh nghiệp, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo kích động, hạn chế thấp nhất các vụ ngừng việc tập thể.

LĐLĐ TP. Mỹ Tho hiện có 11.172 đoàn viên/11.893 CNVCLĐ. Đơn vị xác định công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ là nhiệm vụ quan trong nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật, những thông tin cần thiết cho đoàn viên, CNVCLĐ nắm để thực hiện. Từ đó, LĐLĐ TP. Mỹ Tho luôn đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền, vận động, đảm bảo 95% đoàn viên CĐ, CNVCLĐ được học tập các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Cụ thể, LĐLĐ TP. Mỹ Tho vừa tổ chức tư vấn pháp luật cho gần 100 công nhân, lao động đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Choi&shin’s Vina và 200 công nhân, lao động của Công ty TNHH MTV Pungkook Bến Tre - Chi nhánh Mỹ Tho (Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho).

Tại buổi tư vấn, rất nhiều ý kiến của công nhân, lao động đã được các cộng tác viên giải thích, tư vấn như chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, chế độ thai sản… Qua đó, giúp công nhân, lao động hiểu rõ hơn các chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp.

Chủ tịch LĐLĐ TP. Mỹ Tho Phạm Thị Thu Hà cho biết, công tác tuyên truyền giáo dục của các cấp CĐ thành phố trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức chính trị của đoàn viên, CNVCLĐ. Đoàn viên, CNVCLĐ tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu lao động, học tập, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.

Để phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, ma túy và tội phạm mua bán người, tệ nạn xã hội, LĐLĐ tỉnh thường xuyên nâng chất Mô hình “Câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật” tại 11 LĐLĐ cấp huyện; tổ chức sinh hoạt “Câu lạc bộ pháp luật, Ngày phổ biến, giáo dục pháp luật” trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các cấp CĐ đã tư vấn cho 10.520 lượt CNVCLĐ về các quy định của pháp luật có liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, thai sản, nghỉ việc không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động…

Qua các hoạt động tư vấn pháp luật, đã giúp công nhân, lao động hiểu hơn về các quy định của pháp luật; tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bản thân. LĐLĐ tỉnh còn phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các đoàn đến tư vấn trực tiếp cho công nhân, lao động và cán bộ CĐ cơ sở tại các doanh nghiệp.

Thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên, CNVCLĐ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức CĐ. Với các phương pháp, hình thức tuyên truyền sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế, đoàn viên, CNVCLĐ, nhất là người lao động trong các doanh nghiệp đã nắm được nội dung các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, hình thành thói quen hành động theo pháp luật, phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự.

Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, đoàn viên, CNVCLĐ và người sử dụng lao động cần quan tâm hơn đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, cần có sự chủ động hơn nữa từ phía các doanh nghiệp, sự hỗ trợ tạo điều kiện của các cơ quan nhà nước có liên quan và sự năng động sáng tạo của mỗi CĐ cơ sở.

Nội dung tuyên truyền cần chọn lọc cụ thể; đa dạng hình thức tuyên truyền, thu hút sự quan tâm, chú ý từ đoàn viên, CNVCLĐ. Khi hiểu biết về pháp luật được nâng lên, người lao động sẽ luôn có ý thức trong việc tôn trọng và chấp hành pháp luật. Đó là một trong nhiều biện pháp giúp người lao động thực hiện tốt công tác, hoàn thành nhiệm vụ cơ quan, đơn vị, cũng như góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

L.OANH - Q.MINH

 

.
.
.